Lưu giữ ký ức chung về chiến tranh cách mạng
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và đến hôm nay, đề tài chiến tranh cách mạng vẫn là mạch nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn. Từ những tác phẩm mang đậm hơi thở chiến trường, ghi lại những hy sinh thầm lặng và lòng quả cảm phi thường của các chiến sĩ, đến những trang viết suy tư hậu chiến, đề tài này không ngừng được khám phá và tái hiện dưới nhiều góc độ.
Trụ cột của văn học Việt Nam
Hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ đã in dấu sâu đậm trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Văn học, với vai trò là tấm gương phản chiếu hiện thực và là tiếng nói của tâm hồn dân tộc, không thể đứng ngoài những biến cố lịch sử vĩ đại này.
Tại tọa đàm giao lưu về các tác phẩm viết về chủ đề chiến tranh cách mạng và người lính trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025 sáng 19.4, nhà thơ Đỗ Anh Vũ cho rằng, viết về chiến tranh cách mạng và đề tài người lính trong lịch sử văn học hiện đại là một tiến trình, bắt đầu từ thời kháng chiến chống Pháp, đến kháng chiến chống Mỹ. Đã có rất nhiều bài thơ được đưa vào bậc học phổ thông như “Đồng chí” của Chính Hữu, “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật… Về văn xuôi, từ thời chống Pháp có thể nhắc tới các tác phẩm “Xung kích”, “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi…

Chiến tranh cách mạng là mạch nguồn cảm hứng trong sáng tác của nhiều nhà văn. Ảnh: TN
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình tượng người lính tiếp tục được khắc họa sâu sắc và đa dạng hơn. Nhà thơ Lê Anh Xuân trong "Dáng đứng Việt Nam" đã ca ngợi vẻ đẹp hiên ngang, bất khuất của người lính giải phóng quân với "dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ", trở thành một biểu tượng về sức mạnh và niềm tự hào dân tộc. Văn xuôi cách mạng cũng góp phần quan trọng, với những tác phẩm như: "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi, "Mẫn và tôi" của Phan Tứ, "Dấu chân người lính" của Nguyễn Minh Châu, "Đất trắng" của Nguyễn Trọng Oánh… Mỗi tác phẩm mang một góc nhìn, cách tiếp cận riêng, nhưng đều góp phần tạc nên tượng đài người lính cách mạng kiên cường.
Nhà văn Phùng Văn Khai khẳng định: “Mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giữ một vị thế quan trọng, có thể xem là trụ cột của nền văn học quốc gia. Trong suốt kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đã chứng kiến sự hình thành của một đội ngũ nhà văn, nhà thơ tài năng… Một số ý kiến cho rằng, không có văn học đỉnh cao về chiến tranh. Nhưng chúng tôi nhận thấy, nhà văn thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”.
Song hành cùng lịch sử
“Tổng kết văn học 50 năm sau năm 1975, chúng tôi thấy một lượng lớn tác phẩm của đội ngũ nhà văn trong và ngoài quân đội viết về đề tài chiến tranh. Những tác phẩm này đã làm nổi bật chân lý về sự tất thắng của chính nghĩa. Dù kẻ địch, tức quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn, sở hữu vũ khí, khí tài hiện đại hơn, quân số đông hơn, máy bay và tàu chiến nhiều hơn, nhưng chúng ta có chính nghĩa. Chúng ta chiến đấu để bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, và chính nghĩa, lẽ phải luôn chiến thắng” - nhà văn Phùng Văn Khai nhận định.
Trong số tác phẩm văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có tác phẩm được viết ngay trong những ngày tháng chiến tranh diễn ra khốc liệt, như “Người mẹ cầm súng” viết về chị Út Tịch - nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được nhà văn Nguyễn Thi cho ra mắt trước khi ông hy sinh tại chiến trường năm 1968. Có những tiểu thuyết được in ngay sau khi chiến tranh kết thúc, như "Trong cơn gió lốc" được nhà văn Khuất Quang Thụy cho ra mắt năm 1978, viết về Chiến thắng Buôn Ma Thuột - "cú đấm thép" mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân 1975 - trang văn học sử sống động, giúp người đọc cảm nhận được sự khốc liệt của những ngày chiến đấu mở đường tiến về Sài Gòn.
Tham gia những trận đánh ác liệt cũng là điểm tựa để nhà văn Chu Lai khắc họa hình tượng người lính trong các tác phẩm của mình: “Ba lần và một lần”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Khúc bi tráng cuối cùng”... Đặc biệt, tiểu thuyết "Mưa đỏ" được nhà văn Chu Lai viết với độ lùi 40 năm sau chiến tranh, đã gây tiếng vang ngay khi ra mắt, khi tái hiện những ngày tháng đầy bi tráng trong 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972...
Theo nhà thơ Phạm Vân Anh, đọc những tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng của thế hệ nhà văn đi trước mở ra cơ hội quý báu để trải nghiệm hành trình quá khứ mà bản thân nhà văn đã trải qua hoặc đã xây dựng nên thông qua trí tưởng tượng và tài năng văn chương của mình. Đặc biệt, "là một nhà văn khoác áo lính, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị mà trang văn mang lại. Đó không chỉ là ký ức riêng của một cá nhân, một gia đình, mà còn là ký ức chung của cả dân tộc, của một vùng đất, hay một đơn vị quân đội cụ thể trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ở đó tươi ròng những sự kiện lịch sử, ký ức đời sống, được thể hiện qua lăng kính và quan niệm sống của các nhân vật. Họ cũng chia sẻ cách nhìn, ý thức trách nhiệm trước sứ mệnh lịch sử mà dân tộc đặt trên vai mình”.
Trong điều kiện sáng tác khắc nghiệt, vừa chiến đấu giữa chiến trường ác liệt, vừa phải đối diện với cuộc sống thiếu thốn, nhưng các nhà văn đã viết nên hàng nghìn trang sách thấm đẫm tài năng và tinh hoa của một giai đoạn văn học cách mạng. Sinh ra sau chiến tranh, nhà thơ Phạm Vân Anh cho biết: “Các tác phẩm văn học tiêu biểu của các nhà văn đã giúp tôi có thêm kiến thức và hình dung rõ ràng hơn về cuộc sống và chiến đấu của cha ông, từ đó bồi đắp thêm vốn sống và kỹ năng viết văn, đặc biệt là về đề tài chiến tranh cách mạng”.