Malaysia nhắm tới giới siêu giàu để tăng doanh thu thuế
Malaysia muốn tăng doanh thu thuế vào năm 2025 bằng cách cắt giảm trợ cấp cho nhóm siêu giàu, nhưng xác định ai trong số 15% người kiếm tiền cao nhất đất nước (T15) vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
Thu 48 nghìn tỷ đồng mỗi năm nếu cắt trợ cấp xăng RON95 cho giới siêu giàu
Thủ tướng Anwar Ibrahim, khi trình bày ngân sách vào ngày 18/10, không định nghĩa rõ ràng nhóm T15, mặc dù gọi họ là "mahakaya" - nhóm siêu giàu.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 11/2022, ông Anwar đã định hình việc cắt giảm trợ cấp là loại bỏ một sự xa xỉ đối với giới tinh hoa giàu có trong lúc duy trì nhu cầu thiết yếu cho người nghèo. Ông tiếp tục làm như vậy trong việc triển khai ngân sách mới nhất, với kế hoạch cắt giảm trợ cấp và hỗ trợ xã hội bằng cách loại trừ người có thu nhập cao nhất khỏi những lợi ích này.
"Thực tế là người nước ngoài và 15% người tiêu dùng giàu nhất đang hưởng 40% trợ cấp xăng RON95, trị giá 8 tỷ RM (tương đương gần 48 nghìn tỷ đồng). Số tiền 8 tỷ RM này tốt hơn khi được chuyển hướng để cải thiện các dịch vụ công như giáo dục, y tế và giao thông", ông Anwar nói tại Quốc hội khi công bố ngân sách lớn nhất từ trước đến nay của Malaysia là 421 tỷ RM.
Dựa trên cuộc khảo sát thu nhập chính thức mới nhất của Malaysia vào năm 2022, T15 là những hộ gia đình có tổng thu nhập hàng tháng ít nhất là 13.500 RM - những người thường còn lại rất ít thu nhập khả dụng sau khi trả tiền nhà ở, thực phẩm, phương tiện đi lại và nuôi con.
Các chuyên gia và chính trị gia đối lập cho rằng ngưỡng thu nhập T15 này có nguy cơ gây gánh nặng cho một phần lớn tầng lớp trung lưu và việc phân loại nên tính đến các yếu tố khác như quy mô hộ gia đình và địa phương.
Theo ước tính của giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Malaysia Anthony Dass, khoảng 1,1 triệu hộ gia đình với khoảng 4,3 triệu người ở Malaysia thuộc nhóm T15. Quy mô dân số Malaysia khoảng 34 triệu người.
Kể từ năm 2014, chính phủ đã phân loại thu nhập gia đình thành 3 nhóm để hỗ trợ xây dựng chính sách và giải ngân viện trợ. Có 20% thu nhập cao nhất, hay T20, với thu nhập hộ gia đình hàng tháng từ RM11.820 trở lên; 40% thu nhập trung bình, hay M40 (RM5.250 đến RM11.819); và 40% thu nhập thấp nhất, hay B40 (dưới RM5.250).
Các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận mới của Anwar có thể gây ra sự chia rẽ trong xã hội, đặc biệt là ở trường học, vì nó cắt giảm trợ cấp cho những người được gọi là giàu có. Họ lưu ý rằng chính sách này được coi là có khả năng gây tổn hại đến sự thống nhất quốc gia vì có thể tạo ra sự phân biệt giai cấp trong cộng đồng.
"Điều này không tốt cho sự gắn kết và thống nhất xã hội. Và việc sử dụng từ trợ cấp cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục là sai, vì đây là quyền hiến định của công dân để được hưởng các dịch vụ này", Tiến sĩ Muhammed Abdul Khalid, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Malaysia và Quốc tế thuộc Đại học Kebangsaan Malaysia cho biết.
Theo các chuyên gia, những hộ gia đình thành thị lớn hơn của đất nước có thu nhập cao hơn sẽ là những người bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này để trừng phạt mahakaya.
Trong số đó có Hafidz Rahmat, một giám đốc kinh doanh 45 tuổi, người nuôi một hộ gia đình gồm 6 người.
"Với việc cắt giảm trợ cấp xăng dầu và giáo dục, chi phí nhiên liệu hàng tháng sẽ tăng ước tính từ RM1.000 đến RM2.000 mỗi tháng, điều này có thể làm tăng chi tiêu của tôi hơn RM20.000 mỗi năm. Cảm giác như đây là một hình phạt đối với nhóm nhân khẩu học đóng góp 80% thuế thu nhập", ông Hafidz nói với The Straits Times.
Nâng hạn mức để tính giới siêu giàu
Nhóm thu nhập T15 đóng góp nhiều nhất vào ngân khố của chính phủ, chiếm 80% doanh thu thuế thu nhập vào năm 2022 của Malaysia.
Tiến sĩ Muhammed, một nhà kinh tế học cho biết, ở cấp độ quốc gia, T15 được coi là tầng lớp trung lưu ở thủ đô Kuala Lumpur, nơi có chi phí sinh hoạt cao.
"Thu nhập hộ gia đình tối thiểu hàng tháng là RM13.500, hoặc khoảng RM6.750 mỗi người nếu cả chồng và vợ đều đi làm – liệu có phải là siêu giàu không? Rõ ràng là không," ông nói với ST.
Giữ lời hứa đánh thuế những người có thu nhập cao, Anwar cho biết vào ngày 18/10 chính phủ sẽ cắt giảm trợ cấp nhiên liệu cho RON 95, một loại xăng được trợ cấp mạnh, vào giữa năm 2025. Ông cũng sẽ dần dần cắt giảm trợ cấp giáo dục cho những người giàu có, bao gồm cả trợ cấp cho các trường nội trú danh tiếng do chính phủ hậu thuẫn.
Trong khi thừa nhận rằng Malaysia có doanh thu thuế thấp nhất so với các nước trong khu vực, Anwar lưu ý rằng chính phủ đang xem xét tăng doanh thu thuế bằng cách mở rộng phạm vi thuế bán hàng và dịch vụ của quốc gia này, bắt đầu từ tháng 5 năm sau.
Ngân sách mới cũng bao gồm các kế hoạch áp dụng thuế lũy tiến 2% đối với các khoản chi trả cổ tức vượt quá 100.000 RM, bắt đầu từ năm 2025.
Chính phủ cũng đang tìm cách xóa bỏ trợ cấp chăm sóc sức khỏe cho những người Malaysia có thu nhập cao nhất, nhưng chưa xác định được mức thu nhập của những người sẽ bị ảnh hưởng.
Các nhà kinh tế cho biết việc tăng doanh thu thuế là tốt nhưng các chi tiết có thể được tinh chỉnh và giải thích rõ hơn.
Syed Sabri cho rằng việc rút lại trợ cấp chỉ dựa trên mức thu nhập là không công bằng, vì những người kiếm được nhiều tiền hơn cũng phải đóng thuế cao hơn.
"Nếu chính phủ sẵn sàng cắt giảm thuế (thu nhập) của chúng tôi, tôi không ngại trả tiền cho xăng dầu không trợ cấp và giáo dục cho các con gái của mình," người quản lý tài chính 48 tuổi có hai con nhỏ nói.
Cuộc tranh luận nóng bỏng về vấn đề T15 đã khiến Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli nói rằng ngưỡng thu nhập đang được chính phủ xem xét kỹ lưỡng và sẽ tính đến các yếu tố như địa phương vì chi phí sinh hoạt ở thành thị cao hơn ở nông thôn.
"Sau khi hoàn tất, chúng tôi có thể thiết lập các ranh giới thống kê (cho các nhóm dân số) như B40 và T15", ông nói với các phóng viên vào ngày 20/10.
Nếu chính phủ tiếp tục cắt giảm trợ cấp cho người có thu nhập cao, Dass khuyến nghị rằng ngưỡng thu nhập cho hộ gia đình T15 nên được sửa đổi để gần hơn với mức 20.000 RM mỗi tháng, điều này sẽ giúp các gia đình quản lý tốt hơn gánh nặng tài chính bổ sung từ chi phí tăng thêm.
(Nguồn The Straits Times)