Ngày mai, dàn cựu lãnh đạo Vinafood II hầu tòa
Quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu đất 132 Bến Vân Đồn và làm dự án, dàn cựu lãnh đạo Vinafood II đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 113 tỉ đồng.
Dự kiến, ngày mai (12-5), TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm dàn cựu lãnh đạo Vinafood IIchuyển giao "đất vàng" 132 Bến Vân Đồn gây thiệt hại 113 tỉ đồng cho nhà nước.
6 bị cáo cựu lãnh đạo Vinafood II gồm: Trương Thanh Phong (cựu ủy viên HĐQT, tổng giám đốc), Trần Văn Vẹn (cựu chủ tịch HĐQT), Trần Bảy (cựu trưởng phòng Kế hoạch Chiến lược), Vũ Bá Vinh (cựu ủy viên HĐQT kiêm trưởng ban Kiểm soát), cựu ủy viên HĐQT Trương Văn Húa và Trương Văn Ảnh bị xét xử về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Gây thất thoát hơn 113 tỉ đồng
Phiên xét xử diễn ra trong hai ngày 12 và 13-5. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM.
Đại diện VKSND TP.HCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của VKSND Tối cao, gồm các kiểm sát viên: ông Lê Hữu Ngọc, Hà Đức Nghiệp, Phạm Văn Hiền và bà Hồ Thị Ngọc Ánh.

Các bị can cựu lãnh đạo Vinafood II thời điểm khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Bộ Công an
Bị hại trong vụ án là Bộ Tài chính. Ngoài ra tòa còn triệu tập 10 cá nhân, đơn vị là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa.
Theo hồ sơ, Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Vinafood II là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và được giao quản lý, sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM.
Thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP.HCM, Vinafood II đã đề nghị và được UBND TP.HCM, Bộ Tài chính chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu đất 132 Bến Vân Đồn và làm Dự án xây dựng Chung cư cao tầng kết hợp Trung tâm thương mại - dịch vụ và Cao ốc văn phòng cho thuê.
Khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các bị cáo là thành viên Hội đồng quản trị Vinafood II, gồm: Trần Văn Vẹn, Trương Thanh Phong; Vũ Bá Vinh và Trương Văn Húa đã thống nhất góp vốn bằng quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội thực hiện dự án trên.
Về bản chất, Vinafood II làm thủ tục để được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức chỉ định sau đó chuyển nhượng cho Công ty Vĩnh Hội bằng với số tiền sử dụng đất mà Vinafood II phải nộp. Đổi lại, Vinafood II được hưởng 10% vốn điều lệ tại Công ty Vĩnh Hội.
Từ thỏa thuận này, vào năm 2010, Vinafood II được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không hạch toán tăng tài sản, không lập hồ sơ tài sản cố định.
Các bị cáo là thành viên HĐQT đã hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất khu đất 132 Bến Vân Đồn cho Công ty Vĩnh Hội theo giá tự thỏa thuận nhưng không thẩm định, đánh giá lại tài sản; trái quy định quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác và quy chế quản lý tài chính của Vinafood II.
Tại thời điểm ký và thực hiện hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Vinafood II nắm giữ 1,5 triệu cổ phần tại Công ty Vĩnh Hội. Thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Vinafood II đã bán 1,5 triệu cổ phần và thu được 45 tỉ đồng.
Căn cứ kết luận định giá tài sản xác định, tại thời điểm ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào ngày 27-1-2011, Trương Thanh Phong và các đồng phạm đã gây thất thoát hơn 113 tỉ đồng.
Hậu quả, số tiền thất thoát thực tế trong vụ án được xác định: 113 tỉ đồng trừ đi 45 tỉ đồng (tiền bán 1,5 triệu cổ phần) là hơn 67,8 tỉ đồng.
Giải quyết quyền lợi người mua dự án 132 Bến Vân Đồn
Cũng theo hồ sơ, bị cáo Trương Thanh Phong bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án; các bị cáo còn lại được xác định phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức.
6 bị cáo là cựu lãnh đạo Vinafood II đều không hưởng lợi trong vụ án. Cơ quan CQĐT Bộ Công an đã kê biên 5 bất động sản của Trần Văn Vẹn; 2 bất động sản của Trương Thanh Phong và 4 bất động sản của Trần Bảy. Phong tỏa 7,1 tỉ đồng trong các tài khoản ngân hàng của Trương Thanh Phong.

Tòa nhà Millennium tại Bến Vân Đồn, quận 4 (góc trái). Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến năm 2015, Công ty Nguyễn Kim đã mua 99,32% vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hội và bán cho Công ty đầu tư Phú Mỹ Hưng. Đến nay, công ty này đã thực hiện dự án trên khu đất 132 Bến Vân Đồn với thương mại là Millennium 132 Bến Vân Đồn. Hiện dự án đã bán hết cho khách nhưng khách chưa được cấp giấy chứng nhận.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM tạm dừng giải quyết việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp... quyền sử dụng đất và tạm dừng thay đổi đăng ký kinh doanh đối với Công ty Phú Mỹ Hưng để phục vụ công tác điều tra.
Kết quả điều tra xác định, Công ty Phú Mỹ Hưng là bên thứ ba ngay tình, đã triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch của TP.HCM và đã bán toàn bộ sản phẩm cho người dân. Cơ quan CSĐT Bộ công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan và kiến nghị TAND TP.HCM xem xét, giải quyết trong quá trình xét xử, đảm bảo quyền lợi cho những người mua sản phẩm tại dự án theo quy định pháp luật.