Lý do Úc cắt giảm lãi suất sau hơn 4 năm duy trì
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vào ngày 18/2 đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau hơn bốn năm kể từ tháng 11/2020.
Lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sau hơn bốn năm
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vào ngày 18/2 đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau hơn bốn năm, chính thức tham gia cùng các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới trong chu kỳ nới lỏng chính sách, khi lạm phát giảm tạo điều kiện cho việc hạ lãi suất.
RBA đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 4,10%, đánh dấu lần nới lỏng đầu tiên kể từ tháng 11/2020, khi ngân hàng trung ương hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục để đối phó với nền kinh tế suy yếu trong đại dịch.

Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) vào ngày 18/2 đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau hơn bốn năm. Ảnh minh họa
"Mặc dù quyết định hôm nay ghi nhận những tiến triển tích cực trong việc kiểm soát lạm phát, chúng tôi vẫn thận trọng về khả năng nới lỏng chính sách tiếp theo", các thành viên Hội đồng RBA cho biết trong một tuyên bố mới đây.
Theo ông Abhijit Surya, chuyên gia kinh tế cấp cao khu vực APAC tại Capital Economics, tuyên bố này cho thấy ý định của ngân hàng trung ương trong việc duy trì việc "nới lỏng các biện pháp thắt chặt tiền tệ" một cách dần dần.
Do RBA vẫn giữ lập trường thận trọng, ông Surya dự báo chu kỳ nới lỏng hiện tại sẽ chỉ là "ngắn hạn", với hai lần cắt giảm lãi suất, đưa lãi suất tiền mặt cuối cùng xuống mức 3,60%.
Ngân hàng trung ương đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,35% kể từ tháng 11/2023, sau một chu kỳ tăng lãi suất kéo dài với 13 lần điều chỉnh nhằm kiềm chế lạm phát.
Quyết định cắt giảm lãi suất vào ngày 18/2 phù hợp với kỳ vọng của thị trường, với việc trái phiếu chính phủ tăng giá trong những tuần gần đây do dự đoán về việc hạ lãi suất. Lợi suất trái phiếu chính phủ Úc kỳ hạn 10 năm đã giảm gần 20 điểm cơ bản kể từ ngày 13/1 xuống còn 4,450% vào ngày 18/2, theo dữ liệu của LSEG.
RBA đã chậm hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác - những ngân hàng đã bắt đầu chu kỳ nới lỏng từ cuối năm ngoái.
Áp lực lạm phát giảm
Trong cuộc họp chính sách gần nhất vào tháng 12, Ngân hàng Trung ương cho biết họ ngày càng tin tưởng rằng lạm phát đang giảm và điều này có thể cho phép họ nới lỏng chính sách vào một thời điểm nào đó.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Úc cho thấy lạm phát trong 12 tháng tính đến quý 4 năm 2024 giảm xuống còn 2,4%, so với mức 2,8% trong 12 tháng tính đến quý 3. RBA đặt mục tiêu lạm phát trung hạn trong khoảng từ 2% đến 3%.
Áp lực lạm phát "đang giảm nhanh hơn một chút so với dự kiến", RBA cho biết vào ngày 18/2, đồng thời nhấn mạnh rằng họ ngày càng tin tưởng lạm phát đang tiến tới mức trung bình trong phạm vi mục tiêu một cách bền vững.
Một yếu tố kìm hãm tốc độ giảm của lãi suất tiền mặt là sự vững mạnh của thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp duy trì gần mức thấp lịch sử 4,0% vào tháng 12 năm ngoái.
Việc cắt giảm chi phí vay sẽ mang lại lợi thế cho chính phủ Công đảng khi chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử khó khăn trong năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo mùa của Úc chỉ tăng 0,3% trong quý 3 năm 2024, trong khi tăng trưởng hàng năm giảm xuống 0,8% từ mức 1,0% của quý trước, mức thấp nhất kể từ đại dịch.
"Có những bất ổn đáng kể về triển vọng hoạt động kinh tế trong nước và lạm phát. Tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình được dự báo sẽ cải thiện khi thu nhập tăng. Tuy nhiên, tiêu dùng có nguy cơ sự sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến", RBA cho biết trong tuyên bố vào ngày 18/2.
Vào ngày 18/2, đồng đô la Úc đã tăng nhẹ lên mức 0,6341 USD, trong khi chỉ số ASX 200 tiếp tục giảm, mất 0,54%.
Mai Hương
Theo CNBC