Lưu trữ tư liệu sáng tác:Đừng 'để mai tính!'
Ngày 10-4-2025, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức ghi danh 'Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân' vào Danh mục Ký ức Thế giới.
Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của cá nhân Việt Nam được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Sự kiện không chỉ là mốc son vinh danh nhạc sĩ Hoàng Vân, mà còn gợi mở vấn đề rộng hơn: Chúng ta đang bảo tồn các tư liệu sáng tác nghệ thuật ra sao?

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được công bố trên nền tảng đa ngôn ngữ https://hoangvan.org.
Lưu giữ sáng tác: Chưa được chú trọng
Bộ sưu tập được công nhận kể trên gồm hơn 700 tác phẩm do nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác từ năm 1951 đến 2010, với nhiều thể loại: Ca khúc, giao hưởng, hành khúc, hòa tấu, nhạc phim... Bên cạnh đó là hơn 1.000 hạng mục phụ trợ: Bản thảo tay, bản thu thanh, bài báo, phim tài liệu, thư tay, ảnh tư liệu... Toàn bộ tư liệu đã được số hóa, biên mục và công bố trên nền tảng đa ngôn ngữ https://hoangvan.org.
Theo đánh giá của UNESCO, bộ sưu tập đạt đủ các tiêu chí ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới: Tính xác thực, tính toàn vẹn, giá trị phổ quát nổi bật và tính khả dụng. Tác phẩm của Hoàng Vân là tấm gương soi chiếu lịch sử Việt Nam được biểu đạt qua ngôn ngữ âm nhạc. Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Trên thực tế, rất ít nghệ sĩ tại Việt Nam để lại được một bộ tư liệu đầy đủ và có hệ thống như Hoàng Vân. Nhiều bản thảo tay của Trịnh Công Sơn đã thất tán, phần lớn được sưu tầm rời rạc từ nhà sưu tập tư nhân. Kho nhạc của nhạc sĩ Văn Cao cũng bị phân tán, phần còn lại chủ yếu do gia đình tự giữ...
Trong lĩnh vực văn học, hiện tượng thất lạc bản thảo gốc cũng diễn ra phổ biến. Nhà thơ Xuân Diệu từng có hàng chục tập bản thảo viết tay, nhưng phần lớn đã không còn. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ: “Bản thảo có khi cũng giống như những cổ vật, có ý nghĩa đối với việc khảo cứu. Tuy nhiên, không phải bản thảo nào cũng có giá trị và việc xác định giá trị của bản thảo đến đâu còn tùy thuộc vào các nhà nghiên cứu. Nhưng ít nhất, nó cũng thể hiện được cá tính, công phu lao động và những thói quen cá nhân của nhà văn. Đến nay, nhiều bản thảo của tôi đã lưu lạc khắp nơi, nằm rải rác trong những bộ sưu tập cá nhân”...
Trong mỹ thuật, nhiều bản thiết kế triển lãm, ký họa chiến trường, nhật ký vẽ của các họa sĩ thời chiến cũng đã bị thất lạc, hoặc chưa có nơi lưu giữ lâu dài, có điều kiện bảo quản tốt...
Việc chưa chú trọng lưu giữ tài liệu sáng tác của các nghệ sĩ có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu đến từ việc bản thân nghệ sĩ thường không hình dung trước giá trị lưu trữ tư liệu cá nhân. Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng chia sẻ: “Tôi cứ viết, rồi cất đâu đó, không nghĩ sau này người ta cần”. Nhà văn Nguyễn Việt Hà cũng từng cho biết: “Tôi không có ý thức giữ gìn bản thảo, thậm chí khi viết ra một điều gì đó không ưng ý, tôi thường đốt đi”...
Bên cạnh đó, việc lưu trữ, bảo quản và số hóa đòi hỏi chi phí và kỹ năng chuyên môn - điều mà cá nhân nghệ sĩ khó đảm bảo nếu không có sự hỗ trợ từ các thiết chế văn hóa cũng như các chính sách khuyến khích, bảo trợ hay đồng hành với nghệ sĩ trong việc lưu giữ sáng tác.
Nâng cao ý thức giữ gìn di sản
Tại nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Mỹ hay Nhật Bản, việc lưu trữ sáng tác cá nhân có thể do thư viện quốc gia tiếp nhận lưu trữ, hoặc do quỹ di sản nghệ thuật tư nhân quản lý. Các nghệ sĩ hoặc gia đình thường chủ động ký gửi tư liệu, hoặc tự số hóa và công bố trực tuyến.
Tại Việt Nam, hiện nay gia đình các tác gia nổi tiếng cũng đã có ý thức hơn trong việc lưu giữ di sản cha ông, nhiều gia đình đã gửi tài liệu tới Trung tâm Lưu trữ quốc gia để được lưu trữ tốt nhất. Chẳng hạn như gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước (tên thật là Nguyễn Văn Chước, 1915 - 1992) cũng đã hiến tặng toàn bộ di sản trong cuộc đời sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả Quốc huy Việt Nam, cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III để lưu trữ lâu dài. Bà Nguyễn Thị Minh Thủy, con gái họa sĩ Bùi Trang Chước cho biết: “Qua thực tế, gia đình tôi thấy được vai trò quan trọng, cần thiết và cấp bách của công tác lưu trữ, càng nhận rõ trách nhiệm của gia đình trong việc tiếp tục bảo quản, phát huy những tài liệu lưu trữ quý giá của cha tôi về biểu tượng dân tộc và các tác phẩm hội họa. Gia đình tôi tin chắc rằng, những tài liệu nếu được đưa vào bảo quản một cách chuyên nghiệp tại cơ quan lưu trữ của Nhà nước sẽ an toàn, đảm bảo về tình trạng vật lý và thông tin tài liệu hơn bao giờ hết”.
Khởi xướng từ năm 2008, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam cũng đã làm việc với gần 7.000 nhà khoa học và sưu tầm, lưu trữ gần 1 triệu tài liệu hiện vật cùng hàng trăm ngàn phút ghi âm, ghi hình ký ức câu chuyện của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ ở các lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau... Điều này cho thấy ý thức giữ gìn di sản cá nhân của các văn nghệ sĩ, nhà khoa học cũng dần được nâng cao.
Việc bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân được ghi danh Di sản Tư liệu Thế giới là niềm tự hào, đồng thời cũng là lời nhắc nhở đối với công tác lưu trữ nghệ thuật ở Việt Nam. Di sản sáng tác, dù cá nhân, vẫn là một phần của ký ức dân tộc cần được lưu giữ.