Vì sao Việt Nam trở thành 'nam châm' hút ngành chip bán dẫn?

Với nguồn nhân lực chất lượng, giá rẻ và sự ổn định chính trị, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp ngành chip bán dẫn.

Kỹ sư Việt Nam tận tụy, khao khát học hỏi

Khi đến thăm trường đại học cũ của mình tại Việt Nam, Trần Thị Ngọc Gương, kỹ sư cao cấp về thiết kế vật lý tại công ty phát triển chip Marvell (Hoa Kỳ) không ngờ rằng tất cả các sinh viên lại tò mò về chuyên ngành thiết kế chip của cô đến vậy.

"Mọi người có rất nhiều câu hỏi và chúng rất chi tiết", cô nói và cho biết "rất ngạc nhiên".

Một sinh viên tâm sự rằng anh ấy vừa chuyển sang chuyên ngành của cô; một sinh viên khác hỏi cô về những vấn đề khó hiểu như Clock Tree, một khái niệm về mạch thiết kế phần cứng - một thứ mà cô chưa từng gặp khi còn là sinh viên.

Rất nhiều thứ đã thay đổi trong 5 năm giữa thời điểm Gương tốt nghiệp. Hiện tại, những sinh viên Việt Nam đang nhảy vào lĩnh vực bán dẫn và chính phủ có mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và nhà thiết kế chip vào năm 2030.

"Tôi không nghĩ một ngày nào đó, tôi sẽ làm việc trong một lĩnh vực hot như vậy", Trần Thị Ngọc Gương chia sẻ.

Sức nóng này đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Theo đó, hiện tại nhu cầu đang tăng cao đối với các kỹ sư chip trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Sự thay đổi chuỗi cung ứng do căng thẳng Mỹ - Trung gây ra cũng đang thúc đẩy nhu cầu về nhân tài địa phương. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở các nền kinh tế chip truyền thống như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), cũng như Hoa Kỳ, khiến các nhà sản xuất đang tìm kiếm các nhân tài từ quốc gia khác.

 Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành nơi đặt trụ sở của ngày càng nhiều doanh nghiệp thiết kế bán dẫn ở nước ngoài

Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành nơi đặt trụ sở của ngày càng nhiều doanh nghiệp thiết kế bán dẫn ở nước ngoài

Alchip Technologies, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip AI hàng đầu của Đài Loan, đang mở rộng đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D - Research and Development) của mình sang Việt Nam, nơi họ đang có kế hoạch mở văn phòng đầu tiên trong năm nay. Công ty có khả năng sẽ tăng số lượng nhân viên lên tới 100 nhân viên kỹ thuật trong vòng hai đến ba năm, Giám đốc tài chính Daniel Wang cho biết.

"Sau khi đánh giá một số điểm đến ở Châu Á để mở rộng nhóm R&D, chúng tôi nhận ra rằng việc thu hút nhân tài ở các nền kinh tế công nghệ đã phát triển như Nhật Bản có thể là thách thức lớn đối với một công ty có quy mô như Alchip, mặc dù chúng tôi cũng đang mở rộng tại đó", Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Johnny Shen cho biết.

"Nguồn nhân lực kỹ thuật triển vọng của Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp mạnh mẽ của họ khiến đây trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với chúng tôi. Chúng tôi rất ấn tượng trước sự tận tụy và cam kết của các kỹ sư Việt Nam, những người luôn khao khát học hỏi và đóng góp", ông nói thêm.

Nhân lực trẻ, chất lượng, giá rẻ

GUC và Faraday Technology, hai công ty cung cấp dịch vụ thiết kế chip liên kết cho TSMC và UMC, cũng đang đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm các kỹ sư trẻ.

Tương tự như vậy, các công ty Hàn Quốc đang chuyển hướng sang Việt Nam, một phần để bù đắp cho tình trạng chảy máu chất xám tại thị trường quê nhà.

"Bây giờ, những người thông minh ở đất nước chúng tôi có thể dễ dàng đến Hoa Kỳ sau khi học tập chăm chỉ.

Nhiều người trong số họ gia nhập Nvidia với mức lương sáu chữ số hoặc thậm chí là hàng triệu USD", CEO của MetisX - Jin Kim cho biết trong một cuộc họp gần đây giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và Oh Youngju, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và Khởi nghiệp Hàn Quốc.

"Chúng tôi cần cung cấp một khoản trợ cấp cạnh tranh, thứ mà một công ty đơn lẻ không thể tự mình chi trả được." - Jin Kim nói.

Ngoài trợ cấp cho R&D, các giám đốc điều hành tại cuộc họp đã kêu gọi một hệ thống giáo dục nhằm đào tạo nhân viên nước ngoài và nới lỏng các quy định về thị thực để thu hút họ. Quốc gia được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc thảo luận chính là Việt Nam.

 Công ty BOS Semiconductors của Hàn Quốc đã nâng cấp kế hoạch hiện diện tại Việt Nam sau khi ấn tượng trước chất lượng nhân tài kỹ thuật địa phương

Công ty BOS Semiconductors của Hàn Quốc đã nâng cấp kế hoạch hiện diện tại Việt Nam sau khi ấn tượng trước chất lượng nhân tài kỹ thuật địa phương

BOS Semiconductors, Công ty của Hàn Quốc đã có văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2022 để thành lập một nhóm hỗ trợ cho trụ sở chính. Nhưng khi các giám đốc điều hành so sánh hai nhóm nhân viên giữa Hàn Quốc và Việt Nam, chất lượng kỹ sư Việt Nam đã thuyết phục họ nâng cấp nhóm này.

"Họ nhận ra rằng đây (Việt Nam) có thể là một trung tâm R&D chính", giám đốc điều hành toàn quốc của BOS Semiconductors - Lim Hyung Jun cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Lim cho biết mục tiêu là có một hệ thống trên chip (SoC) được thiết kế tại Việt Nam.

BOS Semiconductors có khoảng 50 nhân viên tại văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cả giám đốc thiết kế Nguyễn Hưng Quân. Ông cho biết các đồng nghiệp của mình "rất hào hứng" khi được làm việc về các vấn đề như truyền dữ liệu tốc độ cao, giúp họ học thêm nhiều kỹ năng hơn.

Đối thủ của BOS là ADTechnology cũng đang điều hành hai trung tâm nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Nikkei Asia, việc cung cấp đủ nguồn lao động công nghệ trong thời điểm thiếu hụt hiện tại có thể giúp Việt Nam đạt được một trong những kế hoạch vốn được ấp ủ từ lâu là nâng cao chuỗi giá trị công nghệ.

Theo đó, Marvell mô tả Việt Nam là "vị trí chiến lược để phát triển nhân tài kỹ thuật".

Tổng giám đốc Marvell Việt Nam - ông Lê Quang Đàm đã giúp xây dựng văn phòng đầu tiên của công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam. Từ chỉ vài chục kỹ sư trong vài năm đầu, nhóm của ông hiện có hơn 400 người, tăng từ 300 người vào năm ngoái.

"Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell, chỉ sau trụ sở chính tại Hoa Kỳ và Ấn Độ", ông Đàm chia sẻ với Nikkei Asia.

Marvell đặt mục tiêu tăng số lượng nhân viên tại Việt Nam lên khoảng 500 vào năm 2026. Kế hoạch tuyển dụng không chỉ bao gồm nhân viên cho các văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn một địa điểm mới tại Đà Nẵng.

"Tôi rất hào hứng khi CEO của Marvell đề nghị tôi mở văn phòng đầu tiên tại Việt Nam. Giờ đây, sau 11 năm, tôi cảm thấy rất tự hào về Marvell và đội ngũ của chúng tôi cũng như những gì chúng tôi đã đạt được", ông Đàm cho biết, đồng thời nói thêm rằng đội ngũ tại Việt Nam "có khả năng thực hiện hoạt động R&D về công nghệ chip tiên tiến nhất".

Không giống như các lĩnh vực công nghệ thấp, hoạt động của Marvell tại Việt Nam đòi hỏi khả năng kỹ thuật tiên tiến. Hoạt động này chủ yếu tập trung vào kết nối quang học tốc độ cao của trung tâm dữ liệu, lưu trữ và công nghệ bán dẫn tín hiệu hỗn hợp, tất cả đều cần thiết để mở rộng cơ sở hạ tầng AI.

Phần lớn các thành viên trong nhóm của ông Đàm đều rất trẻ - ở độ tuổi 20 hoặc 30 - và hơn 20% là nữ. Ông Đàm nói: "Tôi vẫn đang nỗ lực để tăng tỷ lệ đó để tuyển dụng thêm nhiều tài năng kỹ thuật nữ hơn."

 Ông Lê Quang Đàm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, cho biết Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell sau trụ sở chính tại Hoa Kỳ và hoạt động tại Ấn Độ

Ông Lê Quang Đàm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, cho biết Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell sau trụ sở chính tại Hoa Kỳ và hoạt động tại Ấn Độ

Synopsys, nhà sản xuất công cụ thiết kế chip hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hoa Kỳ, là một trong những công ty tích cực đầu tư vào Việt Nam nhất, nơi hiện có hơn 500 nhân viên tại nhiều trung tâm thiết kế ở nhiều thành phố.

Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng tại Đài Loan và Đông Nam Á của Synopsys, chia sẻ với Nikkei Asia rằng: "Mức độ quan tâm của sinh viên và lực lượng lao động Việt Nam đối với việc đào tạo kỹ thuật bán dẫn, cùng với nguồn tài trợ và các chương trình của chính phủ, đang góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân tài về bán dẫn".

Theo ông Li, nhóm Synopsys tại Việt Nam đang giải quyết những thách thức quan trọng nhất của khách hàng.

Một ví dụ điển hình là vai trò then chốt của nhóm trong việc phát triển chip thử nghiệm đầu tiên trong ngành được kết nối UCIe, được công bố vào năm 2023 với sự hợp tác của Intel. UCIe, một tiêu chuẩn công nghiệp cho các kết nối đóng gói chip tiên tiến được hỗ trợ bởi các nhà sản xuất chip hàng đầu như Intel, TSMC và Samsung, công nghệ đang định hình lại bối cảnh ngành chip. Trong khi đó, chiplet đang định nghĩa lại quá trình thiết kế, sản xuất chip và nhóm Synopsys tại Việt Nam đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi này.

Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam, cho biết nhu cầu về nhân lực có trình độ cao tại Việt Nam lớn hơn nhiều so với nguồn cung, do cuộc chiến công nghệ Trung - Mỹ khiến nhiều công ty chuyển hoạt động sang Đông Nam Á.

"Chúng tôi nhận thấy rằng trong thời kỳ COVID-19, nhiều tài năng kỹ thuật địa phương đã chuyển về Việt Nam từ các quốc gia Đông Nam Á khác, chẳng hạn như Singapore. Nhưng vẫn còn nhiều dư địa cho nguồn nhân tài phát triển, vì nhiều công ty công nghệ đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam", ông Chen, người đã sống tại Việt Nam nhiều năm, chia sẻ với Nikkei Asia.

Trong thiết kế chip, ông Chen cho biết, "mỗi công ty đang tuyển dụng ít nhất 300 hoặc 500 người cho văn phòng tại Việt Nam".

Ông Chen cho biết, so với Đài Loan hay Hàn Quốc, năng suất và mức lương của các kỹ sư Việt giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các công ty quốc tế. Đồng thời, nỗ lực của chính phủ nhằm phát triển nền kinh tế công nghệ tiên tiến đã giúp phát triển nguồn lao động có trình độ tại Việt Nam.

 Mức lương trung bình của các nhân viên IT tại Châu Á

Mức lương trung bình của các nhân viên IT tại Châu Á

Theo trang web Salary Explorer, các kỹ sư Việt Nam kiếm được trung bình 665 USD một tháng, thấp hơn mức 5.627 USD của các đồng nghiệp ở Singapore, 3.782 USD ở Đài Loan, 2.826 USD ở Hàn Quốc và 1.313 USD ở Malaysia.

Ông Đàm đồng ý rằng động lực chính của xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu do sự gián đoạn của COVID-19 và căng thẳng Mỹ - Trung. Ông cho biết Việt Nam vừa ổn định chính trị đồng thời chi phí đầu tư cũng rất hợp lý.

Phát triển thế hệ nhân tài tiếp theo

Tại Việt Nam, học bổng và những kế hoạch thực tập là một số công cụ chính thu hút thêm nhiều nhân tài tham gia ngành.

Seoul AI Hub, một đơn vị nghiên cứu của Chính quyền đô thị Seoul, có kế hoạch cung cấp chương trình thực tập ba tháng cho sinh viên Việt Nam bắt đầu từ tháng 9, kết nối họ với các công ty thiết kế chip của Hàn Quốc. Bộ SME và Khởi nghiệp Hàn Quốc đang hợp tác với Bộ Tư pháp Hàn Quốc để xây dựng các quy định về thị thực đơn giản hơn cho người Việt Nam.

 Các kỹ sư Việt Nam đang thiết kế chip AI cho ô tô tại BOS Semiconductions ở Thành phố Hồ Chí Minh

Các kỹ sư Việt Nam đang thiết kế chip AI cho ô tô tại BOS Semiconductions ở Thành phố Hồ Chí Minh

Trong khi đó, Hoa Kỳ hiện đang hợp tác với bảy quốc gia, bao gồm Việt Nam, để xây dựng chuỗi cung ứng chip. Một quan chức Hoa Kỳ đã chia sẻ với Nikkei vào đầu năm nay rằng kinh nghiệm lâu năm của Việt Nam về lắp ráp sẽ giúp họ dễ dàng chuyển đổi sang thiết kế chip.

"Có nhiều quốc gia trên thế giới muốn có khả năng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP) của Việt Nam", Jose Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trường cho biết.

Pegatron, một nhà cung cấp của Đài Loan sản xuất cho Apple và Microsoft, đang mong muốn mở rộng nhóm nhân tài kỹ thuật tại Việt Nam, nơi họ đã xây dựng nhà máy sản xuất của mình kể từ năm 2020.

"Năng suất và chất lượng nhân tài đang tăng lên tại Việt Nam, nhưng xét theo động lực thị trường, nguồn cung nhân tài không thể theo kịp nhu cầu, do đó các công ty phải tham gia nhiều hơn vào đào tạo", Tổng giám đốc Pegatron Việt Nam, Chi-Liang Chen chia sẻ với Nikkei Asia.

Pegatron đã cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, đồng thời hợp tác với nhiều trường đại học để đồng thiết kế chương trình giảng dạy và cung cấp thiết bị, hướng tới đào tạo lực lượng lao động mà ngành công nghệ cần.

Theo Nikkei Asia

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-sao-viet-nam-tro-thanh-nam-cham-hut-nganh-chip-ban-dan-post177311.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo