Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sửa Luật Việc làm cần lấy người lao động là trọng tâm

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sửa Luật Việc làm cần tập trung lấy người lao động, lấy việc làm là trọng tâm của tăng năng suất lao động bền vững.

Không để doanh nghiệp "lách luật" trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp

Cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sáng 27/11, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) cho biết, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này tại Điều 81 không quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mà chỉ quy định một số đối tượng tham gia BHTN.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu).

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu).

Nếu quy định như dự thảo Luật (sửa đổi) có thể tạo nên kẽ hở để một số doanh nghiệp lách luật, sẽ không đóng BHTN cho người lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Nếu có vấn đề gì xảy ra như đau ốm, bệnh tật hoặc khi gặp những chuyện không may thì họ sẽ không có được quyền hưởng các chính sách; sẽ là gánh nặng cho gia đình nếu gia đình khó khăn, không điều kiện.

Vì vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định tại Điều 43 của Luật hiện hành là quy định đối tượng bắt buộc tham gia BHTN.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cũng quan tâm với nội dung đóng BHTN cho người lao động. Theo đại biểu, dự thảo Luật đang quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng BHTN, người lao động được phép sử dụng tiền của mình để nộp vào quỹ bảo hiểm để được hưởng các chế độ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương).

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân nhận định, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ và có thể gây bức xúc cho người lao động, vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm mà người lao động phải tự nộp.

Trong trường hợp này, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời có quy định về chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm.

"Từ đó cho thấy việc đóng BHTN không chỉ là quyền lợi của người lao động mà còn là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của người sử dụng lao động", đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, trong trường hợp doanh nghiệp không đóng hoặc nợ BHTN, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền BHTN đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.

Phải thích ứng nhanh với xu hướng phòng ngừa già hóa dân số

Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, vấn đề việc làm chịu tác động bởi nhiều hệ thống pháp luật.

Việc sửa đổi luật cần tiếp tục vừa rà soát, vừa bổ sung nhưng cũng dự lường những vấn đề mới và đưa ra một số vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, với mục tiêu thúc đẩy xây dựng thị trường lao động Việt Nam đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập, trọng tâm là tạo ra việc làm đầy đủ và chất lượng cao, cũng như năng suất lao động cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

"Đây là vấn đề trọng tâm trong luật này cần đặt ra và nhìn nhận một cách nghiêm túc về thị trường lao động Việt Nam", ông Dung nói.

Về năng suất lao động, Bộ trưởng nêu rõ, trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi đa dạng, phức tạp và nhanh chóng khó lường như hiện nay, chúng ta phải thích ứng nhanh với xu hướng phòng ngừa già hóa dân số, thay đổi môi trường, biến đổi khí hậu và tác động nhanh, sâu sắc, căn bản của khoa học công nghệ. Điều này vừa là tận dụng lợi thế nhưng cũng phòng ngừa và hạn chế tất cả những rủi ro thách thức.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam chúng ta phụ thuộc các yếu tố cơ bản là: mức độ thay đổi và loại hình công nghệ sẽ thay đổi; trình độ kỹ năng lao động; chính sách quốc gia áp dụng hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tác động của trí tuệ nhân tạo.

Trong bối cảnh đó, khó có thể chi tiết hóa tất cả các chính sách trong luật này, mà đòi hỏi phải xây dựng khung chính sách có tính chất mở, dễ điều chỉnh, dễ thích ứng trong từng thời gian.

Chúng ta tập trung vào một số vấn đề cơ bản nhưng mở cửa tiếp cận kỹ năng cho tất cả mọi người, nhất là tiếp cận rộng rãi về giáo dục đào tạo, học suốt đời, tư vấn đào tạo kỹ năng thích ứng trong nghề nghiệp.

Hoàn thiện thị trưởng lao động toàn diện thích ứng và bền vững, giải quyết tình trạng bất ổn phi chính thức trên thị trường lao động; Cải thiện chất lượng việc làm; Thúc đẩy sự gia tăng, sự năng động của doanh nghiệp, sự lan tỏa của công nghệ; Hạn chế tác động của mặt trái thị trường.

"Sửa Luật Việc làm cũng cần tập trung lấy người lao động, lấy việc làm là trọng tâm của tăng năng suất lao động bền vững. Mỗi đối tượng trong lao động, trong nhóm tuổi cần có những chính sách phù hợp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-sua-luat-viec-lam-can-lay-nguoi-lao-dong-la-trong-tam-192241127125611025.htm
Zalo