Lực đẩy niềm tin

Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phức tạp, đặc biệt là với các chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ nhắm vào nhiều đối tác lớn trong khu vực châu Á, Việt Nam không ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một áp lực không nhỏ khi rủi ro chuỗi cung ứng tăng cao và các điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, DN Việt Nam không đơn độc vì đã có sự đồng hành của Chính phủ, 'tấm khiên' thể chế và chính sách tạo lực đẩy niềm tin.

Không phải đến bây giờ, khi đứng trước làn sóng áp thuế của Mỹ gần đây, Chính phủ Việt Nam mới có những chính sách bảo vệ DN. Trước đó, khi nền kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt sau đại dịch, khi DN Việt phải đối mặt với rủi ro chuỗi cung ứng đứt gãy, xuất khẩu gặp nhiều thách thức... Chính phủ đã thể hiện năng lực thích ứng linh hoạt, từ chính sách vĩ mô cho tới hành động cụ thể, giúp DN thoát khỏi thế bị động. Đó chính là mô hình phối hợp “Chính phủ - doanh nghiệp” - điển hình của một nền kinh tế hội nhập thông minh và chủ động.

Gần đây, việc Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt với các sản phẩm như gỗ, thép, pin năng lượng mặt trời... đã tạo thêm áp lực lớn. Tuy nhiên, Chính phủ đã không chọn cách phản ứng phòng thủ mà chủ động đàm phán, tái cấu trúc thể chế, nâng cấp tiêu chuẩn, mở rộng thị trường mới. Chính phủ thể hiện rõ vai trò “tấm khiên” thể chế hỗ trợ DN, giữ vững định hướng và củng cố niềm tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “tôn trọng luật chơi, nhưng không chấp nhận luật chơi bất bình đẳng” và đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao triển khai các kênh đối thoại với Mỹ, cung cấp bằng chứng khẳng định Việt Nam không “lẩn tránh thuế” hay “trung chuyển trá hình”. Hệ thống truy xuất nguồn gốc và giám sát xuất xứ hàng hóa được thực hiện minh bạch.

Các cuộc làm việc giữa đại diện Việt Nam với USTR, Bộ Thương mại Hoa Kỳ và các hiệp hội thương mại song phương diễn ra nhanh chóng, bài bản và thiện chí, thể hiện hình ảnh của một nền ngoại giao thương mại hiện đại. Chính phủ Việt Nam không chỉ bảo vệ thể diện quốc gia mà còn bảo vệ từng lô hàng, từng doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng linh hoạt. DN xuất khẩu gỗ, sắt thép, điện tử... được tiếp cận ưu đãi lãi suất, giãn nợ, tái cơ cấu khoản vay. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phối hợp trợ giúp pháp lý, đào tạo phòng vệ thương mại, đặc biệt với DN nhỏ và vừa. Chính phủ đồng thời thúc đẩy xúc tiến thương mại sang các thị trường thay thế như Nhật Bản, EU, Ấn Độ, Trung Đông... Từ đó, DN không chỉ được khuyên “chuyển thị trường”, mà còn được tạo “đường băng” để cất, hạ cánh an toàn.

DN Việt Nam không đơn độc vì đã có “tấm khiên” thể chế và chính sách của Chính phủ tạo lực đẩy niềm tin

DN Việt Nam không đơn độc vì đã có “tấm khiên” thể chế và chính sách của Chính phủ tạo lực đẩy niềm tin

Giữa những biến động, những hành động thiết thực, nhanh chóng và chiến lược mềm dẻo nhưng cứng rắn của Chính phủ đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong cộng đồng DN. Vai trò của Chính phủ không chỉ là điều hành, mà là đồng hành.

Về phía DN, không phải ai cũng vượt qua được khó khăn. Nhưng cách Chính phủ hành động đã là chất xúc tác quan trọng. Nếu so sánh với giai đoạn 2018-2019 khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, DN Việt còn loay hoay thì đến nay họ đã chủ động hơn, chuyên nghiệp và tự tin hơn nhờ điểm tựa chính sách.

Nhiều DN gỗ, thép, điện tử đã đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, nâng tỷ lệ nội địa hóa, tránh phụ thuộc linh kiện Trung Quốc. DN gỗ tại Bình Dương, Đồng Nai đã nâng tỷ lệ nguyên liệu trong nước lên 60-70%. DN pin mặt trời chuyển dịch chuỗi cung ứng để tránh cáo buộc “lẩn thuế”. Đây là bước đi mang tính chiến lược giúp DN không chỉ né đòn mà còn tiến hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Một số DN thủy sản đã mở rộng thị trường sang Nhật, EU qua EVFTA. Ngành da giày, túi xách khai thác Ấn Độ, Trung Đông thông qua hội chợ thương mại. DN còn điều chỉnh bao bì, tem nhãn, và áp dụng các chứng chỉ môi trường như FSC, ISO, ESG... để tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.

DN không còn chờ “giải cứu”, mà chuyển sang tư duy kiến tạo. Chính phủ mở đường, nhưng tốc độ và thành công do DN quyết định. Áp lực thuế không chỉ là rủi ro mà là cơ hội tái cấu trúc mô hình kinh doanh và nâng tầm chuẩn mực.

Chính phủ Việt Nam đang thể hiện rõ vai trò “gió đỡ cánh buồm” cho DN. Và DN Việt, với bản lĩnh, kinh nghiệm và sự đồng hành vững chắc từ Nhà nước đang chứng minh rằng họ hoàn toàn có thể chèo lái qua những làn sóng dữ, hướng đến tương lai phát triển bền vững.

Việt Nam không còn là nền kinh tế nhỏ “nép mình” mà đang bước vào bàn cờ lớn với vị thế bản lĩnh, phòng thủ khi cần và tấn công đúng lúc. Một Chính phủ kiến tạo, hành động, minh bạch và đồng hành, đó là niềm tin lớn nhất mà DN cần trong thời kỳ đầy biến động này.

Lữ Ý Nhi

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/luc-day-niem-tin-317433.html
Zalo