Malaysia tính thu phí chống ùn tắc tại 3 thành phố
Malaysia đang đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Để hóa giải tình trạng này, Malaysia đang tính triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc thu phí chống ùn tắc để cải thiện hạ tầng giao thông công cộng.
Mức phí sẽ không quá thấp
Theo báo The Sun, với tốc độ phát triển kinh tế của Malaysia, số lượng người dân sở hữu phương tiện cá nhân cũng tăng theo cấp số nhân, gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Mật độ giao thông dày đặc trên đường phố Kuala Lumpur.
Tình trạng này càng trầm trọng do thiếu hụt hạ tầng giao thông công cộng và điểm đỗ xe. Malaysia được xếp là quốc gia đứng thứ tư ở Đông Nam Á về tình trạng tắc nghẽn giao thông và có mức phát thải CO2 cao thứ hai khu vực.
Để giải quyết, một trong những giải pháp Malaysia đang nghiên cứu thực hiện là thu phí vào khu vực trung tâm.
Mới đây, lãnh đạo Văn phòng Thủ tướng Malaysia, bà Zaliha Mustafac cho biết, chính quyền liên bang có kế hoạch chọn 3 thành phố gồm: Johor Bahru (thuộc bang Johor), thủ đô Kuala Lumpur và thành phố George Town (thuộc bang Penang) triển khai phí ùn tắc.
Kế hoạch đang được nghiên cứu và dự kiến hoàn thành trong năm nay. Mức phí sẽ không quá thấp nhưng phải đủ để hạn chế phương tiện vào một số tuyến đường nhất định.
Nhiều ý kiến trái chiều
Theo tờ Malay Mail, nhiều nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc thu phí ùn tắc có thể làm giảm lưu lượng giao thông ở Kuala Lumpur tới 20%.

Công trường xây dựng dự án Hệ thống giao thông nhanh (RTS) Johor Bahru - Singapore.
Song chính quyền địa phương gần như không ủng hộ kế hoạch này. Chủ tịch Ủy ban Công trình, Giao thông và Cơ sở hạ tầng của bang Johor, ông Mohamad Fazli Mohamad Salleh cho biết, bang này chưa sẵn sàng vì chưa có quy hoạch tổng thể về giao thông công cộng.
Bản thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Anthony Loke cũng từng phản đối kế hoạch này. Theo ông, việc thực hiện thu phí ùn tắc ở các thành phố của Malaysia là không khả thi. Cần ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng trước khi hiện thực hóa kế hoạch này.
"Nếu thu phí ùn tắc mà không có phương án giao thông công cộng hợp lý để thay thế chỉ gây thêm áp lực cho người dân và tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội", ông Loke nói.
Thực tế, trong vòng 24 giờ, có khoảng 1,5 triệu phương tiện ra vào trung tâm thủ đô Kuala Lumpur trong khi lượng người sử dụng phương tiện công cộng chỉ đạt 25% công suất.
Đẩy nhanh nhiều dự án giao thông công cộng
Malaysia cũng đang thực hiện hai dự án giao thông công cộng lớn là Hệ thống đường sắt nhẹ (LRT) đầu tiên của Penang mang tên Mutiara và Hệ thống giao thông nhanh (RTS) nối miền Bắc Singapore với Johor Bahru (Malaysia).

Hệ thống giao thông nhanh (RTS) được kỳ vọng giúp giảm tắc nghẽn trên tuyến đường bộ xuyên biên giới Malaysia - Singapore.
Những dự án này được mong đợi từ lâu với kỳ vọng giảm bớt tình trạng ùn tắc nghiêm trọng và tình trạng sử dụng ô tô cá nhân.
Tuyến LRT Mutiara của Penang chính thức được khởi công xây dựng từ tháng 1/2025, dài gần 30km với 21 nhà ga, dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2031.
Còn RTS là tuyến đường sắt liên kết Malaysia và Singapore dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2026, với khả năng vận chuyển tới 10.000 hành khách mỗi giờ theo mỗi hướng.
Tuyến đường dài chỉ 4km sẽ có hai nhà ga nhưng đi qua biên giới hai nước, kết nối Woodlands North ở Singapore với Bukit Chagar ở trung tâm thành phố Johor Bahru của Malaysia.
Khi đưa vào hoạt động, dự án ước tính phục vụ khoảng 40.000 hành khách mỗi ngày, tăng lên 150.000 hành khách/ngày sau ba năm - gần bằng một nửa số người hiện đang qua biên giới một ngày.
Tuy nhiên, góp ý thêm vào kế hoạch này, chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) Timothy Wong cho rằng, xe buýt có thể bổ sung cho hai tuyến đường sắt này, tạo thành giải pháp tốt để thay thế ô tô cá nhân.
Ông Wong lấy ví dụ, các thành phố như Singapore và Hong Kong đều phát triển mạng lưới xe buýt toàn diện cùng với mạng lưới đường sắt.
Mạng lưới MRT dài 242km của Singapore có lượng hành khách trung bình hằng ngày là 3,41 triệu lượt tính trong năm 2024, còn mạng lưới xe buýt có hơn 350 tuyến với hơn 5.800 xe buýt, thực hiện trung bình 3,84 triệu chuyến/ngày.
Tương tự, mạng lưới Đường sắt vận tải công cộng của Hong Kong dài khoảng 271km có lượng hành khách trung bình hàng ngày là 4,6 triệu lượt vào năm 2023.
Cùng đó, mạng lưới xe buýt của Hong Kong rất rộng lớn bao gồm hơn 700 tuyến, được điều hành bởi gần 6.000 xe buýt hoạt động thường xuyên và hơn 4.000 xe buýt nhỏ. Tính trong năm 2023, mỗi ngày mạng lưới xe buýt thực hiện trung bình hơn 5 triệu chuyến.
Theo chuyên gia Singapore, trong lúc xây dựng LRT, nên tiếp tục mở rộng hạ tầng xe buýt để giảm tắc nghẽn, chuyển hướng hành khách sử dụng ô tô cá nhân sang xe buýt. Sau này, khi tuyến LRT mở cửa, sẽ giúp kết nối và tạo thuận tiện cho người sử dụng phương tiện công cộng.
Theo các chuyên gia giao thông Malaysia, nếu không có mạng lưới xe buýt bổ sung đầy đủ, phương tiện công cộng sẽ không hấp dẫn như ô tô cá nhân.
Bên cạnh đó, chỉ mở rộng mạng lưới là không đủ, Malaysia còn phải cải thiện chất lượng hoạt động xe buýt và cơ sở hạ tầng bởi hiện tại. Niềm tin của người dân với xe buýt thấp hơn so với tàu hỏa và xe điện. Vì xe buýt hoạt động trên cùng một tuyến đường với ô tô và do đó dễ chịu cảnh tắc nghẽn. Để giải quyết, có thể thực hiện làn đường ưu tiên xe buýt như một số quốc gia đã làm.