Lý do Ukraine từ chối thỏa thuận 'đổi đất hiếm lấy viện trợ' của ông Trump

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã chỉ thị các bộ trưởng không ký vào thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận khoáng sản đất hiếm của Ukraine. Ông Zelensky đang đề xuất quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi để khai thác tài nguyên, thay vì 'cho không'.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 12/2 đã đề xuất thỏa thuận này với ông Zelensky trong chuyến thăm Kiev, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn 500 tỷ USD khoáng sản đất hiếm từ Ukraine để đổi lại sự hỗ trợ của Washington.

Thỏa thuận kể trên tiếp tục trở thành trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bên lề Hội nghị An ninh Munich tuần này, Euronews dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết. Theo đó, Mỹ sẽ nắm giữ khoảng 50% quyền khai thác khoáng sản đất hiếm của Kiev.

“Tôi không để các bộ trưởng ký kết vì theo quan điểm của tôi, tài liệu này chưa sẵn sàng để bảo vệ chúng tôi và đảm bảo lợi ích cho chúng tôi", ông Zelensky cho biết.

Một số quan chức giấu tên của Ukraine tiết lộ rằng đề xuất chủ yếu xoay quanh cách Mỹ có thể khai thác khoáng sản đất hiếm của Ukraine "như một khoản bồi thường" cho sự hỗ trợ mà chính quyền cựu Tổng thống Biden đã dành cho Kiev, đồng thời cũng là "một phương thức thanh toán" cho các khoản viện trợ tương lai.

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Getty

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: Getty

Theo ước tính của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), Ukraine sở hữu khoảng 5% tổng trữ lượng khoáng sản toàn cầu. Đáng chú ý, Ukraine có trữ lượng lớn titan, lithium, uranium, than đá, sắt, niken và đặc biệt là các loại đất hiếm. Đây là nguyên liệu quan trọng trong việc phát triển công nghệ bán dẫn, pin lithium-ion, thiết bị quân sự, thiết bị hàng không vũ trụ,...

Chính quyền Tổng thống Trump từng bày tỏ mong muốn tiếp cận những nguồn tài nguyên này nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo thống kê, Mỹ hiện nhập khoảng 70% đất hiếm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh rằng bất kỳ hoạt động khai thác nào cũng phải đi kèm với các đảm bảo an ninh dành cho Kiev.

“Tôi coi việc liên kết giữa các đảm bảo an ninh và đầu tư là điều tối quan trọng,” Tổng thống Ukraine khẳng định.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông Brian Hughes cho biết: “Tổng thống Zelensky đang bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời mà chính quyền Mỹ đã trao cho Ukraine.”

Chính quyền Trump ngày càng tỏ ra miễn cưỡng khi tiếp tục gửi viện trợ cho Kiev. Ông Hughes lập luận rằng một thỏa thuận khoáng sản sẽ giúp người nộp thuế ở Mỹ "thu hồi" phần tiền đã hỗ trợ Ukraine, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế nước này. Ông cũng nhấn mạnh rằng "mối quan hệ kinh tế ràng buộc với Mỹ sẽ là sự đảm bảo tốt nhất đối với Ukraine và là chìa khóa cho nền hòa bình lâu dài."

Trong các cuộc thảo luận tại Munich, phía Mỹ chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế, cụ thể như phương thức khai thác khoáng sản và mô hình hợp tác khả thi với Ukraine. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết giá trị thực tế của các mỏ này chưa được xác định chính xác do phần lớn vẫn chưa được khai thác.

Một điểm gây tranh cãi khác là đề xuất của Mỹ không đề cập đến cách thức bảo vệ các mỏ khoáng sản trong trường hợp giao tranh nổ ra trong tương lai. Một quan chức cấp cao nhận định, phía Washington "chưa có câu trả lời rõ ràng" cho vấn đề này. Đây là một trong những bài toán cần sớm được giải quyết sau hội nghị an ninh Munich. Theo quan chức này, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải tuân thủ luật pháp Ukraine và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Bà Kseniiia Orynchak, nhà sáng lập Hiệp hội Công nghiệp Khai khoáng Quốc gia Ukraine, cho biết: “Theo Hiến pháp, đất đai thuộc về người Ukraine.” Bà Orynchak nhấn mạnh rằng một thỏa thuận chỉ có thể thực thi nếu được sự chấp thuận của công chúng.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Euronews, Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ly-do-ukraine-tu-choi-thoa-thuan-doi-dat-hiem-lay-vien-tro-cua-ong-trump-post1155183.vov
Zalo