Lý do Vinamilk dời ngày chốt danh sách nhận cổ tức
Vinamilk lý giải, việc điều chỉnh ngày chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 3/2023 là để đưa về cùng ngày với ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội cổ đông thường niên 2024.
Tuần này, có 11 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức, cả 11 công ty đều trả cổ tức bằng tiền mặt, cao nhất trên 85% và thấp nhất là 1%.
Chi hơn 6.000 tỷ đồng trả cổ tức
Hội đồng quản trị Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) thông qua việc điều chỉnh ngày chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 3/2023.
Theo đó, Vinamilk chọn ngày 18/3 để chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 3/2023, dời lại khoảng 1 tuần so với kế hoạch ban đầu là ngày 12/3. Các thông tin khác không thay đổi.
Vinamilk lý giải, việc thay đổi nhằm đưa về cùng ngày với ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội cổ đông thường niên năm nay.
Theo kế hoạch, Vinamilk sẽ tạm ứng cổ tức đợt 3/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 9%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 900 đồng, thanh toán vào ngày 26/4. Với gần 2,09 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk cần chi gần 1.900 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.
Trước đó, VNM đã thanh toán 3.100 tỷ đồng cho việc chi trả cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% vào tháng 10/2023 và thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng cho đợt 2 với tỷ lệ 5% vào tháng 2/2024. Như vậy, tổng số tiền Vinamilk tạm ứng cổ tức cho năm 2023 là hơn 6.000 tỷ đồng, tương đương tổng tỷ lệ 29%.
Vinamilk sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm nay vào ngày 25/4 bằng hình thức họp trực tuyến (tại số 10 Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM). Đại hội dự kiến thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Năm 2023, doanh thu Vinamilk tăng gần 1%, đạt 60.369 tỷ đồng và đánh dấu năm thứ ba có mốc doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu trong nước đạt 50.617 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ), còn thị trường nước ngoài đạt 9.751 tỷ đồng (tăng 5,4%).
Bà Bùi Thị Yến - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh (mã chứng khoán: TKG) - có đơn từ nhiệm vào ngày 29/2. Vì lý do cá nhân, bà Yến đề nghị Hội đồng quản trị cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị TKG, đồng thời thực hiện các thủ tục cần thiết để miễn nhiệm và bầu thay thế tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của TKG.
Rời chức vụ sau 13 năm
Sau 13 năm là thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI), ông Nguyễn Hoàng Bảo có đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị VCI nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Hội đồng quản trị Vietcap sẽ trình đại hội đồng cổ đông gần nhất xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ đối với ông Nguyễn Hoàng Bảo.
Vietcap có tiền thân là Công ty Chứng khoán Bản Việt, thành lập từ năm 2007. Ông Hoàng Bảo gắn bó với VCI trong vai trò thành viên Hội đồng quản trị từ năm 2011, đến nay là 13 năm.
Ông Bảo là chồng bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcap. Theo báo cáo thường niên năm 2023, ông Bảo không sở hữu cổ phần VCI nào, còn bà Phượng nắm gần 17,6 triệu cổ phần, tương đương 4,01% vốn.
Ông Bảo sinh năm 1973, tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh Đại học Harvard, Tiến sĩ Y khoa trường Đại học Northwestern và thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của trường Kellogg School of Management - Hoa Kỳ.
Theo giới thiệu của Vietcap, ông Bảo đang là Chủ tịch của Phoenix Holdings - công ty chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ tài chính, giáo dục, thể thao, truyền thông và giải trí.
Trong lĩnh vực giáo dục, ông Bảo đang là thành viên quản trị sáng lập của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, Thành viên Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam.
Công ty Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán: HQC) vừa phát hành thành công 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm, kể từ ngày 4/3/2024. Sau phát hành cổ phiếu riêng lẻ, vốn điều lệ của Địa ốc Hoàng Quân đã tăng lên 5.766 tỷ đồng.
Theo kế hoạch sử dụng vốn mới điều chỉnh, trong 1.000 tỷ đồng huy động được, Địa ốc Hoàng Quân sẽ dùng 400 tỷ đồng để mua cổ phần từ cổ đông hiện hữu Công ty CP Đầu tư Thành phố Vàng, dùng 600 tỷ đồng để mua cổ phần phát hành riêng lẻ của Thành phố Vàng.
Thành phố Vàng là chủ đầu tư dự án Golden City quy mô 3,35 ha, vốn đầu tư hơn 1.776 tỷ đồng. Công ty có 5 cổ đông sáng lập, trong đó ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Hoàng Quân sở hữu 50% vốn điều lệ và là đại diện pháp luật. Đến tháng 5/2022, công ty mới đổi đại diện pháp luật sang ông Nguyễn Thành Văn, cũng là người đại diện nhiều công ty có liên quan với Địa ốc Hoàng Quân. Cách đây 2 năm, Địa ốc Hoàng Quân đã bán dự án Golden City cho Công ty CP Đầu tư Thành phố Vàng với giá 120 tỷ đồng.
Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (mã chứng khoán: BTP) thông báo trả cổ tức năm 2023 bằng tiền, với tỷ lệ 26,47%. Có nghĩa, cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được nhận 2.647 đồng. Hiện, BTP có hơn 60 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp cần chi hơn 160 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức này.
Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (Daseco - mã chứng khoán: DSN) sắp trả đợt cổ tức cuối cùng của năm 2023 với tỷ lệ 16%. Với hơn 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DSN cần chi hơn 19 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.