Lực lượng tinh nhuệ trong công tác phòng, chống mua bán người của BĐBP

Trải qua gần 10 năm thành lập, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ chỉ huy, cán bộ Phòng Phòng, chống mua bán người (PCMBN), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP luôn mưu trí, dũng cảm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, là lực lượng tinh nhuệ, đóng góp nhiều chiến công trong PCMBN, tô thắm thêm truyền thống Anh hùng vẻ vang của lực lượng PCMT&TP BĐBP.

Cán bộ Phòng PCMBN tham gia Hội thảo nâng cao ứng phó có điều phối với bạo lực giới và cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân giữa các cơ quan trong mạng lưới chuyển tuyến của Ngôi nhà bình yên. Ảnh: Minh Tuấn

Cán bộ Phòng PCMBN tham gia Hội thảo nâng cao ứng phó có điều phối với bạo lực giới và cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân giữa các cơ quan trong mạng lưới chuyển tuyến của Ngôi nhà bình yên. Ảnh: Minh Tuấn

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người

Ngày 25/6/2013, Cục PCMT&TP BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 78/2013/TT-BQP quy định các biện pháp PCMBN của BĐBP. Thông tư quy định 4 biện pháp phòng ngừa xã hội, 9 biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và 7 biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm MBN. Đồng thời, thông tư cũng quy định cụ thể các biện pháp cũng như thẩm quyền trong tiếp nhận, xác định, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Đây là công cụ pháp lý quan trọng cho BĐBP trong PCMBN. Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo BĐBP chủ trì xây dựng và thực hiện Tiểu đề án “PCMBN ở khu vực biên giới (KVBG), vùng biển” thuộc Đề án 2 và Tiểu đề án 3 “Tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân ở KVBG, vùng biển” thuộc Đề án 3 - Chương trình PCMBN của Chính phủ. Các đơn vị BĐBP đã làm rất tốt công tác PCMBN, tuy nhiên, do chưa có phòng theo dõi chuyên trách nên công tác PCMBN chưa bài bản, chưa tạo được “nền tảng” vững chắc.

Năm 2017, ngay khi được thành lập (ngày 31/10/2017), Phòng PCMBN đã tham mưu Cục PCMT&TP, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị tổng kết 10 năm triển khai thi hành Luật PCMBN trong BĐBP. Trên cơ sở đó, đánh giá những ưu điểm, tồn tại của công tác này và đề ra các mục tiêu, giải pháp phù hợp, gắn với từng nội dung công tác lớn: Phòng ngừa; đấu tranh, triệt phá các đường dây MBN; giải cứu, tiếp nhận, sàng lọc, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Kể từ đó, Phòng PCMBN tham mưu nhiều chủ trương đột phá, công tác PCMBN được triển khai bài bản, hiệu quả cao và bền vững. Đó là: Ban hành Hướng dẫn 2039/HD-PCMT&TP chuyên sâu về công tác nghiệp vụ cơ bản trong PCMBN (xác định các nội dung trong điều tra cơ bản tuyến, chuyên đề MBN, tách danh mục đối tượng quản lý nghiệp vụ về MBN thành danh mục riêng, hướng dẫn các kỹ, chiến thuật trong đấu tranh với tội phạm MBN); chỉ đạo các đơn vị BĐBP nắm tình hình tội phạm MBN toàn diện, liên hoàn từ nội địa - khu vực biên giới - ngoại biên - “không gian mạng”; nâng cao tỷ lệ đấu tranh chuyên án trinh sát (năm 2020, số chuyên án trinh sát cao hơn 10 năm trước đó); rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân từ nhiều nguồn để xác lập chuyên án truy xét, truy tìm đối tượng phạm tội MBN. Đặc biệt, năm 2021, Phòng PCMBN đã tham mưu Cục PCMT&TP, Bộ Tư lệnh BĐBP báo cáo Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh BĐBP là Cơ quan Thường trực của Kế hoạch PCMBN của Bộ Quốc phòng. Phòng PCMBN đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP (Cơ quan Thường trực của Kế hoạch PCMBN của Bộ Quốc phòng) hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trong toàn quân triển khai 3 nhóm mục tiêu chung, 5 nhóm mục tiêu cụ thể và 8 nhóm giải pháp PCMBN trong giai đoạn 2021-2025.

Trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trên cơ sở phân tích, đánh giá xu hướng của tội phạm MBN, nhất là mục đích mua bán, phương thức hoạt động phạm tội, giới tính, dân tộc của nạn nhân bị mua bán; Phòng PCMBN đã kịp thời tham mưu cho Cục PCMT&TP, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền rộng rãi và tuyên truyền cá biệt; giữa xây dựng các pa nô, áp phích, tờ rơi với tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo; bám sát các nhóm có nguy cơ cao bị mua bán, đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp.

Tính từ năm 2020 đến nay, Phòng PCMBN đã tham mưu cho Cục PCMT&TP, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền tập trung được 108.000 buổi, với 3,1 triệu lượt người tham gia, qua hệ thống loa truyền thanh địa phương và mô hình “Tiếng loa Biên phòng” được 76.000 giờ; in, phát hành 322.000 tờ rơi; xây dựng 181 phóng sự, viết 390 tin, bài về PCMBN. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của nhân dân trong PCMBN.

Trong công tác giải cứu, tiếp nhận, rà soát, xác định nạn nhân bị mua bán, Phòng PCMBN đã tham vấn các lực lượng liên quan (Công an, Ngoại giao, Lao động, Thương binh và Xã hội, Phụ nữ...) xây dựng bộ công cụ riêng của BĐBP. Nhờ đó, công tác rà soát, xác định nạn nhân bị mua bán đạt hiệu quả cao.

Phát huy vai trò “nòng cốt” trong phòng, chống mua bán người

Phát huy vai trò đơn vị “nòng cốt” trong PCMBN của BĐBP, Phòng PCMBN tham mưu Cục PCMT&TP tập trung chỉ đạo các đơn vị BĐBP triển khai kế hoạch nghiệp vụ đối với 100% địa bàn trọng điểm về MBN, quản lý chặt chẽ các đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội MBN; kịp thời áp dụng biện pháp phòng ngừa đối với nhóm người có nguy cơ cao bị mua bán.

Tập thể Phòng PCMBN luôn đoàn kết, gắn bó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: Thanh Thản

Tập thể Phòng PCMBN luôn đoàn kết, gắn bó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: Thanh Thản

Nhận thức đúng bản chất của tội phạm MBN là loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; không có lực lượng nào, không có nước nào một mình có thể đấu tranh hiệu quả với tội phạm MBN, các thế hệ chỉ huy Phòng PCMBN đã từng bước tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục PCMT&TP hoàn chỉnh các kế hoạch, quy chế, biên bản thỏa thuận với các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế. Điển hình như: Kế hoạch phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an); kế hoạch phối hợp với Trung tâm Phụ nữ và phát triển; kế hoạch phối hợp với Cục Trẻ em, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Ban Chính sách luật pháp (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam); Biên bản thỏa thuận với Cục PCMBN (Tổng cục Cảnh sát Lào); Thỏa thuận hợp tác với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Nội vụ Vương quốc Anh)...

Vì vậy, chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, Phòng PCMBN đã chủ động, linh hoạt tham mưu Cục PCMT&TP chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn BĐBP các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình địa bàn, trao đổi thông tin, điều tra, xác minh; khai thác nạn nhân được giải cứu và tiếp nhận. Qua đó, các đơn vị đã triển khai 56 kế hoạch nghiệp vụ; xác lập và đấu tranh 49 chuyên án, 1 vụ án MBN. Phòng còn tham mưu, chỉ đạo các đơn vị bắt giữ, xử lý 332 vụ/237 đối tượng; giải cứu, phối hợp giải cứu, tiếp nhận 520 nạn nhân.

Riêng Phòng PCMBN xây dựng, triển khai 40 kế hoạch nghiệp vụ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình hoạt động của tội phạm MBN, mại dâm trên các tuyến biên giới, nhất là tại các địa bàn trọng điểm; thu thập thông tin, xác minh, nhận định, phân tích, đánh giá tình hình, hoạt động của các đối tượng, đường dây hoạt động phạm tội MBN, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, đề xuất lập án đấu tranh. Phòng tham mưu xác lập và đấu tranh thành công 9 chuyên án MBN, bắt 21 đối tượng, giải cứu 23 nạn nhân; điều tra 6 vụ án MBN, bắt 9 đối tượng, giải cứu 9 nạn nhân; chủ trì, phối hợp đấu tranh 4 chuyên án, 2 vụ án MBN, bắt 25 đối tượng, giải cứu 14 nạn nhân; phối hợp giải cứu 28 vụ/83 nạn nhân; tiếp nhận, sàng lọc, xác định 25 vụ/25 nạn nhân; khởi tố 7 vụ/14 đối tượng về tội MBN. Phòng PCMBN đã trở thành đơn vị “đầu tàu” trong công tác PCMBN.

Gần 10 năm qua, Phòng PCMBN đã từng bước trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả chung của lực lượng PCMT&TP ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo. Chỉ huy, cán bộ của phòng luôn xác định bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau chặng đường ấy, mỗi cán bộ Phòng PCMBN sẽ tiếp tục phát huy cao nhất những thành tích, những chiến công đã đạt được; đồng thời, nghiêm túc rèn luyện để tiếp tục hoàn thiện; giữ vững phẩm chất cách mạng, lối sống trong sạch, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, Phòng PCMBN, Cục PCMT&TP BĐBP đã được Bộ Quốc phòng tặng 3 Bằng khen; Bộ Công an tặng 3 Bằng khen; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng 2 Bằng khen; Bộ Tư lệnh BĐBP 3 lần tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; tặng 11 Bằng khen trong đấu tranh chuyên án, vụ án về PCMBN; có 34 cá nhân được các cấp khen thưởng trong phong trào thi đua Quyết thắng và trong phòng, chống tội phạm MBN.

Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng, chống mua bán người, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luc-luong-tinh-nhue-trong-cong-tac-phong-chong-mua-ban-nguoi-cua-bdbp-post485402.html
Zalo