Lưu giữ văn hóa Thủ đô qua từng trang sách

Với tình yêu sâu sắc dành cho Thủ đô, nhà báo - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến được ví như một 'sử nhân' miệt mài ghi lại những giá trị văn hóa và lịch sử của TP Hà Nội.

9 đầu sách về Hà Nội

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thấm đẫm trong mình một tình yêu dành cho TP nghìn năm văn hiến. Khởi đầu với vai trò phóng viên của báo Hànôịmới, ông đã có cơ hội tham gia vào nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật và gặp gỡ những nhân vật đặc biệt của Thủ đô. Từ những trải nghiệm này, ông dần nhận ra Hà Nội có một chiều sâu văn hóa, một vẻ đẹp cần được ghi lại để lưu truyền cho hậu thế.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: NVCC

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: NVCC

Coi công việc báo chí của mình là cầu nối giúp ông tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về TP thân thuộc, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: “Làm báo ở Hà Nội, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội quý giá để làm giàu thêm vốn hiểu biết về bản sắc và lịch sử của TP này”. Trong quá trình đó, ông cũng nhận ra Hà Nội còn nhiều khía cạnh, khoảng trống chưa được khai thác, đặc biệt là văn hóa và đời sống thị dân - những câu chuyện đời thường, bình dị nhưng ẩn chứa giá trị văn hóa cốt lõi. Chính điều này đã khơi nguồn cảm hứng để ông cống hiến cho văn chương.

Một số tác phẩm viết về Hà Nội của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.

Một số tác phẩm viết về Hà Nội của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.

Năm 2008, “5678 bước chân quanh Hồ Gươm” - cuốn sách khảo cứu về Hà Nội đầu tay của ông ra mắt, nhanh chóng được độc giả yêu thích và trở thành "hướng dẫn viên" dẫn lối cho người đọc khám phá những câu chuyện quanh Hồ Gươm qua từng góc nhỏ, từng mẩu ký ức. Thành công của cuốn sách này là bước đệm để Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục ra mắt các tác phẩm khác như “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”...

Tính đến nay, ông đã cho ra mắt 9 đầu sách viết về Hà Nội, mỗi tác phẩm như một chiếc kính lúp soi rọi sâu vào đời sống của người dân Thủ đô, khẳng định tên tuổi của ông trong lòng độc giả và cộng đồng yêu văn chương.

Phong cách “khảo cứu ghi chép” độc đáo

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, lối viết của ông là “khảo cứu ghi chép”, một phong cách kết hợp giữa nghiên cứu nghiêm túc và ghi chép sinh động.

Ông tỉ mỉ thu thập tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, từ tư liệu chữ Hán, chữ Nôm cho đến sách báo phương Tây về Hà Nội từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX, nửa đầu thế kỷ XX và cả những câu chuyện truyền miệng của người dân địa phương. Để đảm bảo tính xác thực, ông thường xuyên đi khảo sát thực địa, đối chiếu tài liệu và những gì đã nghiên cứu được với thực tế. Cũng vì lẽ đó, các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ cuốn hút độc giả phổ thông mà còn trở thành nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho các luận văn, luận án và công trình nghiên cứu học thuật, với giá trị bền vững theo thời gian.

Trong con mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội là kho báu văn hóa chưa từng cạn kiệt, nơi lưu giữ những dấu ấn sâu đậm của lịch sử và con người qua nhiều thế kỷ. Đối với ông, Hà Nội không chỉ có lịch sử về chiến tranh, kháng chiến mà còn là những mảnh ký ức của đời sống thị dân như âm thanh của đĩa than, chiếc xe máy đầu tiên lăn bánh trên phố, những kỷ niệm thân thương của người dân qua từng thăng trầm lịch sử... Đây là lý do khiến ông không ngừng tìm tòi, khám phá, để mỗi cuốn sách viết ra đều là một lát cắt chân thực và sống động về Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng nhấn mạnh rằng văn hóa không phải là một giá trị bất biến mà nó luôn biến đổi trên một nền tảng cốt lõi. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: “Văn hóa Hà Nội luôn thay đổi nhưng thực chất vẫn dựa trên gốc cũ, vẫn giữ được nét thanh lịch và tử tế”. Ông nhận định, người Hà Nội vốn sống ở kinh đô, Thủ đô nên có một lối sống khác biệt với người dân ở các vùng quê, từ đó hình thành một cung cách ứng xử và văn hóa riêng biệt.

Dẫu không xã hội nào hoàn hảo, Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng khi đánh giá Hà Nội, chúng ta cần nhìn vào những giá trị thanh lịch, văn minh bao trùm, thay vì nhấn vào những nét cá biệt. Chỉ khi đó mới có thể cảm nhận được chiều sâu văn hóa và khí chất của người Thủ đô – sành sỏi, can trường, khoáng đạt, cung cách ứng xử ý nhị, tế vi, thanh lịch và tao nhã.

Như một “sử nhân” thầm lặng, Nguyễn Ngọc Tiến đã, đang và sẽ tiếp tục âm thầm thực hiện sứ mệnh lưu giữ hồn cốt của Thủ đô. Ông luôn mong muốn những giá trị văn hóa quý báu ấy sẽ không chỉ được ghi lại mà còn đọng mãi trong trái tim của mọi thế hệ người yêu Hà Nội.

Cẩm Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luu-giu-van-hoa-thu-do-qua-tung-trang-sach.html
Zalo