Lý do các nước chạy đua phát triển taxi điện bay

Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang chạy đua để đưa taxi điện bay thành phương tiện giao thông phổ biến, điều này hứa hẹn sẽ thay đổi tương lai của ngành hàng không thế giới mặc dù còn nhiều thách thức.

Tương lai sáng của ngành taxi điện bay

Theo AP, taxi điện bay (eVTOL) là loại máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng bằng điện, nó có thể bay với tốc độ lên đến 200 dặm (322 km) một giờ, với phạm vi khoảng 100 dặm (161 km). Suốt quá trình vận hành, những chiếc eVTOL không gây ra tiếng ồn quá mức như trực thăng chạy bằng nhiên liệu và máy bay nhỏ.

“Chúng tôi muốn biến những chuyến đi hiện tại kéo dài một, hai giờ thành những chuyến đi chỉ mất 5 phút bằng eVTOL ”, JoeBen Bevirt - CEO Joby Aviation - công ty khởi nghiệp chuyên sản xuất taxi bay điện có trụ sở tại California (Mỹ) nói với AP.

JoeBen Bevirt và mẫu taxi điện bay của Joby Aviation. Ảnh: AP.

JoeBen Bevirt và mẫu taxi điện bay của Joby Aviation. Ảnh: AP.

Ngoài Joby Aviation, Wisk Aero - công ty chế tạo taxi bay chạy điện của “gã khổng lồ” Boeing và Larry Page (người đồng sáng lập Google) - cũng đang đi đầu trong cuộc đua đưa taxi bay ra thị trường Mỹ. Archer Aviation - công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon Mỹ - được hãng sản xuất ô tô Stellantis và United Airlines hậu thuẫn đã thử nghiệm thành công eTVOL của riêng mình.

Đặc biệt, sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) công bố quy định mới đối với loại máy bay cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng "powered-lift" vào ngày 22/10/2024, ngành taxi bay đã chính thức được mở lối để hoạt động trên bầu trời.

Hiện tại, Joby Aviation đã hợp tác với Hãng hàng không Delta Air Lines để kết nối taxi bay với hành khách (theo thỏa thuận năm 2022). Công ty này cũng hé lộ kế hoạch giới thiệu dịch vụ chở khách thương mại bằng eVTOL đầu tiên trong năm nay, thông qua thỏa thuận độc quyền kéo dài 6 năm với Cơ quan Đường bộ và Giao thông Dubai để triển khai eVTOL tại UAE vào năm 2026.

Nhiều hãng hàng không của Mỹ đã ký thỏa thuận mua taxi điện bay để chở khách đến sân bay. Ảnh: AP.

Nhiều hãng hàng không của Mỹ đã ký thỏa thuận mua taxi điện bay để chở khách đến sân bay. Ảnh: AP.

Theo tính toán của Joby Aviation, nhờ việc tốc độ bay của eVTOL không bị cản trở, nên nó có thể vận chuyển tối đa 4 hành khách của Hãng hàng không Delta Air Lines cùng một lúc, từ các sân bay ở khu vực New York đến Manhattan trong khoảng 10 phút hoặc ít hơn.

Archer Aviation đã đạt được thỏa thuận bán 200 taxi bay của mình cho Hãng hàng không United Airlines, trị giá của đơn hàng này có thể lên tới 1 tỷ USD, chưa bao gồm các tùy chọn nâng cấp.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng đang nỗ lực biến taxi bay thành hiện thực. Minh chứng là hồi tháng 6/2024, Taiyuan Xishan - công ty đầu tư du lịch sinh thái đã đặt hàng mua 50 máy bay không người lái EH216-S với giá 113 triệu tệ (gần 16 triệu USD) để chở du khách từ nhà sản xuất eVTOL tên Ehang. Taiyuan Xishan cũng ký thêm thỏa thuận đặt mua 450 taxi bay trong vòng hai năm tiếp theo, để thúc đẩy du lịch và các ngành công nghiệp liên quan.

Còn không ít khó khăn

AP nhận định, vẫn còn không ít rào cản về mặt pháp lý liên quan đến eVTOL, trước khi phương tiện này được phép chở khách tại Mỹ. Do đó, nhiều khả năng Dubai sẽ trở thành nơi đầu tiên trên thế giới mà eVTOL thực hiện chuyến bay thương mại vào cuối năm nay.

“Đây là công việc khó khăn để phát triển một loại phương tiện hoàn toàn mới như eVTOL”, Adam Lim - Giám đốc của Alton Aviation, công ty theo dõi sự phát triển của ngành taxi bay - cho biết. Lim cũng nói thêm rằng, hành trình đưa taxi bay lên bầu trời giống như quá trình bò, đi, chạy của con người và hiện tại ngành này đang ở mức bò và 2 - 3 năm tới sẽ đi, rồi đến chạy.

Hành trình đưa taxi bay lên bầu trời còn nhiều khó khăn. Ảnh: AP.

Hành trình đưa taxi bay lên bầu trời còn nhiều khó khăn. Ảnh: AP.

Giá taxi bay chắc chắn sẽ cao hơn đáng kể so với chi phí đi taxi sân bay bình thường. Sự khác biệt ở đây là eVTOL có thể vận chuyển số lượng hành khách nhiều hơn, và nhanh hơn rất nhiều so với các phương tiện mặt đất hay bị kẹt xe khi đi theo cả hai chiều.

Được biết, cả Joby Aviation và Archer Aviation đều đã lên sàn chứng khoán Mỹ từ năm 2021, thông qua thỏa thuận sáp nhập. Điều này giúp các công ty có thêm nguồn huy động vốn và thu hút nhân tài công nghệ.

Tuy nhiên, không có thỏa thuận hay tiến bộ công nghệ nào ngăn chặn được tình trạng thua lỗ chồng chất tại các công ty chế tạo eVTOL. Minh chứng là kể từ khi thành lập năm 2009 đến nay, Joby Aviation đã chịu khoản lỗ 1,6 tỷ USD; còn Archer "tích lũy" khoản lỗ gần 1,5 tỷ USD kể từ khi ra đời năm 2018. Điều này khiến hai công ty được định giá khá thấp trên thị trường công nghệ, trong đó Joby ở mức khoảng 7 tỷ USD và Archer là 6 tỷ USD. Do đó, cả hai công ty đều đang cố gắng tạo ra doanh thu bằng cách mời gọi quân đội Mỹ mua eTVOL, để giao hàng và thực hiện các nhiệm vụ tầm ngắn.

Taxi bay là giải pháp thay thế cho máy bay phản lực đốt nhiên liệu hóa thạch chở khách. Ảnh: AP.

Taxi bay là giải pháp thay thế cho máy bay phản lực đốt nhiên liệu hóa thạch chở khách. Ảnh: AP.

CEO của Joby là Bevirt vẫn tin tưởng rằng eVTOL sẽ thay đổi cách thế giới di chuyển, bởi việc ngắm nhìn thế giới từ trên không sẽ tuyệt hơn là ngồi trong những chiếc xe bị tắc đường.

“Bạn sẽ thấy những xa lộ trên bầu trời,” Adam Goldstein - Tổng Giám đốc điều hành Archer Aviation - nói và bày tỏ tham vọng sẽ có hàng trăm, hàng nghìn eVTOL ở nhiều thành phố, eVTOL sẽ thay đổi quy hoạch các thành phố.

Nhiều chuyên gia cũng tin rằng eVTOL là giải pháp thay thế cho máy bay phản lực đốt nhiên liệu hóa thạch để chở khách.

Lộc Liên

Theo CNN, AP, FAA

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ly-do-cac-nuoc-chay-dua-phat-trien-taxi-dien-bay-post1707848.tpo
Zalo