Bài 3: Cơ hội cho Hà Giang chuyển mình

Những năm qua, nhờ làm tốt chính sách dân tộc, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã phát huy bản sắc dân tộc, bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Hiệu quả từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia

Trong giai đoạn 2021 - 2025, với sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thông qua các hội nghị, tập huấn; họp thôn; họp chi bộ, các cuộc thi, các phong trào thi với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người dân.

Đồng bào các dân tộc Hà Giang đã phát huy bản sắc dân tộc, bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Lan Phương

Đồng bào các dân tộc Hà Giang đã phát huy bản sắc dân tộc, bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ảnh: Lan Phương

Giai đoạn 2021 – 205, với tổng số vốn được giao 6.282.721 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương là 6.017.505 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương đối ứng là 265.216 triệu đồng. Đến ngày 30/9/2024, tỉnh đã giải ngân được 87,3% kế hoạch vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; 76% kế hoạch vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; 60,2% kế hoạch vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh đã tập trung thực hiện tốt 10 dự án và các tiểu dự án thuộc chương trình như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các dân tộc thiểu số gắn với phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao dân trí, chăm lo xây dựng nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh, chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự.

Người dân hưởng lợi từ chương trình

Kết quả, đầu tư xây dựng 1.083 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 127 xã đặc biệt khó khăn, 119 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã, thị trấn khu vực I, II như đầu tư xây dựng, cải tạo 380 công trình giao thông nông thôn; 195 công trình cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 143 nhà sinh hoạt cộng đồng; 176 công trình trường, lớp học đạt chuẩn; 114 công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ đất ở và nhà ở cho 2.046 hộ; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 962 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt 23.382 hộ; hỗ trợ 995 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ đào tạo nghề cho 11.160 lao động vùng dân tộc thiểu số; thực hiện các chính sách cho 2.063 người có uy tín trên địa bàn tỉnh…

Hội Nông dân tỉnh Hà Giang hỗ trợ nông dân xã Lùng Tám nuôi dê Bách Thảo. Ảnh: HND Hà Giang

Hội Nông dân tỉnh Hà Giang hỗ trợ nông dân xã Lùng Tám nuôi dê Bách Thảo. Ảnh: HND Hà Giang

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã vận động Nhân dân hiến được 990.996 m2 đất; 800.000 ngày công lao động. Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được duy trì như: Phong trào "Nhà sạch – Vườn đẹp và làm đường giao thông nông thôn”, “mỗi đoàn thể, mỗi tuần chọn một thôn, làm một việc”, các thôn, xóm thường xuyên tổ chức tu sửa, mở mới đường giao thông, vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm các công trình vệ sinh, đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi… Đến nay, có TP. Hà Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh đã có 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tổng số tiêu chí đã hoàn thành là 2.234 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 12,8 tiêu chí/xã. Có 126 thôn được công nhận nông thôn mới.

Cũng nhờ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đầu tư 77 công trình liên xã thiết yếu của 7 huyện nghèo; cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị 02 trường đào tạo nghề; duy tu bảo dưỡng 62 công trình. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho 578 dự án mô hình do cộng đồng đề xuất, tập trung triển khai các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, chăn nuôi lợn, dê…; hỗ trợ đào tạo nghề cho 14.374 người lao động địa phương. Tổ chức 17 hội chợ việc làm tại 10 huyện với 20.477 người tham gia, có 5.143 người đăng ký đi làm việc. Tổ chức được 197 hội nghị tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm - xuất khẩu lao động, giới thiệu thành công cho 2.233 lao động. Hỗ trợ 32 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Quyền Bí thư Nguyễn Mạnh Dũng kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng đối với Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Lan Anh

Quyền Bí thư Nguyễn Mạnh Dũng kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng đối với Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Lan Anh

Từ nguồn vốn chương trình, cấp ủy chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ, giúp đỡ hơn 9.623 hộ nghèo, cận nghèo làm nhà ở. Theo chị Giàng Thị Và, dân tộc Mông xã Sủng Là (Đồng Văn) cho biết: "Gia đình tôi rất vui vì được hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà ở và được cấp ủy chính quyền, nhân dân giúp đỡ ngày công, vật liệu để làm nhà, không biết nói gì hơn cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều. Gia đình tôi sẽ cố gắng trồng cỏ, phát triển chăn nuôi, thoát nghèo".

Giống như gia đình chị Và, gia đình ông Xin Seo Giàng, thôn Nà Hu, xã Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì cũng được hỗ trợ 60 triệu đồng để làm nhà ở. Gia đình ông đã vay mượn thêm anh em bạn bè và được cấp ủy, chính quyền địa phương đóng góp ngày công, vật liệu để ông sớm hoàn thành ngôi nhà mới với diện tích trên 60 m2 trước Tết Nguyên đán 2025.

Các huyện tích cực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Mạnh Dũng

Các huyện tích cực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Mạnh Dũng

Để đạt được kết quả trên cũng là nhờ một phần công sức, đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng tham gia tích cực các chương trình. Đặc biệt là phát huy vai trò của người uy tín trong việc vận động nhân dân thiểu số hiến đất làm đường, các công trình phúc lợi, trồng cây, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ hủ tục.

Bà Phù Thị Thiên, người có uy tín xã Tân Bắc, huyện Quang Bình phấn khởi cho biết: Trong những năm qua, nhờ những chính sách dân tộc của Đảng, nhà nước, của tỉnh đã giúp đồng bào người Pà Thẻn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi, hỗ trợ mở các lớp truyền dậy nghề cho phụ nữ như nấu ăn, thêu, may… Qua đó vừa góp phần bảo tồn nghề truyền thống, vừa phục vụ đời sống. Qua tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân đã hiến đất làm đường bê tông đến các thôn, xóm thuận tiện cho mọi người đi lại, giờ còn thu hút được đông đảo khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng của thôn My Bắc.

Ông Nguyễn Văn Hiện, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy huyện Vị Xuyên đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn luôn gương mẫu đi đầu, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ bà con trong thôn phát triển chăn nuôi, trồng cây. Ông Sơn cho biết: "Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, giờ đây những thôn xa đã có điện, có sóng điện thoại, có đường bê tông đến trụ sở thôn, nguồn vốn vay hỗ trợ giúp các hộ nghèo, cận nghèo dễ dàng tiếp cận. Chỉ cần tuyên truyền tốt, vận động tốt, hướng dẫn tốt người dân sẽ biết cách làm để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế".

Có thể thấy, 03 chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã mang đến cho đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang một diện mạo, cuộc sống mới no ấm, hạnh phúc, tươi đẹp hơn.

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Lan Phương - Hoàng Huyền

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-3-co-hoi-cho-ha-giang-chuyen-minh-360180.html
Zalo