Lục Yên đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Lục Yên đẩy mạnh đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh.
Ông Hoàng Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: "Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, huyện Lục Yên đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, Lục Yên còn tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ nhân dân thực hiện các hoạt động: xúc tiến thương mại, xác định thị trường tiêu thụ, định hướng mở rộng thị trường; định hướng phát triển dịch vụ chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp… gắn với xây dựng nông thôn mới".
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, huyện Lục Yên tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương.
Năm 2024, huyện Lục Yên được giao xây dựng và phát triển 8 nhóm sản phẩm chủ lực; 5 nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và 2 dự án liên kết theo chuỗi giá trị. Thời điểm này, một số sản phẩm đã đạt và vượt kế hoạch năm như: cây lương thực (lúa/gạo), gỗ rừng trồng, măng Bát Độ và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương; hoàn thành dự án liên kết theo chuỗi giá trị.
Theo đó, Lục Yên tập trung triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp đảm bảo khung lịch thời vụ; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm, duy trì tổng đàn gia súc chính. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Phòng đã chủ động tham mưu với UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất nhằm chủ động triển khai kịp thời kế hoạch sản xuất nông nghiệp, các chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, đồng thời đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…”.
Năm 2024, tổng sản lượng lương thực có hạt của Lục Yên đạt 59.510 tấn, bằng 100% kế hoạch. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 9.400 tấn, bằng 96,5% kế hoạch; trong đó sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 8.640 tấn, bằng 96,7% kế hoạch; ước cả năm đạt 9.740 tấn, bằng 100% kế hoạch. Diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn huyện đạt 2.672,5 ha, bằng 102,8% kế hoạch...
Cùng với đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp; cơ cấu lại sản xuất theo vùng…, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn đã được Lục Yên đẩy mạnh. Huyện đã hình thành các hợp tác xã sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP đến cung cấp sản phẩm ra thị trường và người tiêu dùng.
Đến tháng 11/2024, Lục Yên có thêm 10 sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP 3 sao, bằng 200% kế hoạch. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận thêm đối với 2 sản phẩm: tranh đá quý Lục Yên và rượu gạo Mấn Lùn. Dự kiến hết năm 2024, tổng số sản phẩm OCOP phát triển mới là 12, bằng 240% kế hoạch.
Ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh cho biết: Để phát triển sản phẩm lạc đỏ, Hợp tác xã Thái Sơn đã hợp đồng liên kết với các hộ dân, cam kết thu mua sản phẩm lạc tươi vỏ đỏ địa phương. Sản phẩm sau khi mua về được sấy khô bằng máy sấy, bóc và loại bỏ các hạt hỏng, mốc, chọn lọc những hạt mẩy, đều hạt, đóng túi hút chân không... đảm bảo các điều kiện giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Để nâng cao giá trị cho cây lạc đỏ, một trong những nông sản đặc trưng của địa phương, Lục Yên đã quy hoạch, mở rộng giống lạc này tại những đồng đất phù hợp. Hiện, lạc đỏ được trồng 2 vụ trong năm, chủ yếu ở các xã: Phan Thanh, Tân Lập, Minh Tiến, An Phú, Minh Chuẩn, Tô Mậu, Tân Lĩnh…; sản lượng đạt gần 1.300 tấn lạc củ, tổng doanh thu ước khoảng 45 tỷ đồng/năm.
Đến nay, huyện Lục Yên đã có trên 900 ha tre lấy măng .
Đến nay, Lục Yên đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha; vùng sản xuất ngô gieo trồng ổn định hàng năm 5.150 ha/năm; vùng sản xuất lạc 1.000 ha; cây ăn quả có múi trên 1.000 ha; tre lấy măng trên 900 ha; hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất cây ăn quả..., góp phần đem lại thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nông dân.
Anh Hoàn Văn Huấn - thôn Khéo Lẹng, xã Lâm Thượng cho biết: "Mấy năm gần đây, gia đình tôi đã đầu tư cho phát triển cây tre mai. Bởi cây tre mai là một trong những cây trồng được Lục Yên quan tâm đầu tư phát triển. Măng, thân, lá của cây mai đều bán được. Cây mai đã giúp gia đình tôi có việc làm, thu nhập ổn định”.
Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững góp phần nâng cao nhận thức, trình độ canh tác của nông dân, đặc biệt là phát huy lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.