Lý do huyết áp tăng vọt mỗi lần đi khám

Hội chứng 'áo choàng trắng' xảy ra khi huyết áp tăng cao tại bệnh viện hoặc phòng khám do căng thẳng trước nhân viên y tế, nhưng lại bình thường khi đo tại nhà.

 Trước khi đo huyết áp, các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 10 phút. Ảnh: Freepik.

Trước khi đo huyết áp, các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 10 phút. Ảnh: Freepik.

Một số người thắc mắc mỗi lần đi khám tại bệnh viện, huyết áp đo được cao bất thường. Tuy nhiên, khi về nhà, huyết áp của họ lại hoàn toàn bình thường. Hiện tượng này là gì và làm thế nào để chẩn đoán chính xác tăng huyết áp?

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thông thường, trước khi đo huyết áp, các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất 10 phút. Quá trình trò chuyện hỏi bệnh cũng nhằm mục đích giúp người bệnh ổn định nhịp thở và trấn tĩnh sau quá trình di chuyển.

Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt cần theo dõi huyết áp ngoài môi trường bệnh viện để có chẩn đoán chính xác.

Theo PGS Hoài, nguyên nhân phổ biến gây nên vấn đề này là "tăng huyết áp áo choàng trắng". Hội chứng này xảy ra khi huyết áp tăng cao tại bệnh viện hoặc phòng khám do căng thẳng trước nhân viên y tế. Nhưng người bệnh lại bình thường khi đo tại nhà hoặc bằng các thiết bị theo dõi tự động.

Ngược lại, có những trường hợp "tăng huyết áp ẩn giấu", tức là người bệnh thực sự bị tăng huyết áp (thậm chí đã có tổn thương cơ quan đích) nhưng khi đo tại phòng khám lại cho kết quả bình thường.

Để chẩn đoán chính xác trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tự đo huyết áp tại nhà hoặc đeo thiết bị Holter huyết áp 24 giờ để theo dõi liên tục. Ngoài ra, một số mặt bệnh cũng có chỉ định theo dõi huyết áp liên tục liên quan đến điều trị, theo dõi điều trị như:

Hạ Huyết áp tư thế hoặc sau ăn ở bệnh nhân được điều trị hoặc không.
Đánh giá hiệu quả điều trị ở bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị.
Theo dõi mức độ kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân có nguy cơ cao.
Đánh giá phản ứng huyết áp quá mức khi gắng sức hoặc thay đổi lớn tại phòng khám.
Xác định tụt huyết áp liên quan đến điều trị.
Đánh giá huyết áp ban đêm và tình trạng "trũng" huyết áp - đặc biệt ở các bệnh nhân nghi ngờ có hội chứng ngưng thở khi ngủ, suy thận mạn, đái tháo đường...

Như vậy, để không bỏ sót hoặc chẩn đoán sai, việc theo dõi huyết áp đúng cách, cả trong và ngoài bệnh viện, đóng vai trò rất quan trọng.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ly-do-huyet-ap-tang-vot-moi-lan-di-kham-post1549534.html
Zalo