Mang hòa nhạc cổ điển vào giảng đường đại học
'Nhạc cổ điển rất gần gũi trong đời sống, chỉ có điều chúng ta chưa có thời gian để tìm hiểu, ngẫm nghĩ. Công việc của tôi và các nghệ sĩ là đem đến câu chuyện xung quanh những bản nhạc rất nổi tiếng và quen thuộc' - nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ trong hòa nhạc 'Giao hưởng tuổi trẻ' số đầu tiên tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chiều 10.1.
Chuỗi hòa nhạc “Giao hưởng tuổi trẻ” sẽ diễn ra từ tháng 1 - 7.2025 tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng một số. Các buổi hòa nhạc không diễn ra trong nhà hát mà ngay giữa giảng đường thân thuộc của sinh viên. Trong hơn 1 tiếng đồng hồ, sinh viên được nghe giới thiệu và thưởng thức các tác phẩm thuộc các thể loại như: giao hưởng, opera, nhạc kịch Broadway, Jazz, nhạc phim…
Đồng hành và hỗ trợ về chuyên môn cho chuỗi chương trình là nhạc trưởng Trần Nhật Minh cùng các nghệ sĩ đến từ Saigon Festival Orchestra, Saigon Winds, Impact Theatre Saigon. “Mục đích của chương trình là mang đến những buổi thưởng thức hòa nhạc thư giãn. Đồng thời, qua chia sẻ, giao lưu, các nghệ sĩ sẽ mang đến cho sinh viên những tri thức về âm nhạc, nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật”, nhạc trưởng Trần Nhật Minh nói.
Sau khi tham dự buổi hòa nhạc đầu tiên, Lâm Thành Phát, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, chia sẻ, chương trình là một trải nghiệm ý nghĩa, giúp bản thân có thêm nhiều kiến thức về âm nhạc. “Việc được tiếp cận với nhạc cổ điển mà còn nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, phát huy các kỹ năng về văn hóa nghệ thuật nói chung”, Thành Phát nói.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Toán học giúp con người xác định cách sắp xếp nốt nhạc để tạo ra biến thể mới từ một chủ đề ban đầu. Vật lý nghiên cứu tần số, biên độ và cộng hưởng của sóng âm để giải thích cách các bản nhạc được tạo ra và truyền đi. Sinh lý học thần kinh nghiên cứu về cách bộ não xử lý âm nhạc giúp hiểu rõ hơn về cấu trúc não bộ và chức năng nhận thức. Âm nhạc kích thích nhiều vùng não khác nhau, góp phần cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung và thậm chí là khả năng ngôn ngữ.
“Âm nhạc vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, văn hóa và thời gian, tạo ra sự đồng cảm và gắn kết giữa các cá nhân, cộng đồng và thế hệ. Âm nhạc truyền tải cảm xúc, từ niềm vui, nỗi buồn đến sự thăng hoa của tình yêu và khát vọng, giúp con người hiểu rõ hơn về chính mình và thế giới xung quanh. Kết nối cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn, đó chính là món quà lớn nhất mà âm nhạc mang lại cho nhân loại và cũng là món quà của Nhạc trưởng Trần Nhật Minh và các nghệ sĩ mang đến Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh”, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Việc tổ chức hòa nhạc ngay tại giảng đường tạo sự gắn kết, gần gũi với sinh viên. Đồng thời, các buổi biểu diễn tạo thành một chuỗi, nhằm tạo sự liên kết và đem đến bức tranh âm nhạc toàn cảnh. Đây là khác biệt nổi bật của hòa nhạc “Giao hưởng tuổi trẻ” so với các chương trình hòa nhạc dành cho học sinh, sinh viên từng có.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh hy vọng chuỗi chương trình này sẽ là tiền đề, tạo cơ hội mang âm nhạc cổ điển đến giảng đường đại học để sinh viên khắp cả nước được tiếp cận âm nhạc cổ điển, được thưởng thức những câu chuyện đẹp nhất về âm nhạc.