Lý do giá vàng thế giới tăng rất mạnh
Giá vàng đang tăng kỷ lục do giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tuần tới, sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Chốt phiên giao dịch ngày 12/9, giá vàng tăng mạnh lên đến 1,9% và đạt mức cao kỷ lục là 2.567,93 USD. Ở phiên giao dịch đầu ngày, giá vàng được ghi nhận mức tăng 1,7%, chốt giá 2.554,05 USD/ounce. Vàng tương lai của Mỹ tăng lên 1,5%, chốt giá 2.580,6 USD.
Giá sản xuất tại Mỹ tăng nhẹ hơn dự kiến vào tháng 8 trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng. Xu hướng này phù hợp với tình hình lạm phát đang giảm.
Alex Ebkarian - Giám đốc điều hành tại Allegiance Gold - cho biết: "Chúng ta đang hướng tới môi trường lãi suất thấp hơn nên vàng đang trở nên hấp dẫn hơn. Tôi nghĩ nước Mỹ có thể có nhiều đợt cắt giảm thường xuyên hơn thay vì cắt giảm với quy mô lớn hơn".
Công cụ FedWatch của CME cho thấy thị trường hiện đang định giá 73% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17-18/9 và 27% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Vàng thỏi không lợi suất có xu hướng là khoản đầu tư được ưa chuộng trong bối cảnh lãi suất thấp
Phillip Streible - chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures - cho biết: "Thị trường lao động tiếp tục suy yếu. Hành trình cắt giảm lãi suất kéo dài trong một thời gian nếu thị trường lao động ngày càng xấu".
Về giá kim loại khác, palladium tăng 4,1% lên 1.050 USD/ounce, đạt mức cao nhất trong hơn hai tháng. Giá bạc giao ngay tăng 3,7% lên 29,76 USD và giá bạch kim tăng 3% lên 979,62 USD, đạt mức cao nhất trong gần hai tháng.
Ở thị trường nhiên liệu, giá dầu thô Brent tương lai tăng 34 cent, tương đương 0,5%, lên 72,31 USD/thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate tương lai của Mỹ tăng 38 cent, tương đương 0,6%, lên 69,35 USD/thùng. Giá dầu tăng vào thứ Sáu, kéo dài đợt tăng giá do sản lượng ở Vịnh Mexico, Mỹ bị gián đoạn. Nơi đây đang chịu ảnh hưởng của bão Francine, buộc các nhà sản xuất phải sơ tán các giàn khoan trước khi bão đổ bộ vào bờ biển Louisiana.