Bấm huyệt nào giúp giảm đau nửa đầu?

Thời tiết lạnh do phong khí thịnh vượng dễ làm khởi phát cơn đau nửa đầu. Trong đa phần các trường hợp bệnh, bấm huyệt vừa an toàn vừa hiệu quả giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu này.

Đau nửa đầu là tình trạng một bên đầu xuất hiện cảm giác đau. Cơn đau có thể kèm theo các triệu chứng buồn nôn, nôn, cảm thấy khó chịu với ánh sáng, âm thanh… Đây là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đau nửa đầu thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa thu đông, khi thời tiết có nhiều thay đổi, phong khí thịnh vượng. Để điều trị đau nửa đầu cần xác định đúng nguyên nhân để có biện pháp điều trị phù hợp. Trong đa phần các trường hợp người bệnh hoàn toàn có thể sử dụng bấm huyệt làm phương pháp hỗ trợ điều trị, vừa an toàn lại hiệu quả trong việc làm dịu cơn đau.

Dưới đây là một số vị trí huyệt có thể sử dụng nhằm hỗ trợ giảm đau nửa đầu nhanh chóng:

1. Bấm huyệt thái dương giảm cơn đau nửa đầu

Vị trí: Chỗ hõm phía cuối lông mày, cách đuôi mắt khoảng 2-3 cm.

Tác dụng: Huyệt thái dương có tác dụng sơ giải đầu phong, thanh nhiệt, làm sáng mắt, có tác dụng điều trị cảm mạo, liệt mặt, các bệnh về mắt và đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị các cơn đau nửa đầu.

Bấm huyệt thái dương hỗ trợ trị đau nửa đầu.

Bấm huyệt thái dương hỗ trợ trị đau nửa đầu.

2. Huyệt ấn đường

Vị trí: Ở giữa hai đầu lông mày, nằm trên sống mũi.

Tác dụng: Ấn đường là huyệt có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, định tâm an thần, làm sáng mắt, thông mũi, thường được Đông y sử dụng trong điều trị các chứng đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, viêm kết mạc, viêm mũi, viêm xoang trán, chảy máu mũi, đau thần kinh sinh ba…

Đối với những người bệnh đau nửa đầu, day bấm huyệt ấn đường giúp giảm căng thẳng, giảm đau đầu và thư giãn thần kinh rất hiệu quả.

Vị trí huyệt ấn đường trên khuôn mặt.

Vị trí huyệt ấn đường trên khuôn mặt.

3. Huyệt phong trì

Vị trí: Ở sau gáy, trong chỗ lõm giữa bờ trong cơ ức đòn chũm, bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ. "Phong" có nghĩa là gió, "trì" có nghĩa là cái ao, huyệt phong trì được ví như cái ao chứa gió từ ngoài xâm nhập vào cơ thể.

Tác dụng: Huyệt này có tác dụng bình can tức phong, khu phong giải độc, thường được sử dụng trong điều trị các chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, trúng phong, điên giản và đau cứng cổ gáy. Huyệt này vừa là huyệt tại chỗ giúp giảm triệu chứng trong các trường hợp đau nửa đầu, vừa giúp lưu thông khí huyết lên não và điều trị những nguyên nhân thường gặp của đau nửa đầu.

4. Huyệt bách hội

Vị trí: Ở đỉnh đầu, giao điểm của đường nối hai đỉnh tai và đường giữa đầu.

Tác dụng: Theo Đông y, huyệt bách hội có tác dụng khai khiếu, tỉnh não, hồi dương cố thoát, chủ trị các chứng đau đầu, chóng mặt, trúng phong, ù tai… Đây là huyệt vị quan trọng, thường xuyên được sử dụng trong điều trị các chứng đau đầu nói chung và đau nửa đầu nói riêng.

5. Huyệt suất cốc

Vị trí: Thẳng đỉnh tai lên 1,5 thốn trên đường nối giữa tai và đỉnh đầu.

Tác dụng: Đây là huyệt vị quan trọng trên kinh đởm. Theo Đông y, các chứng đau nửa đầu có quan hệ mật thiết với kinh đởm. Từ xa xưa, huyệt suất cốc đã là huyệt thường xuyên được sử dụng trong các trường hợp ù tai, điếc tai, chóng mặt, và là huyệt không thể thiếu trong điều trị chứng đau nửa đầu.

6. Huyệt thần đình

Vị trí: Nằm trên đường giữa đầu, trên chân tóc trước trán khoảng 0,5 thốn.

Tác dụng: Theo Đông y, huyệt thần đình có vai trò rất quan trọng với các hoạt động của hệ thần kinh. Huyệt có tác dụng thanh đầu tán phong, trấn tĩnh an thần, thường được sử dụng trong điều trị đau đầu, chóng mặt, tắc mũi, chảy nước mũi, mắt đỏ sưng đau, mờ mắt… Day bấm huyệt thần đình giúp người bệnh đau nửa đầu giảm đau đầu vùng trán, an thần, giúp người bệnh thư giãn tinh thần.

7. Huyệt dương bạch

Vị trí: Trên đường thẳng qua chính giữa mắt, phía trên lông mày 1 thốn.

Tác dụng: Đây là huyệt có tác dụng khu phong tiết hỏa, tuyên khí minh mục, sinh khí tráng dương, thường được dùng trong điều trị các chứng mắt đỏ sưng đau, sụp mi, liệt mặt. Huyệt còn có tác dụng điều trị hiệu quả các chứng đau đầu, giúp người bệnh giảm đau và cải thiện thị lực.

Bấm huyệt dương bạch giảm đau, cải thiện thị lực cho người bệnh đau nửa đầu.

Bấm huyệt dương bạch giảm đau, cải thiện thị lực cho người bệnh đau nửa đầu.

8. Huyệt hợp cốc

Vị trí: Ở điểm cao nhất của vùng cơ giữa ngón tay trỏ và ngón tay cái khi khép hai ngón cạnh sát nhau.

Tác dụng: Hợp cốc là huyệt rất quan trọng trong Đông y, được ứng dụng trong điều trị rất nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến vùng đầu mặt. Mặc dù không ở trên đầu nhưng thông qua tác dụng toàn thân và theo đường kinh, khi day bấm huyệt hợp cốc cũng có thể giúp người bệnh đau nửa đầu giảm đau, giảm căng thẳng, cải thiện tuần hoàn máu.

Người bệnh có thể tiến hành massage toàn bộ vùng đầu sau đó tập trung vào day ấn các vị trí huyệt. Mỗi huyệt nên ấn và giữ trong khoảng 1-2 phút, thực hiện mỗi ngày 1-2 lần. Nên tiến hành day ấn huyệt vị của cả 2 bên đầu để tối ưu hiệu quả điều trị.

Mời độc giả xem thêm:

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bam-huyet-nao-giup-giam-dau-nua-dau-169250204115303004.htm
Zalo