Lục Ngạn: Chú trọng kiểm tra, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề khu vực đồng bào DTTS

Song song với công tác tuyên truyền, đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, cơ quan chức năng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chú trọng hoạt động kiểm tra, giám sát, bảo đảm các lớp đào đạo nghề được thực hiện đúng quy định, đạt mục tiêu đề ra.

Hoạt động kiểm tra, giám sát trong công tác đào tạo nghề có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

 Lớp đào tạo nghề cho người đồng bào DTTS được tổ chức tại thôn Cà Phê, xã Tân Mộc.

Lớp đào tạo nghề cho người đồng bào DTTS được tổ chức tại thôn Cà Phê, xã Tân Mộc.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức 32 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 1 nghìn học viên. Trong đó, có 17 lớp với 559 học viên thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và 15 lớp, 497 học viên thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi. Những ngành nghề thu hút nhiều lao động vùng đồng bào DTTS tham gia học gồm: May thời trang, chăn nuôi thú y, trồng trọt, điện dân dụng, sửa chữa cơ khí…

 Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn kiểm tra việc tổ chức thực hiện, duy trì lớp đào tạo nghề.

Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn kiểm tra việc tổ chức thực hiện, duy trì lớp đào tạo nghề.

Theo bà Vũ Thị Dự, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn, công tác kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia luôn được đơn vị quan tâm, triển khai với nhiều giải pháp.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát chi tiết, cụ thể tại các đơn vị, xã, thị trấn. Đối với kiểm tra định kỳ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra mỗi lớp đào tạo nghề từ 2-3 đợt trong thời gian đào tạo. Đối với kiểm tra đột xuất, căn cứ tình hình thực tế, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tiến hành thực hiện.

Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như: Hoạt động quản lý tài chính (quản lý, sử dụng vốn được giao) gồm: Hợp đồng đào tạo, dự toán chi tiết, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng; thanh quyết toán kinh phí đào tạo nghề (chi trả chế độ cho giáo viên, vật tư, chế độ chính sách cho người học nghề) và các khoản chi khác theo quy định.

Yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát đào tạo nghề là phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch, các chính sách thực hiện, sau mỗi cuộc kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện. Cùng đó nắm bắt sớm được đề xuất, kiến nghị từ cơ sở để điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp.

Đối với công tác chuẩn bị mở lớp, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh học nghề; khảo sát nhu cầu học, xét chọn và xác nhận đối tượng học, nghề đào tạo, độ tuổi, địa điểm mở lớp. Về công tác mở lớp, tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình khai giảng, bế giảng, việc lên lớp của đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, giáo trình, trang thiết bị dạy học, vật tư, dụng cụ thực hành.

Đồng thời chú trọng giám sát tiến độ giảng dạy, thời gian đào tạo, kiểm tra cuối khóa học, cấp chứng chỉ và việc hỗ trợ tiền ăn cho học viên; vấn đề quản lý biểu mẫu, sổ sách, quản lý dạy và học trong đào tạo nghề.

Ông Hà Văn Bảy (SN 1973, dân tộc Tày) thôn Cà Phê, xã Tân Mộc cho biết: "Nhận thấy lớp đào tạo nghề sửa máy nông nghiệp rất thiết thực nên tôi cố gắng thu xếp công việc để tham gia đầy đủ và tuân thủ nghiêm nội quy, quy chế của lớp, không làm ảnh hưởng đến học viên khác".

Theo đánh giá của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn, thông qua kiểm tra, giám sát, việc tổ chức các lớp học được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Học viên chấp hành nội quy, quy chế lớp học; việc miễn phí đào tạo và hỗ trợ một số khoản tiền cho học viên được thực hiện chặt chẽ. Các cơ sở dạy nghề bố trí đủ cán bộ, giáo viên tổ chức giảng dạy theo kế hoạch và khung chương trình theo quy định.

UBND các xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các trung tâm đào tạo nghề để tuyển sinh. Đồng thời phân công một đồng chí phó chủ tịch UBND xã và cán bộ phụ trách thường xuyên phối hợp kiểm tra, theo dõi công tác đào tạo nghề trên địa bàn. Các trung tâm đào tạo nghề tổ chức khai giảng các lớp đúng thời gian quy định, xây dựng thời khóa biểu cho từng lớp đào tạo, quá trình học thường xuyên kiểm tra các môn học.

Hầu hết học viên tham gia lớp đào tạo nghề tích cực, cơ bản dự đủ số giờ, nhiều buổi thảo luận sôi nổi. Sau khi được dạy nghề, nhiều học viên đã tích cực áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các xã: Biên Sơn, Phong Minh, Phong Vân, Tân Sơn...; mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao ở các xã: Tân Lập, Đèo Gia, Giáp Sơn, Tân Mộc...

Đồng thời qua đây góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội, của cán bộ, công chức cấp xã và mọi người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực đồng bào DTTS và miền núi, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luc-ngan-chu-trong-kiem-tra-bao-dam-chat-luong-dao-tao-nghe-khu-vuc-dong-bao-dtts-152223.bbg
Zalo