Mai rừng ngày tết

Cứ trung tuần tháng chạp (tháng 12 âm lịch), nhiều hộ gia đình ở huyện Tánh Linh lại tranh thủ lặt lá mai để hoa kịp khoe sắc vàng dưới cái nắng xuân của những ngày tết.

Như những hộ gia đình có mai trong xóm, tôi và đứa con trai cũng tranh thủ thời gian để vặt lá cây mai trước hiên nhà mình. Hai cha con vừa vặt lá mai vừa trò chuyện. Từng lá mai già vặt ra buông rơi uốn lượn theo làn gió đã gợi nhớ trong tôi về những câu chuyện đi “săn” mai rừng về đón tết cách đây hàng chục năm về trước.

Người con trai của tôi tên Tiến cũng khá tò mò đòi ba kể cho nghe về câu chuyện ngày xưa đi “Săn mai rừng” về đón tết. Được trò chuyện với con trong không khí những ngày giáp tết thật là thú vị. Và ký ức ngày xưa đã ùa về. Con biết không, nếu như trước đây khi rừng Tánh Linh còn nhiều thì đi đến đâu cũng có mai vàng. Chỉ cần chạy xe đạp xuống xã Gia Huynh vào khu vực Bà Tá thì tha hồ mà lựa chọn những cành mai ưng ý nhất rồi chặt đem về chơi tết. Qua thời gian, do nhu cầu người chơi mai vàng càng nhiều nên nó cũng hiếm dần và ngay cả gốc mai rừng cũng được người ta đào mang về chơi hoặc bán kiếm tiền. Một kỷ niệm mà ba nhớ mãi thời còn học sinh cấp ba vào rừng tìm mai về chơi tết.

Ngày ấy, nhóm ba có 4 người do bác Quý người thuần đường nhất dẫn đi. Từ tờ mờ sáng, cơm, nước uống, dụng cụ như búa, rựa… đã chuẩn bị xong. 4 người đi trên 2 chiếc xe máy bắt đầu xuất phát. Đường vào rừng phải qua nhiều triền dốc, nhiều con suối nhỏ, có đoạn phải dắt xe mới vượt qua được… Chạy tầm 20 cây số thì dừng lại dưới chân núi Chì thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Bác Quý nói: Đường đi như vậy là khá dễ chứ không như trước đây không thể đi xe đạp, xe máy tới chân núi như vậy được đâu mà phải đi bộ vất vả lắm. Cất giấu xe, nói như vậy chứ để đại dưới tán cây chứ không xích khóa gì cả. Vì ở trong rừng sâu này có ai vào tận đây đâu mà lo bị mất trộm.

Nghỉ ngơi một tí, uống nước lấy sức nhóm của ba nhắm hướng núi cao mà leo dốc. Đi lên núi thật vất vả vì không có đường, cây lớn, cây nhỏ rồi dây leo… chằng chịt, phải luồn lách người hoặc dùng rựa phát quang mới đi qua được. Trên núi cao bốn bề đều là cây rừng um tùm, phải là dân thạo địa bàn, địa hình mới dám đi. Vượt qua nhiều triền núi lớn, nhỏ rong ruổi đến trưa mà vẫn chưa tìm được cây mai nào ưng ý cả. Tất cả cũng đã thấm mệt, đói bụng nên ngồi lại dưới một gốc cây to cả hai người ôm để ăn cơm trưa. Trời nắng nhưng bóng cây to mát rượi, rồi tiếng chim hót, gà rừng gáy, sóc rừng nhảy nhót… cảnh vật thanh bình.

Không dễ đâu con. Rồi tôi kể tiếp. Vừa ăn cơm, anh Thông, người từng nhiều năm đi lấy mai rừng nói: Những năm trước đây đi chặt mai vàng về chơi tết rất dễ dàng vì mai rất nhiều, vào rừng, vào núi là có mai, chỉ cần đi xe đạp hay đi bộ chừng vài cây số là tha hồ mà lựa chọn những cành mai, gốc mai đẹp như vùng đất Bà Tá – xã Gia Huynh, Núi Ông… Vài năm trở lại đây khi những diện tích rừng bị thu hẹp do người dân lấn chiếm làm nương rẫy trồng điều, cao su… thì những cánh rừng trong đó có cả cây mai vàng cũng theo đó mà mất dần. Bây giờ vào những nơi này thì một màu xanh bạt ngàn của cây cao su, cây ăn trái, cây điều… Mặt khác, những người chơi cây kiểng ở địa phương, trong tỉnh, ngoài tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… rất ưa chuộng mai vàng. Họ đổ xô về đây tìm mua với giá khá cao. Gốc càng to, hình dáng càng đẹp thì càng có giá trị. Có gốc lên đến vài triệu đồng khi mới đào từ rừng về. Thế là người dân bản địa và có cả người dân nơi khác đổ về đây vào rừng, lên núi lùng sục đào mai về bán và mai vàng cũng đã cạn kiệt.

Khi mặt trời đã xế chiều, nhóm của ba đã may mắn tìm được một cây mai vàng còn sót lại giữa những tảng đá to. Bao mệt nhọc cũng đã biến mất, thay vào đó là sự vui mừng hớn hở. Do nằm ở địa thế khó, xung quanh toàn là đá nên mỗi người chỉ chặt được dăm ba cành mai mang về chơi tết.

Mai chặt về, việc đầu tiên là vặt hết lá, sau đó dùng lửa đốt sơ qua ở mặt chặt của cành rồi mới cho mai vào bình có nước để tạo cảnh, tạo dáng... Phải chăm sóc thật chu đáo mới hy vọng mai nở đúng vào đêm 30 hoặc mùng 1 tết. Còn nếu nhắm thấy mai không nở kịp thì phải bỏ đi, vì mai không nở đúng ngày tết là người ta rất kiêng kỵ.

Mai rừng chặt về nó khác với mai trồng ở nhà. Mai mình trồng thì mình phải canh để cho nó nở đúng tết. Ví như, nếu búp mai nhỏ thì mình vặt lá sớm hơn, còn búp mai lớn thì mình từ từ vặt lá. Rồi thêm tưới nước, có khi sử dụng thuốc để kích thích cho mai nở sớm hay nở muộn.

Để có được một chậu mai vàng như kiểu những người lên núi tìm mai năm xưa quả là gian khổ chứ không phải như bây giờ hầu như nhà nào cũng có một hay vài gốc mai hoặc chậu mai to, đẹp. Nếu mai nở đúng tết thì thật mỹ mãn. Bởi vì mai không chỉ đơn thuần là hoa đẹp, hương hoa thơm mà mai còn tượng trưng cho một năm mới đầy may mắn, an lành và hạnh phúc.

NGỌC KHÁNH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mai-rung-ngay-tet-127682.html
Zalo