Lý do phim Hàn Quốc vắng mặt tại Liên hoan phim Cannes?

Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, phim Hàn Quốc vắng mặt tại Liên hoan phim Cannes năm nay.

Diễn viên Lee Jung-jae xuất hiện trong một cảnh quay ở Squid Game mùa 2 (2024). Ảnh: No Ju-han/Netflix.

Diễn viên Lee Jung-jae xuất hiện trong một cảnh quay ở Squid Game mùa 2 (2024). Ảnh: No Ju-han/Netflix.

Theo danh sách phim do Liên hoan phim Cannes công bố, diễn ra từ ngày 13 - 24.5, sẽ không có bộ phim Hàn Quốc nào được trình chiếu trong danh sách chính thức của liên hoan.

Một bộ phim hoạt hình ngắn của Hàn Quốc, Glasses, do Jung Yoo-mi đạo diễn, cũng chỉ được trình chiếu trong Tuần lễ phê bình, một sự kiện do Liên đoàn phê bình phim Pháp tổ chức diễn ra song song với liên hoan phim.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, không có phim Hàn Quốc nào được đưa vào danh sách chính thức. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp không có phim Hàn Quốc nào được trình chiếu tranh giải tại Cannes.

Phim Hàn Quốc đã được trình chiếu thường xuyên tại Cannes kể từ năm 1984, khi Mulleya Mulleya của đạo diễn Lee Doo-yong trở thành bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc được chọn tham dự liên hoan phim. Bộ phim đã nhận được sự công nhận và đánh giá cao tại French Riviera.

Năm 2022, với "Decision to Leave", Park Chan-wook đã được vinh danh là Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes.

Trong khi đó, Song Kang-ho được vinh danh là nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn trong Broker, một bộ phim Hàn Quốc do nhà làm phim người Nhật Hirokazu Koreeda đạo diễn.

Vào tháng 4 năm nay, phim Hàn Quốc cũng bị lu mờ tại Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông (Trung Quốc). Chỉ có hai phim, By the Stream và The Land of Morning Calm, được trình chiếu, so với 17 bộ phim Nhật Bản.

Những bộ phim có ý nghĩa và tạo nên sự khác biệt

Các nhà quan sát cho rằng đã đến lúc một thế hệ nhà làm phim Hàn Quốc mới cần thay đổi và tiến lên.

Theo Jason Bechervaise, phó Giáo sư tại Đại học Hanyang ở Seoul chuyên về ngành công nghiệp văn hóa và truyền thông Hàn Quốc, các bộ phim Hàn Quốc được chọn trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes chủ yếu là tác phẩm của các nhà làm phim nổi tiếng như Park, Lee Chang-dong và Bong Joon-ho.

Các nhà làm phim trẻ và mới nổi hiếm khi được mời tại liên hoan phim Cannes.

Theo ông Bechervaise, cá nhân tôi mong Ban Tổ chức Liên hoan phim Cannes sẽ nhìn xa hơn, ngoài những tác giả đã thành danh.

Tuy nhiên, điều đó cũng nhấn mạnh một vấn đề khác: nhu cầu của ngành công nghiệp phải hướng đến thế hệ nhà làm phim tiếp theo, trong đó các hãng phim nên trao nhiều cơ hội hơn cho các đạo diễn trẻ, tài năng để làm phim mới.

Kim Kyung-hyun, Giáo sư và là Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Đông Á tại Đại học California, Irvine, cho biết: “Nhóm nhà làm phim trẻ và khán giả muốn xem những bộ phim có ý nghĩa và tạo nên sự khác biệt”.

Sự phát triển của nền tảng trực tuyến

Sự phát triển của các nền tảng phát trực tuyến, đặc biệt là Netflix, đã thu hút nhiều đạo diễn sáng tạo các nội dung "chiều lòng" thị hiếu của khán giả trên khắp thế giới.

Chẳng hạn như, Đạo diễn Yeon Sang-ho, nổi tiếng nhất với bộ phim bom tấn thây ma năm 2016 Train to Busan và phần tiếp theo là Peninsula năm 2020, cả hai đều được chọn công chiếu tại Cannes; buổi chiếu của phần sau đã bị hủy vì đại dịch Covid-19.

Sau thời điểm đó, Yeon tiếp tục làm đạo diễn cho hai loạt phim truyền hình (Hellbound, Parasyte: The Grey) và hai phim điện ảnh (Jung_E, Revelations) - nhưng tất cả đều dành cho Netflix.

Nội dung văn hóa Hàn Quốc thường được xem nhiều nhất trong số các chương trình không phải tiếng Anh của Netflix vào năm 2023 và 2024.

Phần thứ hai của Squid Game đã đạt 87 triệu lượt xem trong sáu ngày đầu tiên phát trực tuyến vào cuối tháng 12 và là chương trình Netflix phổ biến nhất trong nửa cuối năm 2024.

"Hai ngã rẽ khác nhau"

“Trong những năm gần đây, các nhà sáng tạo đã cố gắng phát triển nội dung nhắm mục tiêu đến các nền tảng phát trực tuyến toàn cầu, bao gồm cả Netflix”, Jin Dal-yong, Giáo sư tại Khoa Truyền thông thuộc Đại học Simon Fraser ở Canada cho biết.

Theo Giáo sư Jin, các đạo diễn tại Hàn Quốc đã trở nên thành thạo tạo ra những bộ phim thuộc thể loại mà Netflix muốn, tập trung các chủ đề thây ma, phiêu lưu và khoa học viễn tưởng.

Trong khi đó, chủ đề những bộ phim giải quyết các vấn đề rộng hơn - bao gồm biến đổi khí hậu, chiến tranh và chính trị - và những câu chuyện về LGBTQ lại được các liên hoan phim như Cannes ưa chuộng.

"Khi những người sáng tạo cố gắng làm những bộ phim thể loại hướng đến mục tiêu thương mại, họ sẽ không thể tập trung vào những bộ phim truyền hình mang đậm chất lịch sử như những cuộc chiến tranh và nỗi đau của người dân", ông Jin nói.

Đằng sau những vinh quang mà các bộ phim truyền hình Hàn Quốc từng đón nhận trên trường quốc tế, ngành công nghiệp điện ảnh của nước này hiện cũng phải chịu cảnh thiếu đầu tư kể từ đại dịch Covid-19, một hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới.

Tháng trước, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc cho biết ngành công nghiệp điện ảnh đã không thu hồi được 16,4% số tiền đã đầu tư vào việc làm phim năm 2024.

“Nội dung văn hóa Hàn Quốc vẫn phổ biến trên toàn cầu qua các nền tảng phát trực tuyến. Và có lẽ đó là một cách xem phim mới. Ở xu hướng mới, xem phim ở rạp chiếu không còn là thói quen yêu thích của khán giả nữa”, ông Jin nhận định.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/ly-do-phim-han-quoc-vang-mat-tai-lien-hoan-phim-cannes-132728.html
Zalo