Lý thuyết dẫn đường cho cú ra đòn thuế quan của ông Trump
Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng khẳng định Mỹ đang gánh quá nhiều chi phí cho an ninh và tài chính toàn cầu, kêu gọi các nước chia sẻ trách nhiệm công bằng hơn.
Phát biểu tại Viện Hudson ngày 7/4, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA) – ông Stephen Miran – nhìn nhận vai trò then chốt mà Mỹ đang gánh vác trong việc cung cấp hai “hàng hóa công toàn cầu”: chiếc ô an ninh và đồng USD – đồng tiền dự trữ của thế giới.
Dù ngắn gọn, bài phát biểu được giới thiệu trang trọng trên website Nhà Trắng phần nào hé lộ tư duy và định hướng chính sách của chính quyền Tổng thống Trump trong giai đoạn mới.
Ông Miran cho rằng chính Mỹ đã tạo ra kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nhưng cái giá phải trả là không nhỏ. Cả về quân sự lẫn tài chính, nước Mỹ đang gồng mình để duy trì vị thế siêu cường, đánh thuế mạnh lên những người lao động để bù lại, trong khi phần lớn các quốc gia khác chỉ thụ hưởng mà không chia sẻ gánh nặng.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA) Stephen Miran. Ảnh: Reuters.
"Trọng trách của Mỹ"
Về mặt tài chính, theo ông Miran, việc USD được sử dụng làm đồng tiền dự trữ toàn cầu mang lại lợi thế cho các nước khác trong giao dịch và tiết kiệm, nhưng lại khiến nước Mỹ chịu hệ quả không mong muốn.
Vai trò này đã gây ra những méo mó dai dẳng trên thị trường tiền tệ, góp phần kéo dài tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ, khiến ngành sản xuất bị tàn phá, nhiều gia đình lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Khi nói về 'đồng tiền dự trữ', tôi muốn ám chỉ toàn bộ chức năng quốc tế của đồng USD, bao gồm cả tiết kiệm cá nhân và thương mại”, Chủ tịch CEA giải thích.
“Chẳng hạn, khi 2 quốc gia khác như Trung Quốc và Brazil giao dịch với nhau, họ thường sử dụng USD vì vị thế đặc biệt của Mỹ. Giao dịch đó đòi hỏi phải có tiết kiệm bằng USD, thường là trái phiếu kho bạc Mỹ và sức mạnh quân sự đảm bảo sự ổn định tài chính.

Đồng USD giữ vị trí đồng tiền dự trữ toàn cầu mang đến cả lợi ích và gánh nặng cho nước Mỹ. Ảnh: Reuters.
Dẫu vậy, sự thống trị tài chính cũng đi kèm cái giá đắt. Nhu cầu lớn đối với USD giúp giữ lãi suất vay thấp, nhưng đồng thời làm méo mó thị trường tiền tệ. Điều này gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp và công nhân Mỹ, khiến sản phẩm và lao động của họ mất sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Kết quả là lực lượng lao động trong ngành sản xuất giảm hơn 1/3 so với đỉnh cao, và tỷ trọng sản xuất công nghiệp toàn cầu của Mỹ sụt giảm 40%.
"Người Mỹ không chỉ trả giá cho hòa bình và thịnh vượng của chính mình, mà còn cho cả thế giới”, Chủ tịch CEA nhận xét thêm.
Ông Miran còn chỉ ra rằng bài học từ đại dịch Covid-19 đã cho thấy, nhiều chuỗi cung ứng của Mỹ đang phụ thuộc lớn vào đối thủ số 1 của họ - Trung Quốc.
“Chúng ta không thể dựa vào kẻ thù lớn nhất để cung cấp thiết bị thiết yếu bảo vệ người dân. Trung Quốc cũng không nên được hưởng lợi quá nhiều từ hệ thống an ninh và tài chính quốc tế mà chúng ta phải trả giá để duy trì”, ông Miran kêu gọi.
Bên cạnh đó, việc cung cấp tài sản dự trữ còn gây ra những hệ quả đáng tiếc khác. Một số quốc gia mua tài sản của Mỹ để thao túng tiền tệ, giữ giá xuất khẩu rẻ. Hoạt động này đẩy quá nhiều tiền vào kinh tế Mỹ, tạo ra lỗ hổng và khủng hoảng.
Ông Miran liên hệ đến khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi Trung Quốc và nhiều tổ chức tài chính nước ngoài tăng sở hữu nợ thế chấp Mỹ, góp phần thổi phồng bong bóng nhà ở.
“Trung Quốc đóng vai trò không nhỏ trong việc gây ra cuộc khủng hoảng này, và nước Mỹ đã mất gần một thập kỷ để phục hồi - cho đến khi Tổng thống Trump đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo trong nhiệm kỳ đầu tiên”, ông cho biết.
Chấm hết thời kỳ “đi xe không vé”
Dù vậy, sự thống trị về quân sự và tài chính này không phải là điều hiển nhiên, và chính quyền Trump quyết tâm bảo vệ chúng.
Trước đó, ông Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng nước Mỹ sẽ không tiếp tục chấp nhận tình trạng các quốc gia khác "ăn không ngồi rồi” dựa trên công sức, mồ hôi và máu của người Mỹ - từ an ninh quốc gia đến thương mại.
Trong 100 ngày đầu tiên, chính quyền Trump đã mạnh mẽ điều chỉnh các mối quan hệ quốc phòng và thương mại để đặt người Mỹ vào vị thế công bằng hơn. Ông Trump cam kết tái xây dựng nền tảng công nghiệp đã tan vỡ và theo đuổi các điều khoản thương mại ưu tiên công nhân và doanh nghiệp Mỹ.

Chính sách thuế đối ứng của chính quyền trong là một trong các biện pháp mà ông gọi là giúp "đặt người Mỹ vào vị thế công bằng hơn". Ảnh: Reuters.
Theo quan điểm của ông Miran, để tiếp tục cung cấp hai “hàng hóa công toàn cầu” này, cần có sự chia sẻ gánh nặng tốt hơn trên toàn cầu. Nếu các quốc gia khác muốn hưởng lợi từ chiếc ô địa chính trị và tài chính của Mỹ, họ phải đóng góp công bằng.
Kết quả lý tưởng là Mỹ tiếp tục mang lại hòa bình và thịnh vượng toàn cầu, giữ vai trò cung cấp đồng tiền dự trữ, trong khi các nước khác không chỉ thụ hưởng mà còn chung tay gánh vác chi phí. Điều này sẽ tăng cường khả năng phục hồi và duy trì hệ thống an ninh cùng thương mại toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Ông Miran cũng cảnh báo nếu không nhanh chóng tái thiết ngành công nghiệp trong nước, Mỹ sẽ đánh mất cả khả năng quốc phòng lẫn vai trò cốt lõi trong hệ thống tài chính toàn cầu.
“Chúng ta đang bị các đối thủ thù địch tấn công, tìm cách làm suy yếu nền công nghiệp quốc phòng và sản xuất, cũng như phá rối hệ thống tài chính. Nếu năng lực sản xuất bị rỗng ruột, chúng ta sẽ không thể cung cấp quốc phòng hay tài sản dự trữ”, ông nhận định.
Kêu gọi chia sẻ gánh nặng
Để đảm bảo sự bền vững của hệ thống toàn cầu, Chủ tịch CEA đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm chia sẻ gánh nặng:
Chấp nhận thuế quan mà không trả đũa, tạo nguồn thu cho ngân sách Mỹ;
Mở cửa thị trường và tăng mua hàng hóa Mỹ;
Tăng chi tiêu quốc phòng, mua sắm trang thiết bị từ Mỹ;
Đầu tư xây nhà máy và sản xuất tại Mỹ để tránh thuế quan;
Chuyển tiền trực tiếp cho Bộ Tài chính Mỹ để tài trợ cho các "hàng hóa công" toàn cầu.
Ông cũng phản bác quan điểm phổ biến rằng thuế quan là “vũ khí phản tác dụng”, cho rằng các mô hình kinh tế truyền thống đã sai lầm vì không tính đến thực tế là Mỹ đã duy trì thâm hụt thương mại suốt nhiều thập kỷ.
Ông cho biết chính sách thuế quan dưới thời Trump trước đây đã khiến Trung Quốc thiệt hại lớn, đồng thời giúp Mỹ giảm thuế và thúc đẩy tăng trưởng.
“Thế giới vẫn có thể tận hưởng ô an ninh và hệ thống giao thương do Mỹ tạo ra, nhưng họ phải bắt đầu trả phần chi phí tương xứng”, vị cố vấn này nhấn mạnh.