Lực đẩy nông dân đầu tư phát triển sản xuất
Xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là nhiệm vụ lâu dài, là giải pháp then chốt để phát triển KT-XH ở nông thôn, trong đó, cốt lõi của xây dựng NTM chính là phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Nhằm hỗ trợ người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND, ngày 9/12/2022 về Quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển SXKD thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, chính sách này của tỉnh mang lại những kết quả đáng kể, góp phần thúc đẩy nền KT-XH của tỉnh phát triển.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị kiểm tra dự án vay vốn sản xuất tại vùng gò đồi huyện Triệu Phong - Ảnh: V.H.T
Trước đây, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển SXKD như: Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của UBND tỉnh. Đây là chính sách được người dân đặc biệt quan tâm, hưởng ứng tham gia và đã mang lại những hiệu quả đáng kể. Giai đoạn 2015-2020, chỉ với hơn 4,47 tỉ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất đã huy động được 49,5 tỉ đồng vốn tín dụng trong Nhân dân.
Điều đó cho thấy, với một nguồn lực hỗ trợ tuy không lớn nhưng huy động được nguồn vốn tín dụng khá lớn để phát triển sản xuất, giúp người dân chủ động mở rộng SXKD, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, đặc biệt, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, góp phần xây dựng NTM, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Trên cơ sở kết quả đạt được, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026 và Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương và cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó có nội dung hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển SXKD trong xây dựng NTM.
Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND, ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người dân giảm chi phí đầu tư, từ đó, mạnh dạn vay vốn phát triển SXKD, tạo thu nhập ổn định nâng cao đời sống góp phần xây dựng NTM.
Ngân sách tỉnh cấp bù hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển SXKD, chế biến, bảo quản, tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất đối với một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của tỉnh được quy định tại Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh.
Hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển SXKD các sản phẩm tiềm năng đã đạt chứng nhận sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đối với các nội dung: đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; mua thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP; đầu tư trung tâm, điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM.
Đối với khoản vay ngắn hạn, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% số tiền lãi cho khách hàng vay trong suốt thời hạn vay; đối với khoản vay trung hạn, dài hạn, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất đối với 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 30% lãi suất cho các khách hàng vay vốn. Căn cứ vào phương án, dự án SXKD, các tổ chức, cá nhân được vay vốn theo các hạn mức khác nhau. Hạn mức cho vay được hỗ trợ lãi suất tối thiểu là 100 triệu đồng/dự án và tối đa không quá 2 tỉ đồng/dự án. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân vốn vay đến ngày trả nợ cuối cùng theo hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng không quá ngày 31/12/2025.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị là doanh nghiệp chủ yếu được các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh theo chương trình hỗ trợ lãi suất của tỉnh để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Tính đến hết tháng 3/2025, dự nợ cho vay được ngân sách cấp bù hỗ trợ lãi suất tại đơn vị này là 13.779 triệu đồng với 35 hộ vay vốn. Tổng số tiền hỗ trợ lãi suất đã thực hiện là 538,1 triệu đồng. Sau gần 3 năm được hỗ trợ lãi suất, các dự án vay vốn ngân hàng theo chính sách này đã phát huy hiệu quả tốt.
Anh Phạm Ngọc Tâm ở xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong xây dựng khu trang trại chăn nuôi gà dọc trục đường sinh thái của xã. Trang trại của anh được xây dựng có ứng dụng công nghệ cao điều khiển tự động, đầu tư theo hệ thống tự động khép kín. Trang trại có hệ thống quạt làm mát tự động đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho các khu chuồng. Hệ thống thức ăn, nước uống cho gà đều điều khiển bằng điện. Khu vực khử trùng được xây dựng hợp lý trong hệ thống chuồng trại nên đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Quá trình xây dựng và phát triển trang trại của anh Tâm, ngoài vốn tự có, anh Tâm được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Triệu Phong cho vay vốn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng số vốn được vay là 2 tỉ đồng để đầu tư trang thiết bị máy móc theo chuẩn của Công ty CP để nuôi gà gia công cho công ty này. Mỗi khu chuồng trại đầu tư 1 - 2 tỉ đồng, bình quân mỗi năm nuôi được 3 - 4 lứa gà, mỗi lứa xuất chuồng 120 - 130 tấn, trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng.
Hầu hết các hộ vay vốn theo chương trình hỗ trợ lãi suất đều xây dựng hồ sơ dự án kỹ càng, được chính quyền địa phương và Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện phê duyệt nên được các chi nhánh ngân hàng giải ngân nhanh chóng. Các dự án đều đầu tư đúng mục đích, đúng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Phan Hồng Hải cho biết: Nhờ nguồn vốn vay được ngân sách hỗ trợ cấp bù lãi suất theo Nghị quyết số 100/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa mang giá trị cao, nhanh chóng thoát khỏi nghèo khó, vươn lên khá giả.
Đồng vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đã thực sự phát huy được hiệu quả cao, góp phần thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện tốt chương trình MTQG xây dựng NTM tại địa phương.