Mâm lễ cúng Tết Thanh minh cần những gì?

Vào dịp tiết Thanh minh hàng năm, mọi người thường đi tảo mộ vào ngày Tết Thanh minh và chuẩn bị những mâm cơm tươm tất, đủ đầy bày tỏ lòng thành với gia tiên.

Một năm có 24 tiết khí, tiết Thanh minh là tiết khí thứ 5. Tiết Thanh minh năm 2023 bắt đầu vào thứ Tư ngày 5 tháng 4 sau tiết Xuân Phân và kết thúc vào ngày 20 tháng 4. Ngày 21 tháng 4 đã bắt đầu tiết Cốc Vũ.

Ngày đầu tiên trong tiết Thanh minh được gọi là ngày Tết Thanh minh. Trong ngày này, người dân thường làm mâm cúng dâng lên bàn thờ gia tiên và đi tảo mộ. Bởi vậy, ngày Tết Thanh minh thường có 2 phần lễ cần chuẩn bị.

Mâm cúng Thanh minh ngoài mộ

Mỗi gia đình có quan niệm và điều kiện khác nhau khi làm mâm cúng Tết Thanh minh. Vì vậy người thân sẽ chuẩn bị lễ chay hoặc lễ mặn tùy theo phong tục tôn giáo hay sở thích riêng của mình.

Mâm cúng Tết Thanh minh thường có gà luộc. Ảnh: Chạn

Mâm cúng Tết Thanh minh thường có gà luộc. Ảnh: Chạn

Thông thường, lễ chay được ưa chuộng hơn vì mang đến cảm giác gọn gàng, thanh tịnh với những món như xôi chè, hoa quả, bánh trái, gạo muối, trầu cau và tiền vàng.

Tuy nhiên, lễ mặn cũng được nhiều người chuẩn bị chu đáo vì có thêm chân giò, gà luộc và những món xào hoặc nem rán.

Mâm cúng Thanh minh tại nhà

Mâm cúng dâng bàn thờ tại nhà cũng không quá cầu kỳ, phức tạp. Lễ vật phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình hoặc phong tục văn hóa của mỗi nơi. Tuy nhiên, mâm cúng ngày Tết Thanh minh cũng sẽ đủ các món như gà luộc, xôi đỗ, canh măng miến, đĩa rau xào, nem rán... Ngoài ra, lễ cúng không thể thiếu được trái cây, hoa tươi, trầu cau, một ít vàng mã.

Các món trong mâm cúng Tết Thanh minh thường có các món như xôi, canh măng, miến xào, rau xào các loại... Ảnh: Nhà hàng Bể cá

Các món trong mâm cúng Tết Thanh minh thường có các món như xôi, canh măng, miến xào, rau xào các loại... Ảnh: Nhà hàng Bể cá

Cuộc sống hiện đại cũng có nhiều gia đình không làm mâm cúng Tết Thanh minh. Trong ngày này, ngoài việc tảo mộ, dọn dẹp bàn thờ, họ chỉ thắp hương với hoa quả tươi, trà với bánh kẹo để bày tỏ sự thảo kính tổ tiên.

Trong dân gian cũng có nhiều quan điểm cho rằng, có một số kiêng kỵ nhất định về các loại hoa quả mang dâng cúng khi đi tảo mộ hoặc mâm cúng tại nhà. Chẳng hạn như các loại quả nhiều hạt hoặc ngụ ý sinh sôi, trường thọ như lựu, nho hoặc đào. Tuy nhiên, đây chỉ là quan niệm dân gian, khi mang đồ dâng cúng, có thể cúng loại quả khi người thân còn sống thích ăn.

Trước khi cúng, cần dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng phải mặc quần áo sạch sẽ, chỉnh tề rồi lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.

Kỳ Vân Dương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mam-le-cung-tet-thanh-minh-can-nhung-gi-20230331105607885.htm
Zalo