Lúng túng trước thảm họa thiên nhiên mới
Bất chấp những nỗ lực xây dựng khả năng phục hồi bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng và ứng phó ban đầu, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và việc cắt giảm viện trợ của Mỹ đã khiến nhiều người Nepal trở nên dễ bị tổn thương.
Địa hình dễ tổn thương
Khi những cơn mưa gió mùa ập đến vào tháng 9 năm ngoái, đã gần như cuốn trôi ngôi làng Panauti ở chân dãy Himalaya của Nepal. Sông Roshi đã tràn bờ sau trận mưa chưa từng có, gây ra lở đất và phá hủy hầu hết các con đường và những cây cầu. Tại Kathmandu, cách đó 20 dặm, 244 người đã thiệt mạng khi thủ đô nước này ghi nhận lượng mưa cao nhất trong hơn nửa thế kỷ.
“Chúng tôi đã mất tất cả mọi thứ từ nhà cửa, đất nông nghiệp và tất cả đồ đạc của mình” - anh Bishnu Humagain, một nông dân Nepal nói.

Lũ lụt cuốn trôi ngôi làng Panauti ở Nepal.
Đối với Humagain, đây là lần thứ hai anh phải bắt đầu lại. Năm 2015, một trận động đất đã khiến gần 9.000 người thiệt mạng và phá hủy khoảng nửa triệu ngôi nhà trên khắp Nepal, trong đó có cả nhà của anh. Trong những năm sau đó, Nepal đã dần được xây dựng lại, lập kế hoạch phòng ngừa thảm họa để giúp hình thành khả năng phục hồi trước các thảm họa trong tương lai.
Nhưng một thập niên sau, cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng đang bắt đầu thử thách sự cân bằng mong manh đó. Địa hình của Nepal khiến nơi này dễ bị lũ lụt và lở đất, điều này càng trầm trọng hơn do lượng mưa ngày càng thất thường. Các nghiên cứu cho thấy, dãy Himalaya đang nóng lên nhanh hơn 0,7 độ C so với mức trung bình toàn cầu.
Ông Birendra Bajracharya - thuộc Trung tâm Phát triển Miền núi Tích hợp Quốc tế (ICIMOD) cho biết: "Biến đổi khí hậu đang khiến các nỗ lực phục hồi trở nên khó khăn hơn, vì chúng ta đang chứng kiến thảm họa với tần suất và quy mô chưa từng thấy trước đây".
Trong khi nguồn tài trợ từ Chính phủ ngày càng cạn kiệt, việc rút hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho các chương trình phòng ngừa thảm họa và phục hồi khí hậu đã làm tăng thêm căng thẳng. "Đây là một trở ngại khác trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại" - bà Sangeeta Singh, giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Tribhuvan và là cựu thành viên của Ủy ban Kế hoạch Quốc gia Nepal cho biết.
Sau trận động đất năm 2015, Nepal đã nhận được sự hỗ trợ quốc tế rất lớn, với hàng tỷ USD được các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc cam kết tài trợ cho công cuộc tái thiết. Các cơ quan đa phương như Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã hỗ trợ Chính phủ Nepal trong các sáng kiến "xây dựng lại tốt hơn", chia sẻ các bài học về thiết kế phục hồi và các quy định xây dựng. Tài chính và chuyên môn quốc tế đã giúp xây dựng những con đường rộng hơn và kết hợp công nghệ kỹ thuật sinh học để ổn định mái dốc và thoát nước.
Những bài học đó đã chứng minh được tính thiết yếu của việc giảm thiểu các thảm họa liên quan đến khí hậu. Ông Dharam Uprety thuộc Practical Action Nepal cho biết: "Hiện nay mọi người không chỉ nghĩ đến động đất, vì Nepal phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm khác. Việc phục hồi cơ sở hạ tầng ngày càng được thảo luận ở cấp chính sách và cộng đồng".
Có kế hoạch nhưng thiếu kinh phí
Một diễn biến quan trọng khác sau trận động đất năm 2015 là việc thành lập Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu rủi ro thảm họa quốc gia của Nepal vào năm 2017, tập trung vào công tác ứng phó. Theo ông Sagar Shrestha - Giám đốc quản lý khủng hoảng của Hội Chữ thập đỏ Nepal, trước trận động đất, "thể chế này không tồn tại".
Ông Shrestha cho biết, thảm họa đã làm nổi bật tầm quan trọng của công tác ứng phó tại địa phương, khi thiệt hại về đường sá gây ra những thách thức về khả năng tiếp cận cho những người ứng phó khẩn cấp trong nước và nước ngoài.
Hội Chữ thập đỏ Nepal đang nâng cao nhận thức ở những vùng xa xôi về cách ứng phó trong trường hợp động đất và lũ lụt. Khả năng phục hồi là một từ thông dụng từ năm 2015, hiện đã xuất hiện trên các văn bản nhưng việc triển khai và tài trợ thường không đạt yêu cầu trong thực tế. "Khi nói đến ngân sách, thì điều này không được tính đến" - bà Singh nói.
Việc cắt giảm viện trợ của chính quyền Tổng thống Donald Trump làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt tài chính. Vào tháng 4, có thông tin cho biết, Millennium Challenge Corporation – một cơ quan viện trợ nước ngoài của Mỹ tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển - đã bị đóng cửa bởi Bộ Hiệu quả của Chính phủ Mỹ. Một trong những dự án liên quan bị dừng lại là khoản tài trợ 500 triệu USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng và sửa chữa 200 dặm đường bộ.
Bà Singh lo ngại rằng, nếu không có tiền, chất lượng xây dựng sẽ bị ảnh hưởng. Với kết nối thiết yếu cho sự phát triển, chính phủ đã ưu tiên các dự án cơ sở hạ tầng, nhưng nếu không có tiền, các tiêu chuẩn có thể bị trượt.
Bên cạnh đó, theo ông Bajracharya, sự tự mãn cũng là một vấn đề. Trong những năm qua, nỗi sợ về một trận động đất đã lắng xuống và mọi người trở nên “ít nghiêm túc hơn trong việc tuân thủ các quy định”. Việc định cư trên đồng bằng ngập lụt, xây dựng đường sá bừa bãi ở các vùng núi và quá trình đô thị hóa là những thách thức lớn. Ở Kathmandu, một trong những tòa nhà bị hư hại do lũ lụt vào tháng 9/2024 là một bệnh viện lớn được xây dựng trên đồng bằng ngập lụt.
Khi mùa gió mùa đang đến gần, lũ lụt đang ám ảnh nhiều người dân Nepal. Động đất có sức phá hủy lớn, nhưng lũ lụt lại gây tác động lâu dài hơn.
Theo bà Sangeeta Singh, các chính sách ứng phó tại Nepal còn thiếu sót, đặc biệt là ở những khu vực đã xây dựng, nơi tăng trưởng kinh tế có thể được ưu tiên hơn khả năng phục hồi. Chỉ sau trận động đất năm 2015, mọi người mới hiểu được tầm quan trọng của không gian mở. Tuy nhiên, không có thay đổi đáng kể nào về các quy định khi lên kế hoạch mở rộng khu dân cư, dẫn đến thiết kế đô thị dày đặc và sử dụng quá nhiều bê tông hạn chế thoát nước.