Nhiều kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar
Sau 7 ngày nỗ lực hết mình, công tác tìm kiếm các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi động đất tại Myanmar của 2 đoàn Quân đội nhân dân và Bộ Công an Việt Nam đã kết thúc.
Dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân đang có mặt tại Naypyidaw đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), Trưởng Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tại Myanmar về những kết quả đã đạt được.
Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá về kết quả hoạt động của đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam trong lần thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn Myanmar vừa qua?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã trực tiếp đưa được 7 thi thể nạn nhân ra khỏi khu vực sập đổ; đồng thời phối hợp với các đoàn quốc tế như Singapore, Myanmar, Philippines, Indonesia… phát hiện và đưa ra thêm 7 thi thể khác.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đưa thi thể nạn nhân ra khỏi một ngôi nhà bị sập tại Naypyidaw, Myanmar.
Đến thời điểm này, có thể nói, đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nhận được sự đánh giá rất cao từ nước chủ nhà Myanmar, cũng như các đoàn quốc tế khác, đặc biệt về các kỹ, chiến thuật mà chúng ta đưa ra tại thực tế hiện trường. Ngay cả những hiện trường khó khăn, phức tạp nhất, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam vẫn thực hiện trọn vẹn.
Bên cạnh đó, đoàn cũng thực hiện nhiệm vụ được Bộ Công an giao khi trực tiếp trao gần 3 tấn thiết bị y tế cho các đơn vị tại Myanmar. Đoàn tiến hành thăm hỏi, động viên, phát quà cho người dân, cũng như các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi động đất tại các bệnh viện dã chiến.

Đoàn công tác Bộ Công an thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất tại Myanmar.
Phóng viên: So với lần tham gia cứu nạn, cứu hộ trước đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, thực tế lần này có điểm gì khác, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các tòa nhà gần như bị sập đổ hoàn toàn. Do đó, chúng ta có thể sử dụng các thiết bị khoan, cắt, phá, đục dành cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cũng nhận được sự hỗ trợ của các thiết bị cơ giới nhằm bóc gỡ lớp bê-tông phía trên để tìm kiếm người phía dưới.
Tại Myanmar, các công trình gần như chỉ sập tầng 1, trong khi các tầng khác đè hoàn toàn lên. Nếu sử dụng cơ giới sẽ rất dễ xuất hiện nguy cơ sập đổ cấu kiện xây dựng từ các tầng trên xuống nơi tác nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện phương pháp chèn, chống, cắt bê-tông và moi vật liệu ở lớp sàn bên dưới, vận chuyển ra ngoài rồi mới tìm kiếm người bị nạn bên trong. Điều này đòi hỏi nhiều công sức hơn.

Các chiến sĩ Đoàn Bộ Công an Việt Nam nói riêng, đoàn cứu nạn, cứu hộ Việt Nam nói chung đã phải sử dụng các phương pháp tác nghiệp đặc thù trong điều kiện nguy cơ sập đổ thứ cấp rất cao.
Phóng viên: Tuy nhiên, chắc chắn, các cán bộ, chiến sĩ tham gia trong Đoàn đều rất quyết tâm?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Các cán bộ chiến sĩ đã rất nỗ lực, vượt 100% sức mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, khó khăn. Cá nhân tôi đánh giá rất cao tinh thần và sự quyết tâm của toàn bộ của anh em. Tất cả đều muốn ra hiện trường một cách nhanh nhất có thể. Có những hôm, xe đón chậm 5 phút thôi, anh em đã rất sốt ruột. Điều này thể hiện quyết tâm, sự hăng hái, nhiệt huyết và tinh thần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Phút nghỉ ngơi ngắn ngủi ngay trên đống máy móc tại hiện trường tìm kiếm các nạn nhân mất tích do động đất.
Tôi cũng được biết rằng, bên cạnh 26 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia lần này, còn rất nhiều đồng chí khác cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an luôn sẵn sàng để lên đường, qua đó thể hiện rõ tinh thần, vị thế và vai trò của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Phóng viên: Thực hiện nhiệm vụ quốc tế lần này, Đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã mang tới Myanmar những thiết bị, máy móc hiện đại như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Rút kinh nghiệm từ đợt cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã lựa chọn các thiết bị phù hợp với công trình sập đổ; bên cạnh đó, bổ sung thêm một số thiết bị mới. Điển hình như máy phá bê-tông nhưng không tạo ra rung chấn, giảm thiểu nguy cơ sập đổ thứ cấp. Đây là thiết bị đã hỗ trợ rất đắc lực cho lực lượng công an nhân dân Việt Nam tại các hiện trường tại Myanmar.

Ảnh: Thành Đạt.
Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về công tác phối hợp giữa các đoàn quốc tế cũng như tình cảm người dân Myanmar dành cho đoàn Việt Nam trong thời gian vừa qua?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Có thể nói, sự phối hợp giữa các đoàn cứu nạn, cứu hộ quốc tế tại Myanmar rất chặt chẽ, nhịp nhàng. Đặc biệt, chúng ta đã nhận được sự tôn trọng cao từ các nước bạn như Singapore, Indonesia, Philippines, Myanmar… Thường thường, lực lượng cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an Việt Nam sẽ đưa ra phương án tổng thể để thảo luận với các nước bạn. Sau khi thống nhất, các bên sẽ phân công nhiệm vụ cho từng nhóm. Quá trình phối hợp rất nhịp nhàng, linh hoạt trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Công tác phối hợp giữa các đoàn quốc tế đã phát huy được hiệu quả trong thực tế.
Về phía người dân, họ cũng hỗ trợ hết sức cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam nói riêng, các đoàn quốc tế nói chung. Tôi cảm nhận sâu sắc được tình cảm mà người dân địa phương dành cho chúng tôi. Họ nhận xét rằng: Đội quân cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam thực sự là đội quân nhà Phật.
Chúng tôi cũng mong muốn người dân Myanmar sẽ nỗ lực vươn lên, vượt qua nỗi đau để xây dựng, tái thiết đất nước trong thời gian sớm nhất.

Người dân Myanmar mang nước tới cho các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam.
Phóng viên: Thưa đồng chí, qua đợt thực hiện nhiệm vụ quốc tế lần này, chúng ta sẽ mang được những kinh nghiệm thế nào để áp dụng vào thực tiễn cứu nạn, cứu hộ tại Việt Nam nói riêng; các nhiệm vụ quốc tế nói chung?
Đại tá Nguyễn Minh Khương: Sau khi thực hiện cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023 và tại Myanmar năm 2025, chúng tôi đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trong công tác điều phối các lực lượng quốc tế tham gia; đưa các đoàn với số lượng nhân lực phù hợp đến những địa bàn phù hợp, qua đó phát huy tối đa hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo tôi, thời gian tới đây, Việt Nam cũng cần có chiến lược đào tạo một đội ngũ có đầy đủ năng lực, sẵn sàng ứng phó với sự cố, không chỉ trong nước mà có thể là các thảm họa quốc tế. Đây cũng là cách để chúng ta xây dựng hình ảnh và nâng tầm vai trò, vị thế Việt Nam với quốc tế.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!