Lực lượng Cảnh vệ mãi khắc ghi lời Bác dạy

Có lẽ, trong lực lượng CAND, CBCS lực lượng Cảnh vệ là những người đặc biệt may mắn khi được sống và làm việc bên Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu Người về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng như khi Người qua đời.

Lực lượng đặc biệt

Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) được thành lập theo Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (tháng 1/1941), lực lượng tiền thân của lực lượng Cảnh vệ đã vinh dự được bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Côn Minh (Trung Quốc) về Pác Bó, Cao Bằng sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài. Từ đây, mọi hoạt động của công tác cảnh vệ đã gắn liền quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1946, với dã tâm thống trị nước ta một lần nữa, thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Ngày 19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” và quyết định cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Chính phủ trở lại chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trên đường trở lại chiến khu, để thể hiện đường lối và ý chí kháng chiến của dân tộc ta, ngày 5/3/1947, tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Bác đã đặt tên mới cho 8 chiến sĩ Cảnh vệ như khẩu hiệu sống để mọi người cùng phấn đấu: “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng "Huy hiệu Bác Hồ" cho CBCS Cảnh vệ đã có thành tích xuất sắc trong công tác, tại Hội nghị mừng công của Trung đoàn 600, ngày 21/12/1965.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng "Huy hiệu Bác Hồ" cho CBCS Cảnh vệ đã có thành tích xuất sắc trong công tác, tại Hội nghị mừng công của Trung đoàn 600, ngày 21/12/1965.

Bác nói: “Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện nay và sau này là cùng toàn Đảng, toàn quân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Vì vậy, Bác đặt tên lại cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người hàng ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Đây là niềm vinh dự, tự hào của lực lượng Cảnh vệ CAND và 8 chiến sĩ được Bác Hồ đặt tên trở thành những cán bộ tiền bối của lực lượng Cảnh vệ CAND.

Đầu năm 1953, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, để bảo vệ các chuyến công tác đường dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cuộc hội họp của Trung ương, Chính phủ, công tác phòng, chống tập kích, oanh tạc…, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng thống nhất thành lập Tiểu đoàn bảo vệ với quân số tròn 600 CBCS. Trong khi các cán bộ tổ chức đang lúng túng chưa biết đặt tên gì cho Tiểu đoàn thì Bác Hồ biết tin đến, gặp gỡ hỏi ý kiến từng người. Mỗi người một ý kiến khác nhau. Cuối cùng Bác nói: “Chúng ta có 5 đại đội, mỗi đại đội 120 người. Vậy là 600 người. Bác đặt tên là Tiểu đoàn 600”.

Để chuẩn bị lực lượng bảo vệ Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ về tiếp quản thủ đô, ngày 20/9/1954, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 35 quyết định phát triển Tiểu đoàn 600 thành Trung đoàn 600. Ngày 25/6/1985, Trung đoàn 600 được chuyển từ Bộ Quốc phòng sang Cục Cảnh vệ - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an) để phù hợp với yêu cầu công tác cảnh vệ. Hơn 71 năm đã trôi qua, các thế hệ CBCS Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ vẫn luôn tự hào là đơn vị duy nhất trong lực lượng CAND được Bác Hồ đặt tên.

Đầu tháng 8/1954, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, tại thôn Vai Cầy, xã Văn Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập toàn bộ CBCS bảo vệ và phục vụ để căn dặn trước khi về thủ đô Hà Nội. Như người cha dặn dò con cháu khi đến công tác tại một môi trường, địa bàn mới, Bác nói: "Bác cháu ta từng chịu gian khổ trong kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội, địch chiếm đóng lâu năm, đầy rẫy những cảnh sống xa hoa, trụy lạc nên dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước viên đạn bọc đường”.

Tuy ngắn gọn, súc tích nhưng lời dạy đó là sự nhắc nhở sâu sắc đối với mỗi CBCS Trung đoàn 600 nói riêng, CBCS lực lượng Cảnh vệ, Quân đội, Công an nói chung phải giữ vững lập trường, bản chất cách mạng, luôn kiên định, trách nhiệm với công việc được giao, không dao động trước sự phồn hoa của đời sống thị thành, tránh sa vào những cạm bẫy của cuộc sống đời thường.

Chăm lo giáo dục, rèn luyện qua từng lời dạy của Người

Lực lượng Cảnh vệ là những người thường xuyên ở bên Bác, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Người. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, sinh thời, mặc dù bận việc nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian, tình cảm đặc biệt, chăm lo giáo dục, rèn luyện lực lượng Cảnh vệ trưởng thành, chuyên nghiệp.

Là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, công tác nghiệp vụ cảnh vệ buổi đầu thành lập còn đơn giản, chung chung, trong khi đó, trình độ văn hóa, nghiệp vụ của anh em cảnh vệ còn thấp. Vì vậy, bằng kinh nghiệm của bản thân thời kỳ hoạt động bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tận tình giảng giải, hướng dẫn CBCS Cảnh vệ về nguyên tắc, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, vừa đảm bảo yêu cầu bí mật, an toàn; vừa không tạo khoảng cách giữa người được bảo vệ với nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ Cảnh vệ dừng chân trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc, tháng 10/1947.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ Cảnh vệ dừng chân trên đường đi công tác ở chiến khu Việt Bắc, tháng 10/1947.

Thời kỳ những năm 1961 - 1962, hoạt động biệt kích của Mỹ, Ngụy đã lan rộng tới một số vùng ở miền Bắc. Tình hình an ninh tại những quốc lộ giao thông lớn có nhiều phức tạp. Bộ Chính trị đã chỉ đạo Bộ Công an phải đảm bảo tuyệt đối an toàn mọi hoạt động của Bác. Thực hiện chỉ thị, Cục Cảnh vệ quyết định thành lập đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ khi di chuyển trên đường. Mỗi lần Bác đi công tác, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, nhưng vẫn còn nhiều sơ suất. Có lần trên đường đi công tác, Bác quan sát hai bên đường và nhận xét đại ý: "Bác có thể đếm được và biết chú Kháng (đồng chí Hoàng Hữu Kháng - Anh hùng LLVTND, Nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ) bố trí bao nhiêu người trên một đoạn đường. Các chú không biết xã hội hóa, từ quần áo các chú mặc, đến mắt đảo liếc là Bác có thể nhận ra ngay..." . Sau khi Bác góp ý, đơn vị đã rút kinh nghiệm sửa ngay những non yếu còn mắc phải.

Trong công tác cảnh vệ, yếu tố bí mật luôn được Bác coi trọng và đặt lên hàng đầu. Khi đến thăm một cơ quan, bệnh viện, trường học, nông trường.., bao giờ Bác cũng chú ý phát hiện sự vật, hiện tượng, đặc biệt là những hạn chế, rồi Người chỉ dạy rất tế nhị nhưng không kém phần sâu sắc. Bác từng căn dặn lực lượng Cảnh vệ: “Bố trí kế hoạch bảo vệ những điểm Bác đến thăm, các chú phải đảm bảo hết sức bí mật. Nếu cơ quan nơi Bác đến họ biết, sẽ chuẩn bị “chu đáo” trước. Như vậy, không những Bác không thấy được sự thật mà còn gây tốn kém, lãng phí cho nhân dân”.

Bên cạnh yếu tố đảm bảo bí mật, Bác cũng nhiều lần căn dặn về ý thức cảnh giác, tránh sơ hở, kẻ địch thường lợi dụng... Đi công tác địa phương, Bác góp ý: “Các chú vẫn còn đơn giản trong suy nghĩ về cảnh giác lắm. Hôm nay đi công tác xa, lại phải qua vùng núi hẻo lánh nên phải đề phòng. Hai xe giống nhau quá thì chú phải đổi chỗ Bác ngồi luôn. Biển số xe cũng phải dự phòng, vài ngày hay vài tuần phải đổi biển số khác. Chỗ ngồi trên xe cũng vậy, có thể chú và Bác phải thay đổi chỗ ngồi mỗi lần đi để kẻ địch không phát hiện ra quy luật”. Từ những lời góp ý, phê bình của Bác, lực lượng Cảnh vệ đã tự kiểm điểm, tổ chức họp bàn biện pháp khắc phục. Nhờ đó, công tác bảo vệ từng bước tiến bộ.

Đặc biệt, ngày 7/2/1962, đến dự Hội nghị Tổng kết công tác năm của Cục Cảnh vệ, Bác Hồ đã ghi nhận những thành tích của CBCS Cảnh vệ và căn dặn đơn vị: “...Muốn bảo vệ thì người bảo vệ: Phải biết đánh địch; Phải biết võ giỏi; Phải khỏe; Phải bắn súng giỏi. Muốn bảo vệ tốt; Phải có kỹ thuật; Phải giữ được bí mật và phải có thái độ tốt đối với đồng bào...”. Lời dạy của Bác đã được ghi vào truyền thống vẻ vang và được lực lượng Cảnh vệ lấy làm quan điểm, phương châm, biện pháp chỉ đạo công tác nghiệp vụ và xây dựng lực lượng. Bài học vô cùng quý giá đó đến nay đã hơn 7 thập kỷ, nhưng vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 21/12/1965, tại Hội nghị mừng công của Trung đoàn 600 - đơn vị vinh dự được Người đặt tên, Bác đã căn dặn: “Các chủ phải giữ gìn bí mật, đề cao cảnh giác thật tốt, phải học tập cho tốt, giữ gìn kỷ luật cho nghiêm, lúc không có địch coi như có địch, lúc có địch coi như không có địch. Bác nói như thế là để các chú phải dũng cảm, bình tĩnh không lộn xộn, vội vàng khi sự việc xảy ra”.

Được vinh dự bảo vệ Bác, cũng như thường xuyên được Bác quan tâm chỉ bảo, lực lượng Cảnh vệ không những tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ sự nghiệp hoạt động cách mạng phong phú của Người, mà còn rút ra được những bài học trong thực tiễn công tác cảnh vệ. Từ những bài học Người giảng giải về thái độ tốt đối với đồng bào, về nguyên tắc bí mật, ý thức cảnh giác, những sơ hở mà địch thường lợi dụng… mỗi CBCS Cảnh vệ càng thấy trưởng thành về cả trí tuệ và nghiệp vụ.

Cùng với thời gian, những lời chỉ dạy của Người vẫn mang tính thời sự và còn nguyên giá trị, là bài học quí được CBCS lực lượng Cảnh vệ thực hiện và vận dụng sáng tạo qua các thời kỳ cách mạng.

Thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy CAND và những lời dạy của Người, CBCS lực lượng Cảnh vệ nguyện suốt đời phấn đấu “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là “lá chắn thép”, “thanh bảo kiếm sắc bén”, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, luôn xứng đáng là lực lượng cận vệ trung thành, tin cậy của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Hải Đường

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/luc-luong-canh-ve-mai-khac-ghi-loi-bac-day-i768789/
Zalo