Lực lượng Công an Hà Nội tận tụy, quên mình giúp người dân khắc phục hậu quả bão Yagi

Trong và sau cơn bão số 3 những ngày này, tại hiện trường tan hoang, cây đổ, nhà sập, tốc mái ở địa bàn thành phố Hà Nội, thực sự xúc động, trân trọng hình ảnh các chiến sỹ Công an cùng lực lượng chức năng tận tụy, quên mình giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả nặng nề.

Chủ động khắc phục hậu quả cơn bão số 3

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 3 đã đi qua địa bàn Hà Nội và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong những ngày tới, khu vực Hà Nội nhiều mây, có khả năng mưa và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Hiện nay, mực nước các hồ chính đều ở mức cao; mực nước sông Tích, sông Bùi, khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng đều ở trên mức báo động II.

Nước sông dâng cao, nhiều quận, huyện của Hà Nội đã bị ngập sâu

Nước sông dâng cao, nhiều quận, huyện của Hà Nội đã bị ngập sâu

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, vào 11h10 ngày 10-9, mực nước trên sông Hồng, tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm mực nước ở mức báo động I. Liền ngay sau đó, hồi 12h30 tại địa phận quận Long Biên và các huyện Đông Anh, Gia Lâm lũ trên sông Đuống đạt mức báo động I; dự báo trong thời gian tới, tình hình thời tiết, thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất.

Chỉ huy CAQ Tây Hồ trực tiếp kiểm tra chỉ đạo công tác sơ tán người dân vào bờ

Chỉ huy CAQ Tây Hồ trực tiếp kiểm tra chỉ đạo công tác sơ tán người dân vào bờ

Thực hiện Công điện số 12 ngày 8-9-2024 của Bộ Công an, Công điện số 12 của UBND Thành phố về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới; Giám đốc Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức tốt công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ. Trong đó, đã đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sỹ tham gia làm nhiệm vụ; khắc phục ngay những thiệt hại của cơ quan, đơn vị, đảm bảo an ninh, an toàn trụ sở của đơn vị; tiếp tục rà soát thiệt hại trên địa bàn quản lý, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp khắc phục và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả; tiếp tục tìm kiếm cứu nạn người mất tích...

Lực lượng Công an phối hợp hỗ trợ người dân sinh sống trên sông di tản vào bờ

Lực lượng Công an phối hợp hỗ trợ người dân sinh sống trên sông di tản vào bờ

Thứ hai, chủ động tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương và phối hợp ban, ngành, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng do bão; tiếp tục sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, công trình có nguy cơ sập đổ...; khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, vệ sinh môi trường để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Thứ ba, chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nắm chắc địa bàn, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, kịp thời ứng phó, phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng tình hình bão để vi phạm pháp luật, như: Lợi dụng tình hình để đầu cơ, trục lợi, đẩy giá, buôn bán hàng giả, các vi phạm về môi trường và các tội phạm về xâm phạm sở hữu...; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên toàn địa bàn thành phố...

CBCS Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2, Phòng CSGT phát áo phao và đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm

CBCS Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2, Phòng CSGT phát áo phao và đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Thứ tư, đối với địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa... có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, Công an các đơn vị chủ động nắm tình hình, phối hợp với cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn, tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, kịp thời báo cáo đề xuất Công an Thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện khi cần thiết.

Khắc phục khó khăn, hỗ trợ tối đa giúp nhân dân hạn chế thiệt hại do bão Yagi

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, và với tâm thế "vì nhân dân phục vụ", chỉ huy Công an các quận, huyện, thị xã đã cùng CBCS đơn vị mình khắc phục khó khăn, vất vả hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ huy các đơn vị đã trực tiếp có mặt tại hiện trường những điểm ngập sâu, những nơi xảy ra sự cố để chỉ đạo CBCS, giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả của bão Yagi trên địa bàn Thủ đô.

Thật ấm lòng với những thông tin tích cực cập nhật. Khoảng 10h ngày 10-9, trực ban CAQ Tây Hồ tiếp nhận tin báo về việc có 2 người dân đang mắc kẹt tại bãi giữa sông Hồng, cần sự giúp đỡ.

CBCS CAH Đông Anh hỗ trợ nhân dân di tản đến nơi an toàn

CBCS CAH Đông Anh hỗ trợ nhân dân di tản đến nơi an toàn

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tổ công tác của CAQ Tây Hồ gồm CBCS đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Đội CSGT-TT, CAP Phú Thượng, Nhật Tân đã đến khu vực bãi giữa đưa ông Hà Hữu Đạt (SN 1966) và bà Nguyễn Thị Học (SN 1966), cùng trú tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, là những người lao động làm thuê trên khu bãi giữa sông Hồng, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ vào bờ an toàn.

CBCS CAH Mỹ Đức cùng các lực lượng hỗ trợ nhân dân chống lụt

CBCS CAH Mỹ Đức cùng các lực lượng hỗ trợ nhân dân chống lụt

Cũng trong sáng 10-9, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2, Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã kịp thời có mặt tại làng chài để hỗ trợ người dân trèo chống tàu bè, vận chuyển tài sản, di dời đồ đạc lên vùng an toàn. Đơn vị còn bố trí CBCS giúp người dân chằng buộc, gia cố các phương tiện neo đậu để đảm bảo an toàn.

Trước đó, Đội CSGT đường thủy số 2 đã phát áo phao, tuyên truyền và hướng dẫn người dân rời khỏi các khu vực nguy hiểm, di tản lên bờ để đảm bảo an toàn tính mạng trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp; khuyến cáo người dân tuyệt đối không đưa phương tiện ra hoạt động trong thời điểm mưa bão, gió lớn và nước chảy siết, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Sáng 10-9, vào lúc 10h30, Tổ tuần tra kiểm soát (TTKS) Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy số 2 phát hiện một vụ đắm tàu xảy ra trên đoạn sông Hồng thuộc địa phận phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Ngay lập tức, các lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để xử lý và đảm bảo an toàn cho 3 thuyền viên.

Công an xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ dựng barie hạn chế nhân dân lưu thông trên tuyến đường ngập sâu

Công an xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ dựng barie hạn chế nhân dân lưu thông trên tuyến đường ngập sâu

Ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô tại địa bàn huyện Sóc Sơn, nhiều xã đã bị ngập. Không chỉ khẩn trương hỗ trợ người dân sơ tán, ngay từ sáng sớm 10-9, các lực lượng CAH Sóc Sơn đã nỗ lực cùng các cấp chính quyền, di dời tài sản, sơ tán hàng chục hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời đắp đất, chặn đê, chống tràn để giải cứu hàng trăm hecta hoa màu đang vào vụ...

Từ sáng nay, các xã ven sông Hồng, sông Tích do mực nước lên nhanh, kết hợp với mưa gây ngập lụt nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Phúc Thọ trong đó có nhiều tuyến đường “độc đạo” để vào trung tâm xã.

CBCS CAH Sóc Sơn cùng các lực lượng hỗ trợ đắp đê

CBCS CAH Sóc Sơn cùng các lực lượng hỗ trợ đắp đê

Điển hình như tại xã Vân Hà, một xã ven sông Hồng, nằm ngoài đê, hiện chỉ có 1 lối vào duy nhất nhưng đã bị ngập ở độ sâu khoảng 80cm. Trung tá Nguyễn Thế Hoạt, Trưởng Công an xã cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, Công an xã đã dựng barie tại 2 điểm đầu và cuối của tuyến đường này, tạm thời hạn chế người dân qua lại vì nước chảy khá xiết.

Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng CAH Phúc Thọ chia sẻ, chỉ huy đơn vị đã quán triệt đến toàn thể CBCS thực hiện nghiêm túc, với tinh thần “Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, đồng hành cùng nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão Yagi. CAH đã huy động hàng trăm lượt CBCS, sử dụng hơn 100 lượt phương tiện; 2 máy cưa kèm theo xe chữa cháy trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão và khắc phục hậu quả sau bão (cứu nạn, cứu hộ; xử lý cây đổ, cây gãy; phân luồng giao thông...).

Lực lượng Công an xã thuộc CAH Ứng Hòa giúp dân sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm

Lực lượng Công an xã thuộc CAH Ứng Hòa giúp dân sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm

Tại Mỹ Đức, Thượng tá Giáp Thành Trung, Trưởng CAH Mỹ Đức cho biết, Công an huyện đã chủ động rà soát, xác định có 12 xã, thị trấn ven sông Đáy, sông Bùi, sông Mỹ Hà có nguy cơ ngập úng gồm: Phúc Lâm, Mỹ Thành, Bột Xuyên, An Mỹ, Lê Thanh, Phùng Xá, Phù Lưu Tế, Đại Nghĩa, Đại Hưng, Vạn Kim, Đốc Tín, Hương Sơn để tập trung tối đa lực lượng, phối hợp các ngành, đoàn thể, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng nhân dân, giảm thiểu tối đã thiệt hại do bão số 3 gây nên.

Tại huyện Đông Anh, trưa nay 10-9, nước sông Cà Lồ tiếp tục dâng ở ngưỡng báo động. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản, vật nuôi, lực lượng Công an huyện đã phối hợp với các địa phương, đoàn thể, nhân dân hướng dẫn và hỗ trợ từng nhà dân di dời tài sản, vật nuôi và sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Tại địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình, từ 21h đến 23h đêm 9-9, cán bộ Công an phường phối hợp với lực lượng chức năng đã kiên trì, kiên quyết vận động 3 hộ với khoảng gần 20 nhân khẩu sống trên thuyền và ven sông Hồng lên bờ...

Hậu bão số 3, những hệ lụy và tiềm ẩn phức tạp vẫn ở phía trước, ở nhiều địa bàn. Song ở bất kỳ đâu, ở những tuyến đầu nguy hiểm nhất, cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô luôn sẵn sàng...

Nhóm PV Nội chính

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/luc-luong-cong-an-ha-noi-tan-tuy-quen-minh-giup-nguoi-dan-khac-phuc-hau-qua-bao-yagi-post588982.antd
Zalo