Mắc cúm mùa có thể dẫn đến tử vong, nắm ngay lý do để không chủ quan về căn bệnh này

Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bị biến chứng do mắc cúm, dẫn đến tử vong.

Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm phổ biến và có lịch sử lâu đời, luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Virus cúm có đặc tính biến đổi liên tục, khiến cơ thể khó tạo được miễn dịch bền vững. Chính vì vậy, bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng, thậm chí dẫn đến tử vong, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền.

Mới đây, vào sáng ngày 3/2, nữ diễn viên Từ Hy Viên (Đài Loan) đã qua đời sau 5 ngày chống chọi với cúm mùa và viêm phổi. Trường hợp của cô một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của căn bệnh tưởng chừng như thông thường nhưng có thể gây hậu quả khôn lường nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, cúm mùa ảnh hưởng đến một bộ phận lớn dân số toàn cầu, với khoảng 5-10% người trưởng thành và 20-30% trẻ em mắc bệnh. Trong số đó, hàng trăm nghìn trường hợp diễn tiến nghiêm trọng, dẫn đến khoảng 500.000 ca tử vong do các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp và các bệnh lý tim mạch. Điều này cho thấy cúm mùa không đơn thuần chỉ là một căn bệnh nhẹ, mà có thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng nếu không có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả.

Không nên chủ quan khi mắc cúm mùa vì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Không nên chủ quan khi mắc cúm mùa vì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Vì sao mắc cúm mùa có thể dẫn đến tử vong?

Chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết bệnh nhân không tử vong chỉ vì nhiễm virus cúm mà do những biến chứng của bệnh cúm mùa như viêm phổi bội nhiễm, viêm cơ tim, viêm não, suy đa tạng và nhiễm trùng huyết.

Bệnh cúm mùa làm nặng thêm bệnh nền sẵn có của người bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, suy thận, suy gan... Từ đó dẫn đến mất khả năng kiểm soát bệnh và xuất hiện đợt cấp của bệnh.

Ngoài ra, bệnh cúm mùa dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn tuổi, bệnh nhân có bệnh tự miễn, bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân ung thư, ghép tạng, phụ nữ mang thai. Khi mắc bệnh cúm mùa nhưng không được phát hiện, xử trí kịp thời cũng sẽ dẫn đến nguy hiểm.

Các đối tượng dễ mắc cúm mùa

Cúm mùa có xu hướng xảy ra nhiều ở trẻ dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 65. Ước tính tỷ lệ tấn công của bệnh cúm là 5 – 10% ở người lớn.

Theo báo Tiền Phong, Bác sĩ Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Cúm có khả năng tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 14 tuổi, dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng trẻ như viêm cơ tim, viêm não cấp,… Cúm ở người cao tuổi có thể gây suy giảm chức năng, ảnh hưởng gián tiếp đến hệ thống đa cơ quan làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 8 lần, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 10 lần sau nhiễm cúm. Các đối tượng nguy cơ cao cần đặc biệt cẩn thận với bệnh cúm mùa”.

TS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thời điểm mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.

Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản.

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh rằng người cao tuổi, người có bệnh nền và những đối tượng suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng khi mắc cúm. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương phổi lan rộng, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí dẫn đến tử vong.

Cũng theo BS Phúc, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng việc cấp cứu tiên lượng rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng.

Biểu hiện của cúm mùa

Theo cảnh báo từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày.

Phòng ngừa cúm mùa bằng cách nào?

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Tổng hợp

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/song-khoe/vi-sao-mac-cum-mua-co-the-dan-den-tu-vong-202502061505258279.html
Zalo