Mắc lao vú cần lưu ý gì trong tập luyện?
Người bệnh lao vú cần được chăm sóc và nghỉ ngơi tốt. Việc thực hiện tập luyện đúng cách, phù hợp sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, thúc đẩy quá trình phục hồi...
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh lao vú
Nội dung
1. Vai trò của tập luyện với người bệnh lao vú
2. Người bệnh lao vú nên tập luyện thế nào?
3. Lưu ý khi tập luyện
Lao vú là một thể lao ngoài phổi hiếm gặp, có thể mắc đồng thời cùng lao phổi hoặc các thể lao khác, cũng có thể mắc độc lập. Để điều trị triệt để lao vú, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với người mắc bệnh lao vú, việc tập thể dục sẽ giúp tăng mức năng lượng, giảm căng thẳng và stress hiệu quả. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại vi khuẩn gây bệnh.
Tuy nhiên, cần tập luyện đúng cách để không gây hại sức khỏe. Những bệnh nhân lao vú đang trong giai đoạn điều trị tấn công (khoảng 2 tháng đầu) và không có biểu hiện cấp tính cũng chỉ nên tập thở nhẹ nhàng, các bài tập thể dục toàn thân, đi bộ chậm, tránh tập nặng, tập các môn cường độ cao, đòi hỏi nhiều thể lực.
Khi kết thúc điều trị tấn công chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì, bệnh nhân không sốt, hết ho, hết khạc đờm, không thấy mệt mỏi nhiều, có thể bắt đầu tập luyện thể lực, vật lý trị liệu, vận động trị liệu và hồi phục chức năng. Tình trạng sức khỏe của mỗi người có thể không giống nhau, do đó tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về bài tập cũng như cường độ tập phù hợp giúp cơ thể dần phục hồi.
2. Người bệnh lao vú nên tập luyện thế nào?
Trong 2 tháng điều trị tấn công, người bệnh lao tuyến vú nên chọn địa điểm tập luyện đảm bảo an toàn, có thể tập luyện tại nhà hay những nơi có không gian thoáng đãng, tránh những nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Những hoạt động thể chất đơn giản tại nhà bao gồm các bài tập thở, tập yoga, tập đi bộ trong nhà, lên xuống cầu thang, đạp xe tại chỗ...
Trong giai đoạn điều trị duy trì, bệnh ổn định, thể trạng hồi phục, người bệnh có thể tăng cường khối lượng và cường độ tập luyện theo khả năng của cơ thể.
- Tập luyện sức mạnh và sức bền:Đạp xe cố định, chạy bộ nhẹ, kéo giãn, bài tập sức mạnh cho các cơ ở chi trên và chi dưới...
- Bài tập yoga:Người bệnh có thể thực hiện các tư thế yoga cơ bản như tư thế con thuyền, tư thế tam giác, tư thế trái núi, tư thế rắn hổ mang, tư thế nâng chân...
- Thiền: Thiền là một phương pháp sử dụng kỹ thuật như chánh niệm hoặc tập trung tâm trí vào một đối tượng, suy nghĩ hoặc hoạt động cụ thể để rèn luyện sự chú ý và nhận thức, đạt được trạng thái tinh thần minh mẫn, bình tĩnh, ổn định về mặt cảm xúc.
Cùng với đó, người bệnh lao vú nên tránh các bài tập tác động đến vùng ngực như chống đẩy, nâng tạ hoặc các bài tập kéo căng cơ ngực mạnh...
3. Lưu ý khi tập luyện
Đảm bảo tuân thủ đúng các nguyên tắc vệ sinh an toàn tập luyện.
- Tuần tự tăng dần: Tập từ dễ, đơn giản đến khó, phức tạp; tăng dần khối lượng, cường độ tập luyện một cách thích hợp. Đối với những người mới tập nên bắt đầu với cường độ thấp, có thể tập ngắt quãng 2 - 3 phút tập cường độ cao xen kẽ 1 - 2 phút cường độ thấp hoặc nghỉ ngơi mà vẫn có tác dụng tương đương.
- Tập luyện một cách hệ thống: Xây dựng thói quen vận động tập luyện như một nhu cầu thiết yếu. Việc tập luyện cần kiên trì, đều đặn.
- Phương pháp tập luyện phải phù hợp với đặc điểm hình thể, sức khỏe của người tập, mỗi giai đoạn của bệnh. Không tập luyện trong đợt cấp tính hoặc phải có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt trong việc phối hợp thuốc điều trị.
- Trang phục: Lưu ý rằng, người bệnh không nên mặc áo ngực trong khi còn tổn thương ở vú, hoặc nếu dùng nên mặc áo ngực thoáng, mát, kích cỡ vừa phải, không gây gò bó cho vòng 1.
- Kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý: Thời gian tập luyện phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể. Không nên tập quá sớm hoặc quá muộn trong ngày, quá xa hoặc quá gần bữa ăn chính (2 giờ sau bữa ăn chính là thích hợp nhất). Trang phục cá nhân phải tiện lợi, đảm bảo phù hợp với thời tiết khí hậu.