An toàn giao thông xe máy - Những thách thức và bài học kinh nghiệm
Ở Việt Nam, tỷ lệ tai nạn giao thông do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra chiếm trên 60% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Thông tin trên được Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết tại Hội thảo quốc tế về 'An toàn giao thông xe máy - Những thách thức và bài học kinh nghiệm', diễn ra sáng 4/11.
Hội thảo do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn giao thông xe máy; tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải trong và ngoài nước cùng thảo luận, trao đổi ý kiến về các vấn đề nóng bỏng liên quan đến an toàn giao thông xe máy. Qua đó, đưa ra những khuyến nghị thiết thực về chính sách và giải pháp nhằm cải thiện tình hình an toàn giao thông tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Trên 60% số vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến mô tô, xe máy
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng cho biết, an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy là vấn đề nóng bỏng không chỉ ở những quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, mà dần trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu. Ở Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển, mô tô, xe máy là phương tiện tham gia giao thông cá nhân chủ yếu. Đây không chỉ là phương tiện phục vụ việc đi lại của người dân, mà còn là phương tiện quan trọng trong sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, làm dịch vụ. Xe máy không đơn thuần là phương tiện, mà thể hiện lối sống, trở thành giá trị văn hóa đối với nhân dân nhiều quốc gia như Việt Nam, Indonesia…
Tuy nhiên, song hành với sự tiện lợi và dễ dàng tiếp cận của mô tô, xe máy là thách thức rất lớn về tai nạn giao thông. Mức độ rủi ro xảy ra đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy rất cao, tai nạn giao thông do các phương tiện này gây ra để lại hậu quả rất lớn đối với người dân và xã hội.
Tại Việt Nam, theo thống kê, năm 2023, có hơn 73 triệu mô tô, xe máy, chiếm 93% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Tỷ lệ tai nạn giao thông do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra chiếm trên 60% số vụ tai nạn giao thông đường bộ.
"Điều này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn để bảo vệ người đi mô tô, xe máy, nhằm giảm thiểu thương vong, giảm thiểu hậu quả thảm khốc do tai nạn giao thông", ông Khuất Việt Hùng nói.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong cải thiện an toàn giao thông, đặc biệt là cải thiện an toàn giao thông đối với người đi mô tô, xe máy, triển khai thành công nhiều chương trình và chính sách quan trọng như chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm, kiểm soát nồng độ. Những nỗ lực này mang lại nhiều kết quả tích cực.
Theo Báo cáo An toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới, giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam giảm 43,5%, đưa nước ta trở thành một trong 35 quốc gia đạt mức kéo giảm về thương vong của người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ trên 30% trong Thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ nhất 2011 - 2020.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Đặt câu hỏi, "làm thế nào để xây dựng một thế giới an toàn hơn cho người sử dụng phương tiện xe máy", Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ, một trong những điểm ưa thích của bà tại Hà Nội đó là sử dụng xe máy điện đi từ chỗ làm về nhà và ngược lại. Thế nhưng, vấn đề này cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Xe máy có ý nghĩa rất quan trọng, là phương tiện phổ biến, tiện lợi, không tốn kém và có thể giúp chúng ta di chuyển tới bất cứ nơi nào một cách dễ dàng. Bà nhận thấy tầm quan trọng của giao thông xe máy tại Việt Nam, khi số lượng xe máy ngày càng tăng lên và cứ 10 phương tiện trên đường thì xe máy chiếm tới 9.
Chúc mừng Việt Nam về những thành tựu trong giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, bà Angela Pratt ghi nhận, trong những năm gần đây, Việt Nam có rất nhiều giải pháp tăng cường an toàn cho người lái xe máy như thay đổi về chính sách, các chương trình nâng cao nhận thức, cải thiện hạ tầng. Các giải pháp này cũng giúp làm giảm tỷ lệ thương tật, tử vong do giao thông xe máy.
Song, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng, "vẫn còn cần thêm rất nhiều nỗ lực", tại Việt Nam cũng các quốc gia khác, để phòng ngừa rủi ro, tăng cường an toàn giao thông xe máy, giảm thiểu tỷ lệ tử vong trên đường, bởi tỷ lệ này vẫn rất cao trên thế giới. WHO đã thực hiện nhiều giải pháp trên thế giới và tại Việt Nam như ra mắt sổ tay hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông xe máy, ra mắt nhóm tư vấn toàn cầu đầu tiên về tăng cường an toàn phương tiện đường bộ (tháng 2/2024), tìm kiếm các phương án giảm thiểu rủi ro cho trẻ em Việt Nam khi sử dụng xe máy, hỗ trợ triển khai Luật trật tự, an toàn giao thông.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức đang tồn tại, rút ra bài học quan trọng để khỏa lấp khoảng trống chính sách, tìm ra định hướng mới, giải pháp mới toàn diện hơn, bền vững hơn, hợp tác theo hướng phát triển chính sách đổi mới và sáng tạo nhất để bảo vệ những người tham gia giao thông.
Bà Roxanne Paisible, Phó Giám đốc vận động chính sách, Chương trình An toàn giao thông, Tổ chức Global Health Advocacy Incubator (GHAI) cho biết, với nhiều quốc gia, xe máy là phương tiện rất quan trọng và phổ biến, đặc biệt là ở châu Phi và Mỹ latinh, vì tính thuận tiện, dễ tiếp cận của phương tiện này. Đây là lý do tỷ lệ xe máy tăng lên. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ thương vong trong giao thông đường bộ liên quan đến xe máy cũng tăng lên. Dù có nhiều thách thức và hệ lụy rất lớn, nhưng xe máy vẫn hấp dẫn với nhiều người. Việc đưa ra giải pháp chính sách để giải quyết mối quan tâm, lo lắng đến xe máy có ý nghĩa rất quan trọng.
Đánh giá Việt Nam có được những thành tựu lớn về an toàn giao thông, bà Roxanne Paisible khẳng định Tổ chức GHAI sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác, đặc biệt là đối tác Việt Nam và rất trân trọng Chính phủ Việt Nam, những thành tựu Việt Nam đạt được trong lĩnh vực này.