Lý do người tăng huyết áp phải đo chỉ số này mỗi ngày

Tăng huyết áp diễn tiến âm thầm nhưng biến chứng lại nguy hiểm tính mạng. Người mắc bệnh lý này phải theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên, uống thuốc đều đặn nhưng không phải ai cũng tuân thủ.

Stress dễ dẫn đến tăng huyết áp

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, thống kê trên thế giới cho thấy có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30-79 tuổi bị tăng huyết áp. Hầu hết người bệnh sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 46% người trưởng thành bị tăng huyết áp không biết rằng họ mắc bệnh.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), chia sẻ trước đây chỉ có khoảng 10% dân số mắc bệnh lý về huyết áp, còn hiện nay con số lên đến 50%. Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh bị tăng huyết áp như áp lực cuộc sống, căng thẳng, lối sống không phù hợp (thức khuya, ít vận động, ăn uống không lành mạnh)...

"Trong đó, stress vốn là kẻ thù của bệnh huyết áp. Người ta stress do áp lực của cuộc sống, công việc, kinh tế. Dù không thể hoàn toàn tránh được căng thẳng nhưng có thể thay đổi suy nghĩ, thích ứng với hoàn cảnh, điều tiết lại công việc, tăng vận động, giải trí...”, bác sĩ Quế nói.

Tuy nhiên, sau khi đã chẩn đoán bị tăng huyết áp, nhiều người có tâm lý lo sợ phải sống chung với bệnh và uống thuốc đến suốt đời. Bác sĩ Quế khuyên người bệnh nên suy nghĩ theo hướng tích cực hơn.

Áp lực cuộc sống, sinh hoạt không lành mạnh có thể dẫn đến bệnh lý huyết áp. Ảnh: GL.

Áp lực cuộc sống, sinh hoạt không lành mạnh có thể dẫn đến bệnh lý huyết áp. Ảnh: GL.

“Bạn cứ nghĩ uống 1 viên thuốc huyết áp giống như uống cà phê bỏ thêm viên đường, ăn phở cho thêm miếng chanh, ớt. Hiểu như vậy chúng ta sẽ không còn căng thẳng khi mắc bệnh”, ông nói.

Bác sĩ cũng khuyên người bệnh cần tránh hai tình huống: quá lo lắng về bệnh hoặc chủ quan không kiểm tra huyết áp. Một số bệnh nhân có thói quen đo huyết áp bất kỳ khi nào có dấu hiệu chóng mặt, nhức đầu, vui, buồn… nếu thấy huyết áp lúc lên lúc xuống lại càng lo hơn. Tuy nhiên, nếu huyết áp nằm trong giới hạn bình thường thì không đáng lo ngại.

Ở chiều ngược lại, nhiều người thích nghi và thấy bình thường dù huyết áp cao. Lúc này, người bệnh sẽ dễ gặp biến chứng như vỡ mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình động mạch… Vì thế, người bệnh cần duy trì thói quen đo huyết áp 2 lần/ngày, vào buổi sáng và tối, để kiểm tra quá trình uống thuốc có phù hợp hay không.

Theo dõi huyết áp thường xuyên để có chiến lược điều trị

Theo bác sĩ Đặng Minh Hùng, Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP.HCM), hiện nay, việc chẩn đoán tăng huyết áp chủ yếu vẫn dựa vào trị số đo huyết áp tại phòng khám. Tuy nhiên, người bệnh có xu hướng bị tăng huyết áp giả tạo khi đến bệnh viện hoặc tiếp xúc với nhân viên y tế (tăng huyết áp áo choàng trắng).

Bên cạnh đó, huyết áp ở mỗi người thay đổi và dao động trong ngày rất khác nhau. Có trường hợp huyết áp tăng vọt buổi sáng hoặc tăng cao vào buổi chiều. Việc đo huyết áp một thời điểm tại phòng khám sẽ không phát hiện được tình trạng này.

Một số ít trường hợp đo thấy huyết áp cao khi ở nhà nhưng đến viện lại có huyết áp bình thường, hoặc thấp (tăng huyết áp ẩn giấu). Vì thế, hạn chế của việc đo huyết áp tại phòng khám có thể dẫn đến chẩn đoán quá mức, hoặc bỏ sót chẩn đoán hoặc khó khăn trong đạt huyết áp mục tiêu.

Người bệnh tăng huyết áp phải duy trì dùng thuốc suốt đời. Ảnh: GL.

Người bệnh tăng huyết áp phải duy trì dùng thuốc suốt đời. Ảnh: GL.

Hiện có nhiều phương tiện được sử dụng để khắc phục các hạn chế trên, trong đó có thiết bị đo huyết áp lưu động 24 giờ. Thiết bị này được gắn trên người bệnh, tự động đo huyết áp theo những khoảng thời gian được cài đặt và lưu vào bộ nhớ.

Nhờ vậy, bác sĩ có thể biết được biểu đồ dao động huyết áp của người bệnh trong một ngày, có bằng chứng khách quan hơn khi so sánh với việc đo huyết áp tại phòng khám. Từ đó, giúp chẩn đoán chính xác và đưa ra được chiến lược điều trị, phân bổ liều thuốc hợp lý, nhanh chóng giúp người bệnh đạt được mức huyết áp mục tiêu.

Bác sĩ Hùng cho biết đa phần triệu chứng của tăng huyết áp rất mơ hồ. Nếu không điều trị trong một thời gian dài, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng như suy thận, tai biến, mù lòa, suy tim,…

Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới. Các chuyên gia khuyến cáo thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát tốt huyết áp, cụ thể như: thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ ăn ít muối; giảm cân; duy trì hoạt động thể chất phù hợp; không hút thuốc lá.

Linh Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-do-nguoi-tang-huyet-ap-phai-do-chi-so-nay-moi-ngay-2189301.html
Zalo