Lương tăng từ ngày 1/7, Luật Đất đai có hiệu lực sớm 5 tháng: Không để vướng mắc vì thiếu văn bản hướng dẫn

Các luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực sớm, nhiều vấn đề quan trọng khác cũng đã được Quốc hội quyết định, bao gồm tăng lương từ ngày 1/7 năm nay.

Không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản hướng dẫn

Sau 27,5 ngày làm việc, Quốc hội khóa XV đã bế mạc Kỳ họp thứ bảy vào sáng 29/6.

Ngày làm việc cuối cùng, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Quốc hội biểu quyết thông qua luật cho phép các luật về đất đai, nhà ở có hiệu lực sớm 5 tháng

Quốc hội biểu quyết thông qua luật cho phép các luật về đất đai, nhà ở có hiệu lực sớm 5 tháng

Theo đó, các luật liên quan thị trường bất động sản, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và 2 điều (200 và 210) của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội tại kỳ họp tháng 1/2024. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ Điều 253 đến Điều 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Quốc hội cũng quyết định, từ ngày 1/8, các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng theo Luật Đất đai 2013, phù hợp quy hoạch, kế hoạch mà chưa được giao, cho thuê, thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo về thủ tục giao, cho thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong trường hợp dự án đã chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư từ ngày 1/7/2014 đến trước ngày 1/8/2024, hoặc nhà đầu tư đã nộp hồ sơ trước ngày 1/8/2024 và đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 1/1/2025. Các bước chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư vẫn phải thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đấu thầu.

Luật cũng quy định, Nghị quyết 132/2020 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp sản xuất, kinh tế sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Vì vậy, từ ngày 1/8, phương án sử dụng, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền duyệt theo nghị định này trước ngày 1/1/2025, thì thực hiện theo phương án đã duyệt.

Tại nghị quyết chung, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật. Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật; bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Đồng thời, Quốc hội đề nghị Chính phủ bảo đảm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1/8/2024, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.

Tăng lương cơ sở 30%

Nghị quyết chung Kỳ họp thứ bảy đã được Quốc hội thông qua với 100% số phiếu tán thành.

Theo đó, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024, quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025). Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024). Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng, thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Quốc hội cũng quyết định tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Nghị quyết cũng nêu rõ, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14).

Việc cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cũng được Quốc hội quyết nghị.

“Siết” điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng đã được Quốc hội thông qua với đa số phiếu thuận. Vấn đề khó nhất của luật này là quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, tại Kỳ họp thứ sáu, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án. Suốt quá trình thảo luận, đại biểu có ý kiến rất khác nhau về cả 2 phương án đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lấy phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, kết quả cho thấy, có 355/487 đại biểu cho ý kiến. Trong đó, 310/355 đại biểu Quốc hội (chiếm tỷ lệ 87,32% số đại biểu cho ý kiến và bằng 63,66% tổng số đại biểu Quốc hội) lựa chọn Phương án 1; có 38/355 đại biểu lựa chọn Phương án 2 và có 7/355 đại biểu không lựa chọn một trong 2 phương án, mà đề xuất phương án khác.

Căn cứ kết quả xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo Phương án 1 là phương án được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn và đây cũng là phương án Chính phủ ưu tiên lựa chọn khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu. Theo đó, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có đề nghị, thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, phương án này thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW “giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí” và hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

Quy định trên cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về bảo hiểm xã hội và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong một số trường hợp đặc biệt, nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy khi tham gia bảo hiểm xã hội của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Thông qua 11 luật, 21 nghị quyết

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Theo thống kê của Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp này có 936 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và có 750 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 708 lượt đại biểu phát biểu thảo luận, 42 lượt đại biểu tranh luận trong phiên thảo luận tại Hội trường; có 2.119 lượt đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

“Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luong-tang-tu-ngay-17-luat-dat-dai-co-hieu-luc-som-5-thang-khong-de-vuong-mac-vi-thieu-van-ban-huong-dan-d218910.html
Zalo