Mang ánh sáng đến bản nghèo
300 hệ thống phát và lưu trữ điện năng lượng mặt trời được lắp đặt tại các hộ gia đình ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã cung cấp nguồn điện 'xanh' cho người dân nơi đây. Dự án góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Nhiều năm nay, phần lớn hộ nghèo ở huyện Mù Cang Chải vẫn phụ thuộc vào đèn dầu, đèn pin khi về đêm. Dù đã có lưới điện quốc gia nhưng do việc nối đường dây tải điện đến các bản vùng cao tốn rất nhiều thời gian và chi phí nên hiện vẫn còn khoảng 6.000 hộ gia đình ở tỉnh Yên Bái, trong đó có 1.400 hộ ở Mù Cang Chải, chưa có điện sinh hoạt hằng ngày.

Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho người dân tại huyện Mù Cang Chải. Ảnh do JICA cung cấp
Để thắp sáng vùng cao, từ tháng 5-2023, dự án "Hệ thống điện năng lượng mặt trời, thiết bị lưu trữ và hệ thống giám sát IoT trên hệ thống đám mây" chính thức được triển khai cho 300 hộ dân Mù Cang Chải. Đây là một trong các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để góp phần giải quyết vấn đề kinh tế-xã hội tại các quốc gia đang phát triển của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), do Công ty TNHH Niinuma Việt Nam (Nhật Bản) đề xuất và được JICA lựa chọn năm 2020.
Chia sẻ với phóng viên, đồng chí Đào Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, dự án góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, cơ bản không còn là huyện nghèo. Cũng nhờ dự án, 300 hộ dân của huyện Mù Cang Chải đã có được ánh sáng phục vụ sinh hoạt vào buổi tối. "Các chức năng của hệ thống như sạc đèn pin, chiếu sáng giúp trẻ em có thể học tập, người dân được xem ti vi, chị em phụ nữ có thể thêu thùa, xe lanh, may váy áo; đàn ông đan lát các vật dụng gia đình. Đặc biệt, nguồn điện này đã giúp cải thiện môi trường sống, giảm ô nhiễm không khí trong nhà (trước đây người dân phải đốt lửa để thắp sáng). Về tổng thể đã mang lại nhiều tác động tích cực trong đời sống sinh hoạt của người dân, tăng cường giao lưu với hàng xóm", đồng chí Đào Ngọc Hùng nói.
Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cũng bày tỏ mong muốn JICA tiếp tục quan tâm tài trợ thêm thiết bị tại các nhóm hộ chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện; xem xét nâng công suất của bộ tích điện trên 800W trở lên. Đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ thiết bị điện năng lượng mặt trời cho các nhóm hộ của 9 bản chưa được đầu tư điện lưới quốc gia, gồm: Lùng Cúng, Làng Giàng, Đá Đen (xã Nậm Có); Háng Phừ Loa (xã Mồ Dề); Cáng Dông, Hú Trù Lìn (xã Lao Chải); Pú Vá, Kể Cả, Háng Tày (xã Chế Tạo), cùng một số điểm trường lẻ để giúp người dân và các thầy, cô giáo có điện sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Niinuma Việt Nam Minowa Yuya cho biết: "Dù lượng điện cung cấp hiện tại vẫn còn hạn chế và có thể chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, nhưng dựa trên những kết quả thử nghiệm và dữ liệu thu được, chúng tôi mong muốn sẽ có thể đưa ra những đề xuất tối ưu hơn trong tương lai. Qua đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán để mở rộng việc cung cấp điện cho các khu vực chưa có điện, hướng tới mục tiêu tất cả các hộ gia đình sẽ sớm được tiếp cận với điện năng xanh". Theo ông Minowa Yuya, dựa trên kết quả của dự án này, Công ty TNHH Niinuma lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh vào các vùng núi của Việt Nam. JICA sẽ tiếp tục nỗ lực để hỗ trợ Việt Nam trong việc điện khí hóa và cung cấp điện ổn định.