Lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ vừa giải cứu tàu khỏi tay cướp biển tinh nhuệ thế nào?

Theo hãng tin CNN, vụ việc Hải quân Ấn Độ cứu một tàu thương mại khỏi tay cướp biển ngoài khơi Somalia vào cuối tuần qua, là minh chứng cho thấy năng lực hàng đầu thế giới của lực lượng đặc nhiệm hải quân Ấn Độ.

Buộc cướp biển đầu hàng trong 40 giờ

Theo thông báo từ Hải quân Ấn Độ, lực lượng Hải quân nước này vừa cứu 17 thành viên của tàu hàng MV Ruen trong chiến dịch chống cướp biển kéo dài gần 2 ngày.

Rất may không có người nào thiệt mạng trong khi đó hàng chục tay cướp biển đã bị bắt giữ.

Chiến dịch có sự tham gia của một tàu khu trục hải quân, một tàu tuần tra, một vận tải cơ C-17 thuộc Không lực Ấn Độ bay ở độ cao 2.500km để thả lính thủy quân lục chiến Ấn Độ, một máy bay hải quân, một máy bay không người lái trinh sát và một máy bay tuần tra P-8.

Ông John Bradford – Hội đồng các vấn đề quan hệ quốc tế cho biết: "Thành công của chiến dịch này đánh dấu lực lượng đặc nhiệm Hải quân Ấn Độ là lực lượng hàng đầu thế giới xét về mức độ được đào tạo, chỉ huy, kiểm soát và các năng lực khác".

Các tàu vận hành xung quanh tàu hàng Ruen bị cướp biển tấn công (Ảnh: PIB).

Các tàu vận hành xung quanh tàu hàng Ruen bị cướp biển tấn công (Ảnh: PIB).

Bên cạnh đó, qua chiến dịch này có thể thấy nguy cơ sẽ được giảm thiểu ra sao nếu có một lực lượng phối hợp giữa tàu chiến, máy bay không người lái, lính thủy quân lục chiến.

Giới chuyên gia lo ngại những cuộc tấn công của phiến quân Houthi tại Yemen nhằm vào tàu thương mại trên Biển Đỏ có thể trói buộc các lực lượng quốc tế và tạo cơ hội cho cướp biển Somali ở vùng Sừng châu Phi gần đó – gây ra mối đe dọa trị giá hàng tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu.

Vụ cướp biển Somali bắt giữ tàu MV Ruen vào tháng 12/2023 đánh dấu vụ cướp tàu thành công đầu tiên ngoài khơi bờ biển nước này kể từ năm 2017.

Theo báo cáo tháng 12 của Lực lượng Hải quân Liên minh châu Âu, các tàu chiến Tây Ban Nha, Nhật Bản và Ấn Độ đã theo dõi tàu con tàu khi phương tiện được đưa vào lãnh hải Somali.

Sau đó, khi tàu Ruen, do một nhóm cướp biển điều hành, rời vùng biển Somali với ý định thực hiện hành vi cướp biển khác, Hải quân Ấn Độ đã nhanh chóng hành động để chặn đứng.

Tàu khu trục INS Kolkata của Ấn Độ đang vận hành trong khu vực này để đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế, đã sử dụng máy bay không người lái để xác nhận liệu tàu Ruen có phải đang bị nhóm cướp biển có vũ trang điều hành hay không.

Nhưng nhóm cướp biển đã đáp trả, phá hủy máy bay không người lái. Nhận thấy sự hung hãn của nhóm, lực lượng điều khiển tàu chiến Ấn Độ đã đáp trả bằng cách bắn vào tàu Ruen, vô hiệu hóa hệ thống lái và điều hướng của phương tiện.

Tiếp đó, lực lượng biệt kích của Ấn Độ đã nhảy dù xuống tàu Ruen. Đồng thời, vận tải cơ C-17 thả bè xuống biển để lực lượng biệt kích tiếp cận tàu Ruen.

"Do áp lực liên tục và những động thái nhanh gọn của Hải quân Ấn Độ trong 40 giờ, tất cả 35 tên cướp biển Somali đã đầu hàng" – theo thông báo từ Ấn Độ.

Kinh nghiệm của lực lượng đặc nhiệm Marcos

Đánh giá sự việc này, nhà phân tích Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, nhận định chiến dịch trên cho thấy rõ tính chuyên nghiệp của Hải quân Ấn Độ cũng như Lực lượng đặc nhiệm hải quân (hay còn gọi là Lực lượng Marcos).

Ông Schuster cho biết: "Bản thân Hải quân Ấn Độ là một lực lượng chuyên nghiệp được đào tạo bài bản và có kỷ luật cao.

"Quá trình tuyển chọn nhân sự cho lực lượng này thường rất căng thẳng và chỉ có khoảng 10% đến 15% số người tham gia đào tạo là tốt nghiệp", ông nói.

Ảnh minh họa lực lượng Marcos.

Ảnh minh họa lực lượng Marcos.

Lực lượng này được thành lập từ năm 1986, theo kiểu mẫu của đơn vị đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ với mục tiêu tiến hành các chiến dịch đặc biệt trên biển, tổ chức hoạt động trinh sát trên biển, cũng như tham gia các chiến dịch chống khủng bố.

Phần lớn các nhân viên trong đơn vị này đã được cử đi học tập và nâng cao trình độ tại Meccu, căn cứ của đặc nhiệm Hải quân Mỹ tại Colorado (bang California).

Để có thể trở thành một chiến binh thực thụ của Marcos, các ứng cử viên tình nguyện sẽ phải trải qua một khóa huấn luyện và tuyển chọn 11 tháng, trong đó tất cả sẽ phải trải qua những thử thách khó khăn nhất.

Trung bình sau mỗi khóa huấn luyện, tỉ lệ học viên đáp ứng các điều kiện chỉ còn khoảng 15%.

Trung bình sau mỗi khóa huấn luyện, tỉ lệ học viên đáp ứng các điều kiện chỉ còn khoảng 15%.

Sau đó là khóa học 9 tháng về các kỹ năng chiến đấu dưới nước. Học viên sẽ được làm quen với các loại vũ khí khác nhau, các phương pháp trinh sát do thám, cũng như kỹ năng xâm nhập vào hậu phương địch. Họ phải học thêm về kỹ năng chống khủng bố, giải phóng con tin, đánh chiếm các tàu thủy hay cả mục tiêu trên mặt đất, nhảy dù...

Các nhà phân tích lưu ý rằng Hải quân Ấn Độ có kinh nghiệm trong các hoạt động chống cướp biển trong hơn 20 năm. Do đó, giữa tình hình an ninh bất ổn tại một trong những tuyến đường vận chuyển chính của thế giới như hiện nay, đồng nghĩa họ có thể sẽ được điều động trở lại.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết an ninh hàng hải trong khu vực là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Shri Randhir Jaiswal cho biết: "Tình hình trên Biển Đỏ thực sự là vấn đề đáng ngại và ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của chúng tôi".

"Chúng tôi đang liên tục theo dõi. Lực lượng hải quân và tàu hải quân Ấn Độ đang nỗ lực đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại của chúng tôi", ông Jaiswal nói.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/luc-luong-dac-nhiem-an-do-vua-giai-cuu-tau-khoi-tay-cuop-bien-tinh-nhue-the-nao-192240321143419446.htm
Zalo