Man City có thể hủy hoại Premier League

Premier League đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng, và Manchester City đang là nhân tố chính định đoạt tương lai của giải đấu.

 Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Manchester City có thể mua sắm không giới hạn?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Manchester City có thể mua sắm không giới hạn?

Bằng cách thách thức các quy tắc tài chính hiện tại, Man City không chỉ bảo vệ lợi ích của riêng mình mà còn có thể mở đường cho một Premier League không còn giới hạn chi tiêu, nơi những đội bóng giàu có có thể chi tiền không kiểm soát. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho ai? Liệu đây có phải là một bước tiến của bóng đá hiện đại hay là hồi chuông báo động cho sự sụp đổ của tính cạnh tranh đã làm nên thương hiệu của giải đấu này?

Man City và cuộc chiến pháp lý thay đổi cuộc chơi

Man City từ lâu đã bị đặt vào tầm ngắm bởi các quy tắc tài chính của Premier League. CLB này là một trong những đội bóng có nguồn thu thương mại lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Real Madrid. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở con số mà nằm ở cách nó được tạo ra.

Premier League từng kết luận rằng các hợp đồng thương mại giữa Man City với những công ty có liên quan đến tập đoàn Abu Dhabi, chẳng hạn như hãng hàng không Etihad, đã bị định giá cao hơn giá trị thực. Đây là lý do khiến giải đấu đặt ra các quy tắc kiểm soát giao dịch với các bên liên quan (APT), nhằm đảm bảo tính công bằng trong chi tiêu giữa các CLB.

Tuy nhiên, Man City đưa vấn đề này ra tòa, và trong một phán quyết gần đây, các quy tắc APT bị vô hiệu hóa hồi tố do một số yếu tố kỹ thuật, bao gồm việc không bao gồm các khoản vay từ cổ đông. Điều này mở ra khả năng rằng trong tương lai, Premier League có thể không còn bất kỳ giới hạn tài chính nào - nơi mà những đội bóng có nguồn tiền khổng lồ có thể chi tiêu không kiểm soát mà không cần tuân theo bất kỳ quy định nào.

 Manchester City bạo chi trong kỳ chuyển nhượng tháng 1/2025.

Manchester City bạo chi trong kỳ chuyển nhượng tháng 1/2025.

Viễn cảnh một Premier League không có bất kỳ giới hạn tài chính nào sẽ tạo ra một hệ thống nơi những CLB giàu có như Man City hay Newcastle United có thể chi tiêu không giới hạn, trong khi những đội bóng nhỏ hơn buộc phải vật lộn để tồn tại.

Hãy thử tưởng tượng một giải đấu nơi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Những CLB như Brighton, Brentford hay Crystal Palace sẽ không còn cơ hội cạnh tranh với các ông lớn. Chiến thắng của Brighton trước Chelsea hay Aston Villa bay cao trên BXH có thể sẽ trở thành câu chuyện của quá khứ.

Điều gì sẽ xảy ra khi những đội bóng nhỏ không còn cơ hội? Liệu người hâm mộ có còn hứng thú khi chức vô địch chỉ là cuộc đua của hai hoặc ba CLB giàu có nhất?

Sự hấp dẫn của Premier League không chỉ đến từ những đội bóng lớn mà còn từ sự cạnh tranh khốc liệt. Tính hấp dẫn ấy nằm ở việc bất kỳ CLB nào cũng có thể tạo nên điều kỳ diệu - từ Leicester City vô địch mùa 2015/16, đến Brentford đánh bại Man City ngay tại Etihad. Nhưng nếu những ràng buộc tài chính bị xóa bỏ, viễn cảnh ấy sẽ không còn.

Bóng đá vẫn cần luật chơi

Những người ủng hộ Man City có thể lập luận rằng đây là sự giải phóng cho bóng đá. Tại sao một đội bóng có nguồn lực tài chính mạnh lại không được chi tiêu theo ý muốn? Tại sao những CLB có lịch sử lâu đời như Manchester United hay Liverpool có thể hưởng lợi từ thương hiệu toàn cầu của họ, trong khi những đội bóng mới nổi lại bị ràng buộc bởi luật lệ?

 Manchester City vừa giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với Premier League.

Manchester City vừa giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với Premier League.

Nhưng bóng đá không chỉ là cuộc chơi của những kẻ mạnh. Một giải đấu hấp dẫn không phải là nơi chỉ có một vài đội bóng có thể giành chiến thắng, mà là nơi bất kỳ ai cũng có thể tạo nên bất ngờ.

Tây Ban Nha, La Liga rơi vào tình trạng thống trị của Real Madrid và Barcelona trong suốt nhiều thập kỷ. Ở Pháp, PSG gần như vô địch mỗi mùa. Sự độc quyền ấy khiến những giải đấu này mất dần sức hút, khiến lượng người xem giảm mạnh và các nhà đài phải điều chỉnh hợp đồng bản quyền truyền hình.

Nếu Premier League đi theo con đường đó, liệu nó có còn giữ được vị thế số một của mình?

Nếu Man City thành công trong cuộc chiến pháp lý này, Premier League sẽ phải đối mặt với một bài toán hóc búa. Nếu các quy tắc APT bị loại bỏ, giải đấu sẽ quay trở lại với hệ thống giao dịch với bên liên quan (RPT) từng được áp dụng trước khi APT ra đời. Nhưng hệ thống này đã bị xem là lỗi thời từ năm 2018.

Các quy định tài chính của Premier League không chỉ tồn tại để hạn chế chi tiêu, mà còn nhằm đảm bảo rằng mọi CLB đều có cơ hội cạnh tranh công bằng. Một đội bóng có thể mạnh nhờ nguồn lực tài chính, nhưng nếu không có sự kiểm soát, khoảng cách giữa những đội giàu và nghèo sẽ ngày càng xa hơn.

Hãy nhìn sang Ligue 1, nơi DAZN đang phải đàm phán lại hợp đồng bản quyền do lượng người đăng ký giảm mạnh. Hãy nhìn sang La Liga, nơi Real Madrid và Barcelona nhận phần lớn tiền bản quyền truyền hình, nhưng thực tế số tiền đó chỉ ngang bằng với mức thu nhập của các CLB tầm trung tại Premier League.

Và hãy nhớ rằng, chính sự cân bằng đã làm nên thương hiệu của Premier League.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: Chúng ta muốn một Premier League nơi sự cạnh tranh được duy trì, hay một giải đấu nơi khoảng cách giữa giàu và nghèo là không thể san lấp?

Cuộc chiến pháp lý của Man City không chỉ là vấn đề của riêng CLB này mà còn là bài toán của cả Premier League. Nếu các quy định tài chính bị xóa bỏ, ai sẽ là người hưởng lợi? Và ai sẽ là người chịu thiệt?

Tương lai của Premier League đang được quyết định. Liệu đây có phải là khởi đầu của một kỷ nguyên mới hay là dấu hiệu của sự sụp đổ của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh?

Cú lốp bóng của Marmoush khiến fan Man City phát cuồng Sau 4 trận tịt ngòi, Marmoush tỏa sáng rực rỡ với cú hat-trick chỉ trong 14 phút trước Newcastle ngày 15/2. Trong đó có bàn mở tỉ số bằng cú lốp bóng đẳng cấp từ đường chuyền vượt tuyến của thủ môn Ederson.

Di Cầm

Nguồn Znews: https://znews.vn/man-city-co-the-huy-hoai-premier-league-post1531986.html
Zalo