Nhiều dự án bất động sản chờ luật để hồi phục

Quốc hội đã đồng ý cho Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Vì thế, các doanh nghiệp lĩnh vực BĐS kỳ vọng khi 3 luật này có hiệu lực sẽ là cơ hội cho các dự án, thị trường BĐS phục hồi.

Dự án tại Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (thành phố Biên Hòa) đang chờ cơ chế tháo gỡ. Ảnh: B.MAI

Dự án tại Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (thành phố Biên Hòa) đang chờ cơ chế tháo gỡ. Ảnh: B.MAI

Các bộ luật trên sớm đi vào suộc sống sẽ kịp thời tháo gỡ tồn tại cho các dự án đang triển khai, tạo động lực thu hút dự án mới.

Hàng trăm dự án “nằm chờ”

Từ năm 2015-2023, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 120 dự án BĐS là nhà ở thương mại, khu đô thị (chưa kể dự án do Trung ương chấp thuận, nhà ở xã hội). Các dự án được triển khai, hoàn thành góp phần phát triển các khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch. Tuy nhiên, còn nhiều dự án đang vướng về quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư lẫn khách hàng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, nhiều dự án BĐS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nhà ở thương mại, đang gặp vướng mắc liên quan đến luật, cơ chế thuộc thẩm quyền giải quyết, hướng dẫn của cấp trung ương.

Liên quan đến vướng mắc về chủ trương đầu tư, trên địa bàn tỉnh có một số dự án Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư bằng hình thức công văn. Theo Luật Đầu tư năm 2020 thì UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhưng công văn chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ trước đây không ghi cụ thể các thông tin như: tên nhà đầu tư, quy mô, tiến độ, tổng mức đầu tư... nên UBND tỉnh không có đủ thông tin để điều chỉnh.

Tổ Công tác của Quốc hội sẽ tổng hợp các kiến nghị từ địa phương, doanh nghiệp để có báo cáo, kiến nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà ở và BĐS.

Hiện có dự án khu dân cư, khu đô thị chậm triển khai với lý do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, vướng mắc về đất đai, năng lực của nhà đầu tư yếu.

Một vướng mắc khác là liên quan đến việc giao đất của các dự án nhà ở thương mại, khu dân cư được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 1-7-2014. Tỉnh có hơn 150 dự án nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, Nhà nước giao đất triển khai. Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng phải tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất. Từ các quan điểm áp dụng quy định pháp luật đất đai khác nhau, hàng trăm dự án không thể tiếp tục thực hiện các thủ tục về đất đai, thủ tục đầu tư và xây dựng.

Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 Hồ Đức Thành cho biết, doanh nghiệp có dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã hoàn thành việc giao đất, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng khi doanh nghiệp đề nghị kiểm tra, thông báo điều kiện chuyển nhượng thì chưa làm được các thủ tục này. Cùng liên quan đến giao đất, doanh nghiệp đã tiến hành đền bù, xin giao đất làm dự án chung cư từ năm 2021 đến nay mà chưa được, vì vướng phương án xử lý đất đai.

Đại diện pháp lý của Tập đoàn Nam Long cho biết, đơn vị đang triển khai dự án BĐS tại phân khu C4, thành phố Biên Hòa. Lúc triển khai dự án có quy hoạch chi tiết 1/500, nhà đầu tư hoàn thiện nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng sau đó địa phương tiến hành cập nhật quy hoạch phân khu thì dự án bị lệch với quy hoạch phân khu, phải tạm dừng.

Cơ hội cho các dự án tăng tốc

Theo Quốc hội, để đảm bảo các luật được áp dụng, phát huy hiệu quả ngay khi có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ cần chuẩn bị đủ các điều kiện để thi hành luật. Cụ thể, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1-8-2024. Không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa luật, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản của Trung ương.

Luật đã được ấn định thời gian thi hành nhưng để tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án BĐS kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, không thể một sớm một chiều, mà còn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, chờ kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Trong buổi làm việc với Tổ Công tác của đoàn giám sát của Quốc hội về các dự án BĐS và nhà ở xã hội mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà đã kiến nghị nhiều nội dung. Trong đó có việc Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung hoặc có điều khoản chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn nội dung, tiêu chí đánh giá nhu cầu sử dụng đất cụ thể trong đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 để địa phương biết và thực hiện. Hướng dẫn điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nay thuộc thẩm quyền điều chỉnh của UBND cấp tỉnh. Có quy định chế tài để thu hồi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai. Kiểm toán Nhà nước sớm có thông báo kết luận đối với các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 1-7-2014 đã hoàn thành việc giao đất, nhà đầu tư đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo khi giám sát các dự án BĐS và nhà ở xã hội tại Đồng Nai vào giữa tháng 6-2024 cho rằng, liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở và BĐS, thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương đã có nhiều kiến nghị. Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới và sẽ có hiệu lực thi hành trong vài tháng tới. Hiện Chính phủ, các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thành các nghị định, thông tư đi kèm để luật có hiệu lực có thể áp dụng ngay.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/nhieu-du-an-bat-dong-san-cho-luat-de-hoi-phuc-3315a77/
Zalo