Lý do bất ngờ khiến ông Trump đột ngột tuyên bố thắng Houthi

Theo New York Times, lời tuyên bố chiến thắng được Tổng thống Donald Trump đưa ra trong bối cảnh Houthi vẫn đang đe dọa tàu chiến và bắn hạ nhiều máy bay không người lái của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ khi tuyên bố chiến thắng Houthi vào tuần trước. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ khi tuyên bố chiến thắng Houthi vào tuần trước. (Nguồn: AFP)

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận thông qua chiến dịch quân sự, với mục tiêu khai thông lại hoạt động vận tải trên Biển Đỏ, bằng cách không kích nhằm khuất phục nhóm phiến quân Houthi ở Yemen, ông muốn thấy kết quả tới trong vòng 30 ngày. Mốc thời gian này tính từ thời điểm diễn ra cuộc không kích đầu tiên, đã bắt đầu cách nay 2 tháng.

Ông Trump hết kiên nhẫn

Theo nguồn tin từ các quan chức chính quyền giấu tên gửi cho tờ New York Times, đến ngày 31 của chiến dịch, ông Trump đã yêu cầu đệ trình báo cáo tiến độ.

Nhưng kết quả vẫn chưa có. Mỹ thậm chí còn chưa thiết lập được ưu thế trên không so với Houthi. Thay vào đó, những gì hiện ra sau chiến dịch dài 30 ngày chống lại Houthi là một cuộc giao tranh quân sự mới, tốn kém, nhưng không có kết quả, của Mỹ trong khu vực.

Lính Houthi đã bắn hạ một số máy bay không người lái vũ trang MQ-9 Reaper của Mỹ và thậm chí bắn vào các tàu hải quân Mỹ ở Biển Đỏ, bao gồm cả một tàu sân bay. Chưa hết, các cuộc không kích đã khiến Mỹ phải "đốt" khá nhiều bom đạn.

Tình hình càng tồi tệ hơn khi 2 chiếc máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet, có trị giá 67 triệu USD mỗi chiếc, đã bị rơi khỏi một tàu sân bay Mỹ đang tham gia hoạt động chống Houthi. Một chiếc trong đó bị rơi, khi tàu sân bay cơ động tránh đòn tấn công của Houthi.

Với ông Trump, có vẻ thiệt hại như thế là đã quá đủ.

New York Times cho biết ông Steve Witkoff, Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ - người đang tham gia các cuộc đàm phàn hạt nhân với Iran do Oman làm trung gian - thông báo rằng các quan chức Oman đã gợi ý "một bước ngoặt hoàn hảo" cho ông Trump về vấn đề Houthi. Theo đó, Mỹ dừng chiến dịch không kích để đổi lại việc Houthi không tấn công các tàu của Mỹ ở Biển Đỏ nữa. Tuy nhiên, hai bên không có thỏa thuận với nhau về việc ngăn chặn các con tàu mà Houthi xem là đang giúp ích cho Israel.

Theo New York Times, giới chức Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đã nhận được mệnh lệnh khẩn từ Nhà Trắng vào ngày 5/5, với nội dung "tạm dừng" các hoạt động tấn công. Và khi tuyên bố chấm dứt các hoạt động thù địch chống Houthi, Tổng thống Trump đã thể hiện thái độ giống như như ngưỡng mộ, dù trước đó đã thề "tiêu diệt hoàn toàn" nhóm này.

"Chúng tôi đã tấn công họ (Houthi) rất mạnh và họ thể hiện khả năng chịu đựng sự trừng phạt rất tốt", ông Trump nói. "Có thể nói rằng họ rất dũng cảm". Trump cho biết thêm rằng Houthi "hứa hẹn sẽ không bắn vào các con tàu nữa và chúng tôi tôn trọng điều đó".

Thông tin Trump đưa ra có đúng hay không là điều chúng ta vẫn còn phải chờ thêm. Cần nhớ rằng trong ngày thứ Sáu tuần trước, Houthi đã bắn một tên lửa đạn đạo vào Israel, dù nó bị đánh chặn.

New York Times nhận định tuyên bố chiến thắng đột ngột của ông Trump trước Houthi cho thấy một số thành viên trong nhóm an ninh quốc gia của ông đã đánh giá thấp nhóm này, vốn nổi tiếng về khả năng phục hồi.

Theo một số quan chức trong cuộc, Tướng Michael E. Kurilla, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm, đã chủ trương triển khai một chiến dịch quân sự mạnh mẽ. Quan điểm của ông ban đầu nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ. Tuy nhiên trong suốt chiến dịch không kích, Houthi đã kiên cường kháng cự và còn gia cố thêm các hầm ngầm, các kho vũ khí của họ.

 Lực lượng Houthi tại Sanaa, Yemen ngày 21/9/2024. (Nguồn: THX/TTXVN)

Lực lượng Houthi tại Sanaa, Yemen ngày 21/9/2024. (Nguồn: THX/TTXVN)

Điều đáng chú ý là thành viên nhóm an ninh dưới Trump còn đánh giá sai về khả năng chịu đựng xung đột quân sự của ông tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Trump sẽ đến thăm khu vực trong tuần này, với các điểm dừng chân bao gồm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Cũng cần lưu ý rằng ông Trump chưa từng dính líu vào các cuộc xung đột quân sự kéo dài ở Trung Đông và đã cố đưa quân đội Mỹ đóng ở Syria, Afghanistan và Iraq về nước trong nhiệm kỳ đầu.

Thêm nữa, tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân của Trump, Tướng Dan Caine, lo ngại rằng một chiến dịch kéo dài chống lại Houthi sẽ rút cạn nguồn lực quân sự khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Người tiền nhiệm của ông, Tướng Charles Q. Brown Jr., chia sẻ cùng quan điểm. Tuy nhiên ông đã bị sa thải hồi tháng 2 năm nay.

Qua tiếp xúc với giới chức có liên quan, New York Times biết rằng đến ngày 5/5, ông Trump đã sẵn sàng để dẹp vấn đề Houthi sang một bên. "Chúng tôi tôn trọng cam kết và tuyên bố của họ", ông Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng Houthi tại Nhà Trắng vào ngày 7/5.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Anna Kelly cho New York Times biết rằng "Tổng thống Trump đã thành công trong việc thực hiện lệnh ngừng bắn", đánh giá đây là một thỏa thuận tốt cho Mỹ và an ninh Mỹ. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell thì cho biết chiến dịch quân sự của Mỹ luôn được dự tính chỉ nằm ở mức "hạn chế".

Một chiến dịch tốn kém

Tướng Kurilla đã muốn đưa Houthi vào tầm ngắm kể từ tháng 11/2023, khi nhóm bắt đầu tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ như cách thức trả đũa Israel vì tấn công Dải Gaza. Nhưng khi ấy Tổng thống Joseph Biden cho rằng việc giao chiến với Houthi trong một chiến dịch quân sự lớn sẽ chỉ giúp nâng cao vị thế của nhóm phiến quân trên trường quốc tế. Thay vào đó, ông chỉ cho phép tiến hành các cuộc tấn công hạn chế vào nhóm. Dĩ nhiên, những đòn tấn công của Mỹ không thể ngăn chặn được Houthi.

Nhưng giờ Kurilla đã có một vị Tổng tư lệnh mới. Vì thế, ông đề xuất một chiến dịch quân sự kéo dài từ 8 đến 10 tháng, trong đó các máy bay chiến đấu của Không quân và Hải quân Mỹ sẽ phá hủy các hệ thống phòng không của Houthi. Ngoài ra, binh lính Mỹ sẽ tiến hành các vụ ám sát có mục tiêu, theo mô hình chiến dịch quân sự gần đây mà Israel thực hiện chống lại Hezbollah. Các thông tin này do New York Times thu thập từ giới chức Mỹ trong cuộc.

Các quan chức Saudi Arabia ủng hộ kế hoạch của Tướng Kurilla và cung cấp danh sách mục tiêu gồm 12 thủ lĩnh cấp cao của Houthi, được đánh giá có thể khiến nhóm tê liệt hoạt động nếu họ bị giết. Nhưng UAE thì không có cùng quan điểm, đánh giá Houthi đã có nhiều năm chịu đựng cảnh bị quân đội Saudi và UAE không kích.

Đầu tháng 3 năm nay, Trump đã ký phê duyệt một phần kế hoạch của Tướng Kurilla, cho phép không kích vào hệ thống phòng không của Houthi và một số thủ lĩnh của nhóm. Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đặt tên cho chiến dịch này là Rough Rider.

Vào một thời điểm nào đó, chiến dịch vốn được lên kế hoạch kéo dài từ 8 đến 10 tháng của Tướng Kurilla chỉ được cho có 30 ngày để thể hiện kết quả. Và trong 30 ngày đó, Houthi đã bắn hạ 7 máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ, với mỗi chiếc trị giá khoảng 30 triệu USD.

 Lực lượng Houthi tại Yemen phóng tên lửa về phía Israel. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Lực lượng Houthi tại Yemen phóng tên lửa về phía Israel. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Việc mất nhiều UAV cản trở khả năng của Bộ Tư lệnh Trung tâm trong việc theo dõi và tấn công nhóm Houthi. Một số máy bay F-16 và một máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ thậm chí còn bị hệ thống phòng không của Houthi suýt tấn công, khiến khả năng thương vong của người Mỹ trở nên hiện hữu.

Và thiệt hại đã trở thành hiện thực khi hai phi công và một thành viên trên tàu sân bay bị thương trong hai vụ rơi máy bay F/A-18 Super Hornet xuống Biển Đỏ.

Theo Lầu Năm Góc, các cuộc không kích của Mỹ đã tấn công hơn 1.000 mục tiêu, bao gồm nhiều cơ sở chỉ huy và kiểm soát, hệ thống phòng không, cơ sở sản xuất vũ khí tiên tiến và các địa điểm lưu trữ vũ khí. Ngoài ra, quân đội cho biết hơn một chục thủ lĩnh cấp cao của Houthi đã bị giết.

Nhưng chi phí của chiến dịch này rất lớn. Lầu Năm Góc đã triển khai 2 tàu sân bay, máy bay ném bom B-2 và nhiều máy bay chiến đấu, cũng như đưa các hệ thống phòng không Patriot và THAAD đến Trung Đông, Chỉ trong 30 ngày, chi phí đã vượt quá con số 1 tỷ USD.

Rất nhiều vũ khí chính xác đã được sử dụng, đặc biệt là các loại vũ khí tầm xa tiên tiến, khiến một số nhà lập kế hoạch dự phòng của Lầu Năm Góc lo ngại về tổng lượng vũ khí dự trữ và những tác động nó gây ra với khả năng ứng phó tình huống khẩn cấp về an ninh.

Điều đáng nói là trong suốt quá trình Mỹ triển khai không kích, Houthi vẫn tự do khai hỏa vào tàu thuyền và máy bay không người lái hoạt động trong khu vực. Lực lượng này cũng củng cố, bảo vệ tốt lực lượng trước đòn tấn công của Mỹ.

Nhà Trắng bắt đầu gây sức ép với Bộ Tư lệnh Trung tâm để có số liệu đánh giá thành công trong chiến dịch. Bộ Tư lệnh phản hồi bằng cách cung cấp dữ liệu cho thấy số lượng đạn dược được sử dụng. Cộng đồng tình báo đánh giá năng lực của Houthi có "giảm sút đôi chút" sau chiến dịch, nhưng đánh giá nhóm này có thể dễ dàng phục hồi.

Với tình hình như vậy, tuyên bố chiến thắng của ông Trump giúp giải quyết vấn đề kéo dài một chiếc dịch quân sự tốn kém. Về phần mình, giới lãnh đạo Houthi và những người ủng hộ lực lượng này cũng nhanh chóng tuyên bố chiến thắng, với việc lan truyền một hashtag trên mạng xã hội có nội dung "Yemen đã đánh bại nước Mỹ"./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ly-do-bat-ngo-khien-ong-trump-dot-ngot-tuyen-bo-thang-houthi-post1038228.vnp
Zalo