Ma trận… thức ăn đường phố

HNN - Thức ăn đường phố ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đằng sau những món ăn tưởng chừng 'ngon, bổ, rẻ' ấy lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

 Xiên que, xúc xích, cá viên..., những món ăn đường phố hấp dẫn khách hàng bày bán trên đường Hai Bà Trưng

Xiên que, xúc xích, cá viên..., những món ăn đường phố hấp dẫn khách hàng bày bán trên đường Hai Bà Trưng

Món ngon khó cưỡng

Dạo quanh các con phố trung tâm, thật không khó để tìm mua hàng chục loại “quà vặt” được ví như “sơn hào hải vị” của giới trẻ. Xen lẫn giữa các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh thực phẩm là những hàng quán, xe đẩy hay đơn giản là những chiếc thúng, mẹt bày bán đủ loại thực phẩm với mùi chiên, nướng thơm lừng.

Dừng chân bên quầy hàng có tấm biển in dòng chữ: Xiên que - Lạp xưởng giá 10k – 15k ở đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh (quận Thuận Hóa), tôi thấy hàng chục món hàng chưa kịp rã đông đựng trên các khay inox, như: Cá viên, chả viên, tôm, xôi, phô mai que, xúc xích nướng đá... Cạnh bên là các loại gia vị bổ sung, như: tương ớt, tương cà, ớt rim, xì dầu… Thấy tôi đến, chị chủ cửa hàng đon đả đưa khay kèm kẹp gắp rồi bảo tôi cần gì lấy đó. Sau một hồi hỏi giá và lựa chọn, tôi đưa lại chị chủ và ngay lập tức, các xiên que ấy được thả vào chảo dầu đang sôi sùng sục đã ngả màu vàng đậm cùng với đủ loại sản phẩm.

“Ngon, thơm, rẻ” là những đánh giá của đa số khách hàng trẻ tuổi khi thưởng thức các món ăn đường phố và dường như chẳng mấy ai để mắt đến nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm bày bán trên thị trường. Còn đối với người bán, họ chỉ quan tâm tìm nguồn cung giá thấp để sản phẩm dễ cạnh tranh. “Đa số nguyên liệu đều được mua từ các chợ truyền thống và đại lý ở Huế nên chất lượng không đến nỗi. Hàng được niêm phong và đóng gói hẳn hoi" - chị Nguyện, chủ cửa hàng xiên que ở đường Hai Bà Trưng cho biết.

Tại một cơ sở chuyên bán chân gà nướng, chân gà bóp tỏi nằm trên đường Mai Thúc Loan, phường Đông Ba (quận Phú Xuân), khung giờ từ 17h - 21h luôn chật cứng khách ăn tại chỗ và mua mang về. Cầm trên tay 3 hộp chân gà nướng vừa mua, chị Nguyễn Ái Mỹ, trú tại phường Tây Lộc chia sẻ: “Đây là món khoái khẩu của 2 cậu nhóc nhà tôi. Tối nào cũng phải mua chân gà để các con ăn với cơm. Tôi thấy ở đây làm sạch sẽ nên khá yên tâm" (!?...).

Kiểm tra và chưa… phát hiện vi phạm

Trưởng phòng ATTP, Sở Y tế thành phố Huế, BSCKII. Trương Thị Lan Hương cho biết, đối với thức ăn đường phố, Sở phân cấp và giao cho cấp xã, phường kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, giấy khám sức khỏe của đội ngũ chế biến, quy trình và trang thiết bị chế biến món ăn… Tuy nhiên, theo bà Lan Hương, vẫn có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác đảm bảo VSATTP không đảm bảo. Phần lớn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức chấp hành pháp luật về ATTP hạn chế. Cơ sở chật hẹp nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng theo đúng quy định về ATTP khó thực hiện, sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc. Một số phường, xã, thị trấn chưa quan tâm đúng mức và thường xuyên công tác đảm bảo VSATTP.

Phường Vĩnh Ninh, quận Thuận Hóa có đến 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; 71 trường hợp kinh doanh thức ăn đường phố. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh, ông Hoàng Phương Nam, từ đầu năm đến nay, phường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP. Qua kiểm tra 32 cơ sở kinh doanh ăn uống, giải khát, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Ngoài ra, phường phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP quận Thuận Hóa kiểm tra 2 đợt, trong đó đợt 1 vào ngày 24/1/2025 (3 cơ sở), đợt 2 vào ngày 4/3/2025 (6 cơ sở). Quá trình kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm

BSCKII. Trương Thị Lan Hương cho biết thêm, triển khai Tháng hành động vì ATTP năm nay (từ 15/4 đến 15/5) với chủ đề “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm ATTP; đồng thời, thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP để người dân biết và hạn chế việc sử dụng. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra và giám sát; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố…

Sở Y tế thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về ATTP năm 2025, kiểm tra về điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; trong đó, tập trung đối với nhóm có nguy cơ gây ngộ độc cao, như: bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, cơ sở nấu ăn di dộng, các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP..., xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Ngọc Khánh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/ban-doc/ma-tran-thuc-an-duong-pho-153350.html
Zalo