Làm vườn không mang bảo hộ, nữ bệnh nhân bị nhiễm giun móc chó mèo

Chiều 17/7, thông tin từ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị một nữ bệnh nhân nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da - căn bệnh ký sinh trùng thường gặp nhưng dễ bị bỏ sót nếu không phát hiện kịp thời.

Bệnh nhân là bà T.T.Đ. (73 tuổi, sống tại Phú Thọ), đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám trong tình trạng ngứa rát vùng bàn chân phải, kèm theo vết đỏ dạng đường ngoằn ngoèo dưới da. Trước đó khoảng 7 ngày, bà có ra vườn nhổ cỏ, làm cỏ quanh nhà mà không đi giày hoặc dép bảo hộ.

Đáng chú ý, bà Đ. cho biết trong nhà có nuôi 2 con chó, thường được thả rong quanh sân vườn, xung quanh hàng xóm có nuôi chó, mèo.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bà Đ. bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da giun móc/mỏ chó, mèo - ký sinh trùng thường lây truyền từ phân chó, mèo và có khả năng xâm nhập qua da người khi tiếp xúc trực tiếp với đất bị ô nhiễm.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ấu trùng di chuyển dưới da là một bệnh lý do ký sinh trùng gây ra, không quá hiếm gặp, thường xuất hiện ở người có thói quen đi chân trần làm vườn hoặc sinh hoạt trên đất cát, đặc biệt ở nơi có chó mèo phóng uế.

Hình ảnh bàn chân nữ bệnh nhân nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da sau khi làm vườn không mang bảo hộ. Ảnh:BVCC

Hình ảnh bàn chân nữ bệnh nhân nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da sau khi làm vườn không mang bảo hộ. Ảnh:BVCC

Người bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với đất, cát ở môi trường ngoại cảnh bị ô nhiễm phân chó, mèo, động vật khác có ấu trùng giun ở giai đoạn lây nhiễm được.

Ấu trùng chui qua bề mặt da ở vùng da tay, da chân; vì lạc chủ nên ấu trùng không có men làm phân hủy thành mạch của người nên không thể chui vào máu, chu du khắp cơ thể như loại ấu trùng giun thường ký sinh ở người; do vậy chúng chỉ di chuyển ở các mô dưới da và niêm mạc.

Triệu chứng tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập có vết sẩn đỏ, ngứa, sau thành mọng nước, phát triển ra chung quanh thành một hay nhiều đường ngoằn ngoèo, gồ cao là dấu hiệu của đoạn đường ấu trùng di chuyển. Do ngứa gãi nên có thể bị nhiễm trùng, hóa mủ... Bệnh có thể kéo dài nhiều tuần nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.

Để phòng, chống bệnh ấu trùng di chuyển dưới da, các chuyên gia Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khuyến cáo người dân, đặc biệt ở khu vực ngoại thành và nông thôn – nơi còn phổ biến thói quen nuôi chó mèo thả rông – cần lưu ý các biện pháp phòng ngừa bệnh ấu trùng di chuyển dưới da:

Người dân cần nâng cao nhận thức, tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường không nhiễm phân.
Không dùng phân tươi để bón ruộng vườn.
Luôn mang giày, ủng hoặc dụng cụ bảo hộ khi làm vườn hoặc tiếp xúc với đất cát.
Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo, giữ vệ sinh nơi nuôi nhốt.
Không để chó mèo phóng uế bừa bãi, đặc biệt ở khu vực sinh hoạt và làm vườn.
Khi có biểu hiện ngứa kéo dài, vết lằn đỏ ngoằn ngoèo, nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng để được chẩn đoán chính xác.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-vuon-khong-mang-bao-ho-nu-benh-nhan-bi-nhiem-giun-moc-cho-meo-169250717194920913.htm
Zalo