'Mái nhà chung' cho thanh niên khuyết tật

Sau hơn 1,5 năm đi vào hoạt động, đến nay 2 câu lạc bộ (CLB) thanh niên khuyết tật ở thị trấn Hồ Xá và xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh đã đồng hành, hỗ trợ nhiều thanh niên khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Bước đầu các CLB đã xây dựng được mối liên kết giữa đoàn viên, thanh niên, tạo điều kiện để thành viên tương trợ, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Đại diện Huyện đoàn Vĩnh Linh trao mô hình sinh kế cho thanh niên khuyết tật xã Trung Nam - Ảnh: T.N

Đại diện Huyện đoàn Vĩnh Linh trao mô hình sinh kế cho thanh niên khuyết tật xã Trung Nam - Ảnh: T.N

Giữa tháng 3/2023, Chi đoàn xã Trung Nam phối hợp với Huyện đoàn Vĩnh Linh, Dự án CRS Việt Nam tại Quảng Trị tổ chức lễ ra mắt CLB Thanh niên khuyết tật xã với mong muốn xóa bỏ mọi rào cản, giúp thanh niên khuyết tật trên địa bàn vươn hòa nhập với cộng đồng. Đến nay, CLB có 20 thành viên, trong đó có 10 thanh niên khuyết tật; 10 thành viên còn lại là cán bộ đoàn và đoàn viên tham gia sinh hoạt để hỗ trợ các thành viên khuyết tật.

Với sự hỗ trợ của nhóm đoàn viên nòng cốt và sự dẫn dắt của ban chủ nhiệm, CLB Thanh niên khuyết tật xã Trung Nam đã tạo môi trường bổ ích để thanh niên khuyết tật trong xã giao lưu, học hỏi nâng cao năng lực, nhận thức. Để hoạt động của CLB được liên tục, ban chủ nhiệm đã xây dựng kế hoạch hằng năm với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, CLB đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao năng lực, nhận thức cho người khuyết tật; tích cực huy động các nguồn đóng góp nhằm chăm lo đời sống cho thành viên. Đặc biệt, tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án CRS tại Quảng Trị, CLB đã tạo được 3 mô hình sinh kế cho 3 thanh niên khuyết tật.

Đó là mô hình hỗ trợ máy xay nước mía cho chị Trần Thị Hằng (sinh năm 1987) ở thôn Nam Hùng, bị khuyết tật vận động do tai nạn; mô hình chăn nuôi bò thịt của anh Trần Đình Mạnh (sinh năm 1987) ở thôn Huỳnh Công Đông và mô hình chăn nuôi lợn của anh Lê Anh Dũng (sinh năm 1995) thôn Nam Phú.

Theo chị Hoàng Thị Phương Liên, Phó Bí thư Chi đoàn xã, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật xã Trung Nam, trong 3 mô hình này thì mô hình chăn nuôi bò của anh Mạnh bước đầu mang lại hiệu quả. CLB đã thu hồi một phần vốn theo cam kết để tiếp tục xoay vòng tạo sinh kế cho thành viên khác. Hai mô hình còn lại đang tiếp tục cho duy trì vì còn gặp một số khó khăn như: mô hình nước mía của chị Hằng thì phụ thuộc thời vụ, chỉ làm được mùa nắng, còn mô hình chăn nuôi lợn của anh Dũng gặp khó khăn do lợn bị bệnh.

“Thành viên sau khi nhận được mô hình sinh kế 1 năm thì hoàn 20% vốn được hỗ trợ để tạo nguồn cho CLB xoay vòng hỗ trợ sinh kế cho thành viên khác. Tuy nhiên, do năng lực, sức lao động của người khuyết tật có hạn, nguồn vốn hỗ trợ chưa nhiều (8 triệu đồng/mô hình) nên khó để tìm được mô hình sinh kế phù hợp”, chị Liên cho biết.

Bí thư Chi đoàn thị trấn Hồ Xá Biện Văn Hòa cho hay, từ khi mô hình CLB Thanh niên khuyết tật của thị trấn đi vào hoạt động đã thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên yếu thế tham gia. Trước đây, vì lý do sức khỏe và một phần mặc cảm, tự ti nên hầu hết đoàn viên, thanh niên khuyết tật trên địa bàn sống thu mình, rất ít khi tham gia phong trào ở địa phương.

Nay có điểm kết nối để những người cùng hoàn cảnh chia sẻ, thấu hiểu nhau nên họ dần trở nên tự tin và tham gia sôi nổi hơn. Chị Hồ Mai Trang, thành viên CLB Thanh niên khuyết tật thị trấn Hồ Xá chia sẻ: “Mỗi lần tham gia sinh hoạt tôi cảm thấy rất hào hứng. Những kiến thức, kỹ năng được học tôi áp dụng vào cuộc sống và chia sẻ với những thanh niên khuyết tật khác để mọi người được nâng cao nhận thức, mạnh dạn hòa nhập với cộng đồng”.

Tại CLB Thanh niên khuyết tật thị trấn Hồ Xá, hằng quý, đoàn viên, thanh niên khuyết tật được thảo luận, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, tham gia giao lưu văn nghệ, chơi các trò chơi... nên ai cũng cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, các thành viên trong CLB còn chia sẻ với nhau về những tấm gương thanh niên khuyết tật làm kinh tế giỏi, có ý tưởng sáng tạo, mô hình hay cần phát huy và nhân rộng để thành viên khác học tập, tiếp thêm nghị lực, niềm tin vào tương lai trong mỗi người.

Bên cạnh việc kết nối, giao lưu nâng cao nhận thức cho thanh niên khuyết tật, CLB Thanh niên khuyết tật thị trấn Hồ Xá đã trao 2 mô hình sinh kế cho 2 thanh niên khuyết tật ở Khu phố 7 là mô hình máy nước mía cho chị Hồ Mai Trang (sinh năm 2001) và mô hình chăn nuôi gà thả vườn cho anh Lưu Quang Tuấn (sinh năm 1997).

Theo chị Võ Thị Nhàn, Phó Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh, 2 CLB thanh niên khuyết tật của huyện là mô hình tập hợp đoàn viên, thanh niên khuyết tật đầu tiên của tỉnh nên buổi đầu hoạt động có những bỡ ngỡ, khó khăn nhất định. Huyện đoàn đang tích cực phối hợp với Tổ chức CRS tại Quảng Trị đồng hành hoạt động với các CLB.

Chính vì thế, hiện nay, thành viên của 2 CLB này không phải 100% là thanh niên khuyết tật là còn có cả cán bộ đoàn cơ sở, một số đoàn viên thanh niên tích cực của địa phương cùng tham gia để kết nối, hỗ trợ các thành viên khuyết tật.

Qua đó, bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên thông qua các câu chuyện về những tấm gương khuyết tật điển hình trong xã hội, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên địa phương và mong muốn cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với người khuyết tật.

Thủy Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/mai-nha-chung-cho-thanh-nien-khuyet-tat-190694.htm
Zalo