Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Năm 2024, dự kiến, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước có thể đạt con số 800 tỷ USD, là con số kỷ lục từ trước đến nay.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.

TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương

TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương

Thưa ông, đến giữa tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 681,48 tỷ USD, gần bằng cả năm 2023 (đạt 681 tỷ USD), với kim ngạch tăng cao cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Ông đánh giá gì về kết quả này?

Thời gian qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã đạt con số ấn tượng cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã bằng cả năm 2023, là kết quả rất đáng ghi nhận.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, lên đến 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến hết tháng 10. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng tăng đến 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD).

Đáng chú ý, dù kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn kim ngạch xuất khẩu, song cả nước vẫn có xuất siêu. Nguyên nhân là bởi kim ngạch nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất, phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, nhập khẩu tăng cao là dấu hiệu đáng mừng.

Một điểm sáng khác đáng ghi nhận là kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cũng tăng cao. Trong 10 tháng năm 2024, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0%.

Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn nhiều so với tăng trưởng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỷ lệ xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng dần được cải thiện. Nếu như trước đây, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI có thời điểm lên đến 76% tổng kim ngạch xuất khẩu thì nay đã giảm dần.

Đặt trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản – nhóm hàng hóa có giá trị tuyệt đối thấp trong tổng nhóm xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp FDI chủ yếu xuất khẩu mặt hàng công nghiệp – là mặt hàng có giá trị tuyệt đối cao, lại đang tiếp tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam. Có thể thấy, con số này là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của khối doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ ràng rằng năm 2023 là một năm quá khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu nên kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2024 tăng trưởng trên nền con số khá thấp. Song, con số xuất nhập khẩu đến thời điểm này của năm 2024 đã nhỉnh hơn so với năm 2022 – là năm Việt Nam đạt kỷ lục về xuất nhập khẩu. Do đó, theo dự báo của tôi, nhiều khả năng năm nay, xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể tiếp tục đạt kỷ lục, có thể tiệm cận con số 800 tỷ USD; xuất siêu ở mức 25-27 tỷ USD.

Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp nội (Ảnh: TTXVN)

Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp nội (Ảnh: TTXVN)

Ông vừa nhắc đến sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp nội. Song năm nay, các doanh nghiệp cũng được lợi do giá xuất khẩu nông sản tăng. Ông bình luận gì về điều này?

Đúng là hiện nay, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng. Nông sản lại là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khối doanh nghiệp trong nước. Nhưng doanh nghiệp không phải chỉ hưởng lợi về giá. Tôi đã có sự trao đổi với các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa thì thấy rằng, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực và sẵn sàng, chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Do đó, dù năm 2023 gặp vô vàn khó khăn, nhưng họ luôn tin tưởng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại, cơ hội sẽ đến. Nhờ có sự chuẩn bị này nên doanh nghiệp đã nắm bắt rất tốt các thời cơ khi nhu cầu thị trường gia tăng trở lại.

Song song với đó, không thể không kể đến nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp được hoạt động và xuất nhập khẩu để có được kết quả như vậy.

Ông chia sẻ gì về vai trò của Bộ Công Thương trong thành tích xuất nhập khẩu của năm 2024?

Tôi cho rằng, dấu ấn của Bộ Công Thương trong thành tích xuất nhập khẩu không chỉ của năm 2024 mà rất nhiều năm qua khá đậm nét. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu trình Chính phủ các chính sách, hoạt động nhằm nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thời gian qua, tôi cho rằng Bộ Công Thương đã rất nỗ lực để mở cửa thị trường cho hàng hóa thông qua việc triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quan trọng sang các thị trường, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam được thị trường thế giới biết đến. Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng được duy trì tổ chức, là kho thông tin cập nhật về thị trường xuất khẩu rất lớn cho doanh nghiệp.

Vừa qua, Việt Nam đã ký FTA với UAE. Đây là quả ngọt, trong đó sự đóng góp của Bộ Công Thương là rất lớn. Từ năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE đã chủ động nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và việc ký kết FTA đã mang lại kết quả rất lớn.

Bộ Công Thương cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng rất hiệu quả các FTA bằng cách tận dụng tốt các quy tắc xuất xứ. Nhờ đó, tỷ lệ tận dụng các FTA ở mức rất cao.

Thời gian vừa qua, các cơ quan thương vụ thuộc Bộ Công Thương cũng đã nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về thị trường. Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, tôi cho rằng, Bộ Công Thương đã thực hiện công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường nhập khẩu được Bộ Công Thương thực hiện tốt thời gian qua, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tránh được rủi ro không đáng có trong hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Hoạt động này cần tiếp tục được triển khai mạnh nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Phương Lan thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-tich-xuat-nhap-khau-ky-luc-cua-nam-2024-co-dong-gop-lon-cua-bo-cong-thuong-360179.html
Zalo