Lương 10 triệu ở Hà Nội, tiêu thế nào để vẫn có tiền tiết kiệm và mua vàng hàng tháng?
Cùng xem những bạn trẻ này chi tiêu và tiết kiệm khéo léo thế nào?
Lương 10 triệu không phải là con số lớn ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể tiết kiệm. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ đã biết cách quản lý chi tiêu khéo léo để vẫn có khoản dư mỗi tháng, thậm chí còn đầu tư được. Vậy họ đã làm điều đó như thế nào?
Trần Huy (24 tuổi): Lương 10 triệu, tiết kiệm đều đặn 5 triệu mỗi tháng và vẫn đầu tư
Trần Huy hiện đang làm nhân viên văn phòng tại Hà Nội với mức thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng. Không sinh ra trong một gia đình có điều kiện, lại sớm phải tự lập khi mới ra trường, Huy hiểu rằng muốn có cuộc sống ổn định thì phải bắt đầu từ kỷ luật tài chính. Anh chọn cách chia thu nhập thành hai phần rõ rệt: 5 triệu dành cho chi tiêu cá nhân và 5 triệu còn lại để tiết kiệm, đầu tư.
Chia sẻ về cách phân bổ tiền bạc, Huy nói rằng, điều quan trọng nhất là phải làm chủ được chi tiêu ngay từ đầu tháng. Ngay khi nhận lương, anh chuyển ngay 5 triệu đồng chi tiêu sang một tài khoản ngân hàng phụ, chỉ dùng tài khoản này để thanh toán các khoản sinh hoạt. Khi đã giới hạn số tiền như vậy, bản thân sẽ có xu hướng cân nhắc kỹ lưỡng trước mỗi lần rút ví.
Huy kể: "Mình từng bị rơi vào tình trạng tiêu lan man, không rõ tiền đi đâu. Từ khi tách tài khoản ra, mình kiểm soát tốt hơn. Nếu giữa tháng lỡ tiêu hết, mình có thể mượn bạn bè trước, nhưng nhất quyết không đụng đến khoản 5 triệu còn lại – vì đó là tiền tiết kiệm và đầu tư. Chỉ cần phá vỡ nguyên tắc một lần thì những lần sau sẽ dễ dàng lặp lại. Và mình không muốn điều đó xảy ra."

Trần Huy trích riêng tiền tiết kiệm ngay khi nhận lương. Ảnh minh họa
Chi phí sinh hoạt của Huy được tính toán kỹ càng. Hiện tại, anh thuê một căn phòng nhỏ 15m² ở Cầu Giấy, ở ghép với một người bạn. Phòng không có cửa sổ, nằm trên tầng cao, điều kiện không quá tiện nghi nhưng đổi lại giá thuê chỉ 1,5 triệu đồng/người mỗi tháng – một con số hợp lý với thu nhập hiện tại.
Về ăn uống, Huy nói rằng tự nấu ăn là cách giúp anh tiết kiệm nhiều nhất. Anh thường tranh thủ nấu ăn vào buổi tối để mang cơm trưa đi làm. Ngoài ra, mỗi lần về quê hoặc dịp bố mẹ gửi đồ lên, anh đều cố gắng tận dụng triệt để các nguyên liệu, tránh mua đồ ăn sẵn hay ăn ngoài quán – vì giá cả đắt đỏ và dễ “ngốn” vài trăm nghìn mỗi tuần. Tổng chi phí ăn uống của anh mỗi tháng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.
Các khoản còn lại như đi lại, xăng xe, điện thoại, mua sắm cá nhân, đám hiếu hỷ… được anh kiểm soát trong phạm vi 2 triệu đồng. Huy tiết lộ thêm:
"Chắc chắn là sẽ có lúc thèm một bữa ăn ngon hay muốn đi xem phim cuối tuần, nhưng mình luôn nhắc bản thân rằng phải ưu tiên mục tiêu tài chính trước. Mình chấp nhận bớt đi vài thú vui hiện tại để đổi lấy sự an tâm sau này."
Số tiền tiết kiệm hàng tháng, Huy không để yên trong tài khoản mà phân bổ vào các kênh đầu tư nhỏ như mua vàng, chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu. Tùy thị trường, mức sinh lời hàng tháng dao động từ 2 đến 4 triệu đồng. Với Huy, đây là khoản đầu tư cho tương lai và cũng là động lực để giữ thói quen tiết kiệm đều đặn.
Huyền Trang (22 tuổi): Mức lương 7 triệu vẫn tiết kiệm được gần 1 triệu mỗi tháng
Huyền Trang hiện là một Business Analyst Fresher tại một công ty công nghệ ở Hà Nội. Mức lương khởi điểm của cô chỉ 7 triệu đồng/tháng – con số mà nhiều người nghĩ là khó sống nổi ở Thủ đô. Nhưng Trang có cách suy nghĩ khác.
Cô chia sẻ rằng, chính vì thu nhập thấp, cô càng phải học cách chi tiêu khắt khe để tránh rơi vào cảnh nợ nần hoặc hết tiền giữa tháng.

Không phải vì thu nhập còn thấp mà Huyền Trang không học cách tiết kiệm. Ảnh minh họa
"Thật ra lúc mới đi làm, mình cũng thấy rất áp lực. Tiền nhà, ăn uống, xăng xe, phát sinh – nhìn đâu cũng thấy phải chi. Nhưng khi ngồi xuống tính toán và ghi chép cụ thể từng khoản, mình nhận ra vẫn có thể sống ổn nếu biết cân đối. Mình coi việc học cách quản lý tài chính như một kỹ năng cần thiết, chẳng kém gì kiến thức chuyên môn."
Trang thuê nhà ở cùng bạn, tiền thuê, điện nước, internet chia ra chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Khoản ăn uống và sinh hoạt cơ bản được cô giới hạn trong 3 đến 3,5 triệu đồng. Xăng xe, đi lại và chi phí phát sinh như café với bạn bè, mua đồ cá nhân dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Sau khi tính toán, mỗi tháng cô vẫn có thể để ra được khoảng 500.000 – 1 triệu đồng tiết kiệm.
Thói quen giúp Trang duy trì kỷ luật tài chính là ghi chép chi tiêu hàng ngày. Mỗi món đồ, dù nhỏ như ly trà sữa hay cuốn sách, cô đều ghi vào một bảng tổng hợp chi phí. Điều này giúp cô nhận ra có những khoản chi không thực sự cần thiết, từ đó điều chỉnh để không vượt ngân sách.
Trang nói: "Mình mang cơm đi làm gần như mỗi ngày. Một suất cơm văn phòng giờ cũng 35.000 – 45.000 đồng, trong khi tự nấu chỉ khoảng 20.000 – 25.000 đồng. Cắt đi những khoản nhỏ như ăn vặt hay mua áo quần theo cảm hứng, mình thấy số tiền tiết kiệm được mỗi tháng cũng đáng kể."
Ngoài ra, cô còn dành riêng một khoản nhỏ làm quỹ khẩn cấp cho các tình huống bất ngờ như ốm đau, hỏng xe hay mất việc. Việc tích lũy từ sớm giúp cô cảm thấy chủ động và bớt lo lắng hơn trong cuộc sống.
Trang chia sẻ thêm: "Mình nghĩ dù thu nhập thấp hay cao thì cũng cần học cách tiết kiệm. Chưa có nhiều tiền thì lại càng nên tích tiểu thành đại. Đến giờ, mỗi khi để dành được vài trăm ngàn, mình lại thấy vui như có thêm động lực để cố gắng hơn. Tiền ít nhưng niềm tin tài chính thì lớn lên từng chút một."

Cô bạn nghĩ rằng dù thu nhập cao hay thấp cũng nên học cách tiết kiệm. Ảnh minh họa
Lương chưa cao, có nên học cách tiết kiệm không?
Câu trả lời là: Rất nên.
Trần Huy cho rằng, mức lương cao không đồng nghĩa với việc sẽ có tiền để dành. "Tiền nhiều mà tiêu không kiểm soát thì cũng nhanh hết. Mình tập tiết kiệm từ khi lương còn thấp, để khi thu nhập cao hơn sẽ biết cách giữ tiền và đầu tư hiệu quả", anh nói. Còn với Huyền Trang, nguyên tắc "tích tiểu thành đại" giúp cô từng bước ổn định tài chính cá nhân và cảm thấy an toàn hơn mỗi khi gặp biến cố.