Lượng tài khoản chứng khoán đạt kỷ lục, dòng tiền vẫn yếu?

Số lượng tài khoản chứng khoản tăng mạnh trong tháng 7 vừa qua, nâng tổng số tài khoản đạt tương đương 8% dân số Việt Nam, song thanh khoản vẫn suy yếu với tâm lý e ngại bao trùm.

 Lượng tài khoản chứng khoán đạt kỷ lục, dòng tiền vẫn yếu? Ảnh minh họa

Lượng tài khoản chứng khoán đạt kỷ lục, dòng tiền vẫn yếu? Ảnh minh họa

"Lập tài khoản nhưng chưa dám xuống tiền"

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 tài khoản trong tháng 7/2024, gấp 3 lần tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 2 năm. Đây là tháng ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam cao thứ 3 lịch sử, chỉ sau giai đoạn tháng 5-6/2022.

Số lượng tài khoản tăng trong tháng 7 chủ yếu vẫn từ nhóm nhà đầu tư cá nhân với 329.836 tài khoản, tài khoản nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 146 tài khoản.

Như vậy tính đến cuối tháng 7 vừa qua, tổng số lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam đã được nâng lên con số hơn 8,33 triệu, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 8,11 triệu tài khoản, tương ứng khoảng 8% dân số.

Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Mặc dù vậy, ghi nhận thực tế, nhiều người lập tài khoản mới nhưng không tham gia ngay mà lựa chọn "đứng ngoài" quan sát cũng như chuẩn bị chiến lược đầu tư trước diễn biến thị trường.

Chị Hương Quỳnh (28 tuổi, Q. Thanh Xuân, Hà Nội) mới lập tài khoản từ đầu tháng 7, chị chia sẻ: "Lúc đó thấy thị trường suy yếu, tôi định tham gia để "bắt đáy", nhưng, do chưa có kinh nghiệm nên tôi không dám liều như vậy, đành tiếp tục đứng ngoài quan sát tới giờ".

VN-Index biến động không ngừng suốt thời gian vừa qua (Ảnh: SSI iBoard)

VN-Index biến động không ngừng suốt thời gian vừa qua (Ảnh: SSI iBoard)

Cùng động thái với chị Quỳnh, chị Thủy Tiên (33 tuổi, Q. Cầu Giấy, Hà Nội), một nhân viên tài chính, cũng đã lập tài khoản từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện giao dịch nào tại sàn: "Đắn đo trước các kênh đầu tư, đầu năm nay thị trường chứng khoán khởi sắc mạnh mẽ, tôi quyết định lựa chọn kênh đầu tư này trong lúc lãi suất thấp, số vốn không quá lớn đề đầu tư vàng và bất động sản. Tuy nhiên, do diễn biến chưa ổn định, "rung lắc" nhiều nên tôi chưa dám xuống tiền, mà chủ yếu quan sát, phân tích và lên chiến lược đầu tư sao cho hợp lý, chờ thời cơ để hành động".

Thực tế, số lượng tài khoản tăng đột biến trong thời gian qua giữa bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn quanh vùng kháng cự 1.300 điểm. Động lực chủ yếu đến từ dòng tiền nội địa bởi khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng dù mức độ đã có phần hạ nhiệt.

Giá trị bán ròng của khối ngoại trên HOSE trong tháng 7 đã giảm xuống còn gần 8.400 tỷ đồng sau 2 tháng liên tiếp bán tháo trước đó. Đà bán ròng có dấu hiệu "chậm lại" từ đầu tháng 8 tới nay nhưng vẫn chưa đủ căn cứ để chắc chắn xu hướng này đã đảo chiều hay chưa. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 60.000 tỷ đồng (2,4 tỷ USD) trên HOSE.

Số tài khoản tăng đột biến, thanh khoản khiêm tốn

Thị trường liên tiếp đón các đợt điều chỉnh mạnh, xuất hiện nhiều phiên giảm mạnh với biên độ lên tới 10 – 20 điểm giảm, thậm chí phiên 5/8, thị trường chịu lực bán tháo, "bốc hơi" gần 50 điểm, điều này phần nào ảnh hưởng mạnh tới tâm lý e dè của giới đầu tư.

Cùng lúc đó, tháng 7 vừa qua cũng ghi nhận lượng thanh khoản giảm mạnh, chủ yếu chỉ dao động trong khoảng 13.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với ngưỡng trên 20.000 tỷ đồng ở giai đoạn trước đó.

Kết thúc phiên hôm nay (14/8), VN-Index đi ngang tại 1.230,6 điểm, thanh khoản "khiêm tốn" với hơn 13.000 tỷ đồng.

Đánh giá về hiện tượng này, ông Nguyễn Hưng Phát, chuyên viên tư vấn, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, trong tháng 7, với lượng tài khoản chứng khoản tăng mạnh, trong đó nhóm nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80%, đây cũng là nhóm có động thái mua ròng mạnh 9.232 tỷ đồng trong lúc thị trường hứng chịu áp lực rút vốn và bán mạnh nhất đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Các thông tin, nhiều biến số kinh tế đang diễn ra khó lường, kèm theo đó là sự phân hóa của các nhóm ngành sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2, một số chính sách tiền tệ có tín hiệu đảo chiều;... các yếu tố này khiến tâm lý chủ yếu của giới đầu tư tại thị trường vẫn còn nhiều lo ngại, dòng tiền trở nên ảm đạm.

Trong ngắn hạn, thị trường chưa có chất xúc tác đủ mạnh để có sự đảo chiều rõ rệt, tạo tiền để cho xu hướng tăng nhanh trở lại, mà cần có thêm thời gian tích lũy. Đặc biệt, thông tin căng thẳng về chính trị trên thế giới và các nước Trung Đông cũng là yếu tố tạo lực cản, kìm hãm đà tăng của thị trường, xu hướng tìm kênh đầu tư an toàn để trú ẩn tài sản (như vàng) gia tăng.

Dù vậy, thị trường đang đón nhận nhiều triển vọng từ các thông tin: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9; Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực kiểm soát tốt về ổn định tỷ giá trong ngắn hạn; các chính sách củng cố cho đà tăng trưởng kinh tế: mặt bằng lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, tăng trưởng tín dụng;…

Hơn nữa, nhiều chính sách mới nhằm củng cố thị trường, hướng tới mục tiêu thăng hạng. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra thông báo, từ 1/10, khách hàng cần cập nhật căn cước công dân (CCCD) để thực hiện giao dịch chứng khoán online, việc này nhằm đồng bộ, khớp thông tin cá nhân giữa tài khoản và trên CCCD.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/luong-tai-khoan-chung-khoan-dat-ky-luc-dong-tien-van-yeu-20240814172012011.htm
Zalo