Hố Quáng Phìn vươn mình mạnh mẽ

Những ngày Hè tháng 6, chúng tôi đến làm việc tại xã Hố Quáng Phìn, một xã nội địa còn vô cùng khó khăn của huyện Đồng Văn. Mặc dù “thiếu thốn trăm bề” về đất, nước sản xuất… nhưng nhìn từng triền ngô xanh mướt, rau màu phủ kín những mảnh đất cằn đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của đồng bào các dân tộc nơi đây; vượt qua gian khó vươn lên, khát khao có một cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.

Hố Quáng Phìn là xã nội địa nằm ở phía Nam của huyện Đồng Văn, cách trung tâm huyện 40 km. Toàn xã có 9 thôn với 666 hộ, 3.581 khẩu, trên 96 % là đồng bào dân tộc Mông. Trong đó số hộ nghèo là 428 hộ, chiếm 64,26%; cận nghèo là 112 hộ, chiếm 16,82%. Những năm qua, từ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của địa phương, nhân dân trong xã đã vượt khó, chăm chỉ lao động, sản xuất, từng bước đưa kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển. Hiện, tổng đàn gia súc toàn xã có trên 4.800 con, đàn gia cầm trên 31 nghìn con. Từ đầu năm đến nay, xã đã chỉ đạo thực hiện cải tạo được 10 vườn tạp, nâng số vườn tạp toàn xã lên 30 vườn. Hầu hết chủ các vườn đều có thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ tập trung thực hiện và duy trì các tiêu chí Nông thôn mới, đến nay xã đạt 11/19 tiêu chí.

Lãnh đạo huyện Đồng Văn thăm mô hình nuôi lợn của gia đình anh Sùng Mí Say, thôn Há Súa.

Lãnh đạo huyện Đồng Văn thăm mô hình nuôi lợn của gia đình anh Sùng Mí Say, thôn Há Súa.

Đặc biệt, quan tâm công tác giáo dục, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của giáo dục, chăm lo, tạo điều kiện để con em đến trường. Đến nay, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh hàng ngày đạt trên 97%; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Song song với đó, các chế độ chính sách, an sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ổn định đời sống cho đồng bào. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm, trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, trẻ sơ sinh được chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, phụ nữ sau sinh được chăm sóc tuần đầu tại nhà. Tỷ lệ suy dinh dưỡng các thể cân nặng, chiều cao/tuổi giảm dần hàng năm. Bên cạnh đó, xã cũng xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, nên hàng năm tích cực phối hợp tuyên truyền cho người dân về vấn đề đi lao động tại các công ty, doanh nghiệp để giải quyết việc làm. Trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 91 lao động địa phương, hiện có thu nhập ổn định.

Là địa phương đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác xóa bỏ hủ tục, tập quán, lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh được quan tâm hàng đầu. Toàn xã có 12 dòng họ, đến nay đã có 5 nhánh dòng họ với 93 hộ thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi làm tang ma tại nhà. Các đám tang hầu như tổ chức ngắn ngày dưới 48 tiếng, không mổ bò hoặc chỉ mổ 1 con. Các đám cưới đã được tổ chức ăn một bữa chính, không còn tình trạng thách cưới cao. Tình trạng tảo hôn giảm.

Gia đình anh Sùng Mí Say, thôn Há Súa, là một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế của xã Hố Quáng Phìn. Thực hiện mô hình nuôi lợn thịt với khoảng 30 con, gia đình anh Say mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng. Đây là mô hình điểm nuôi lợn thịt của Hội Nông dân xã. Ngoài ra anh còn nuôi bò vỗ béo, duy trì từ 3-5 con, cho thu nhập khá. “Sống ở nơi không có nguồn nước, chỉ trông chờ vào nước mưa, diện tích đất canh tác cực kỳ ít, vì vậy chăn nuôi có lẽ là hướng đi đúng đắn. Nhờ có sự định hướng và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương nên gia đình tôi đã có điều kiện tốt hơn. Vì vậy tôi cũng cùng với cán bộ Hội Nông dân xã hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác về kinh nghiệm chăn nuôi, giúp các hộ trong thôn, trong xã mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.” Anh Say chia sẻ.

Đồng chí Giàng Mí Lùng, Bí thư Đảng ủy xã Hố Quáng Phìn chia sẻ: Với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và địa phương, sự nỗ lực của bà con nhân dân các dân tộc trong xã, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được cải thiện. Tuy nhiên, Hố Quáng Phìn vẫn là một xã nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; số hộ thoát nghèo qua các năm chưa bền vững… Đây là những khó khăn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để giúp người dân dần thoát khỏi tư tưởng trông chờ ỷ lại. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, tận dụng lợi thế, phát huy nội lực, nỗ lực triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất và chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ… Từ đó từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bài, ảnh: MY LY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202407/ho-quang-phin-vuon-minh-manh-me-c574a4d/
Zalo