Luôn thực hành phương châm 'Dân là gốc'

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 Khóa XIII, các địa phương đang gấp rút tiến hành các công việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.

Ảnh minh họa: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra hoạt động lấy ý kiến cử tri tại xã Quỳnh Hội (huyện Quỳnh Phụ) về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025. (Ảnh: MAI TÚ)

Ảnh minh họa: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra hoạt động lấy ý kiến cử tri tại xã Quỳnh Hội (huyện Quỳnh Phụ) về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025. (Ảnh: MAI TÚ)

Các công việc được triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan, đồng thời thực hiện đúng các quy trình theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa đại khái bất cứ công việc nào.

Những ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố các phương án dự kiến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; lấy ý kiến nhân dân về số lượng xã, phường và các phương án đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập. Khi các phương án dự kiến được công khai, nhiều người dân tỏ ra băn khoăn khi đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới lấy theo tên cấp huyện cũ và thêm số thứ tự hoặc gắn với các phương vị đông, tây, nam, bắc. Nhân dân các địa phương nêu nguyện vọng: Tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới phải phản ánh được bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, chiều sâu ký ức của người dân địa phương, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống, vun đắp đoàn kết cùng mong ước hướng tới tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng.

Các phương án dự kiến đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới đã được điều chỉnh kịp thời. Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo việc lựa chọn và đề xuất tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã mới do các bí thư huyện ủy, thị ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và phải gắn với địa danh lâu đời, danh nhân tiêu biểu, phù hợp với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân đồng tình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang yêu cầu xem xét, điều chỉnh tên gọi sau sắp xếp một số xã, phường, không lấy phương vị để đặt tên.

Tỉnh ủy Nghệ An sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đã đề nghị các địa phương cân nhắc nghiên cứu đưa thêm phương án đặt tên theo địa danh lịch sử, truyền thống văn hóa, trên cơ sở bảo đảm quy định hiện hành và sự đồng thuận cao; đồng thời giao Đảng ủy UBND tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Một số tỉnh, thành phố cũng đã điều chỉnh, thay đổi phương án đặt tên từ cách đánh số thứ tự sang dùng các tên gọi là địa danh lịch sử, danh nhân tiêu biểu của địa phương. Tỉnh ủy Quảng Nam đã thông qua phương án đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới, thay thế phương án đánh số thứ tự trước đó bằng tên những địa danh thân thuộc, di sản văn hóa nổi tiếng...

Trung ương khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà là điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển.

Trung ương khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà là điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển. Chính quyền địa phương sau sắp xếp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, hướng tới đạt mục tiêu chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Khối lượng công việc bộn bề, yêu cầu khẩn trương, cùng với việc phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, cấp ủy, chính quyền các cấp đang thể hiện ý thức thực hành phương châm, tư tưởng hành động “dân là gốc” trong từng phần việc của quá trình thực hiện chủ trương này.

Trung ương cũng xác định đây là “cuộc cách mạng” về sắp xếp tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp cùng với việc sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo là nỗ lực tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng và lan tỏa, tạo niềm tin trong nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.672). Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chú trọng công tác tuyên truyền, chịu sự giám sát của nhân dân, tạo sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân trong từng công việc cụ thể hằng ngày, chính là biểu hiện sinh động của cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” - là mục tiêu, là con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

HOÀNG YẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/luon-thuc-hanh-phuong-cham-dan-la-goc-post875368.html
Zalo