Luật tục trong đời sống các dân tộc gốc Tây Nguyên
Văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa ở Tây Nguyên là môi trường để hình thành luật tục, trở thành nguồn tư liệu dân gian quý giá, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa từng dân tộc. Những bài ca luật tục là minh chứng tạo nên giá trị tinh thần, có chức năng tự điều chỉnh và tự giáo dục cho các thành viên trong cộng đồng, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững cho khu vực Tây Nguyên.
Phương thức sản xuất cổ truyền của các dân tộc ở Lâm Đồng như K'Ho, Mạ và Churu là trồng trọt, chăn nuôi và “chiếm đoạt” sản phẩm của tự nhiên. Nhưng do quan niệm bình quân chủ nghĩa nên người ta chỉ trồng lúa để đủ ăn, chăn nuôi đủ để tế thần linh và trao đổi, “chiếm đoạt” chỉ như là một sự tận hưởng món quà của thần linh ban tặng cho con người. Qua tìm hiểu cho thấy, có một bộ phận luật tục đề cập đến mối quan hệ tương tác của đồng bào qua sinh hoạt làm ăn. Tuy nhiên ở đó, luật tục có chức năng điều chỉnh hành vi và ý thức của con người.
Có nhiều bài luật tục đã ca ngợi sự siêng năng cần cù trong làm ăn. Với quan niệm hồn nhiên, đồng bào K'Ho cho rằng, người giỏi làm ăn là những người có khiếu ở tay, có khiếu ở chân (Khiếu ở chân đi rừng. Khiếu ở tay làm lúa). Xét sâu xa, đây là thái độ ca ngợi đối với những người làm ăn giỏi. Nhiều bài luật tục khác lại đề cao những người biết thức khuya dậy sớm để “làm ăn, tạo dựng sự nghiệp”, “làm giàu đổi hạnh phúc” (luật tục Churu).
Còn luật tục dân tộc Mạ thì khẳng định (Người giỏi được hưởng. Người khờ không được gì). Suy rộng ra, đồng bào nhắc nhở rằng, ai giỏi làm ăn thì hưởng hạnh phúc, ai không biết làm ăn thì ngồi không. Những lời khen ngợi này tuy giản dị, mộc mạc nhưng có vai trò điều chỉnh thái độ làm ăn của con người. Bên cạnh đó, luật tục cũng ca ngợi những người có tinh thần năng động, không chịu bó buộc bởi hoàn cảnh, biết dựa vào điều kiện tự nhiên để làm ăn có hiệu quả. Đó là những người “khi lên núi săn nai” khi “xuống nước bắt cá”, “mùa mưa tìm gò, mùa hạn tìm sình”. Những nội dung cơ bản này đã hình thành một thứ chuẩn mực xã hội, có tác dụng khuyến khích con người coi việc làm ăn không chỉ là trách nhiệm đối với gia đình mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng.
Bên cạnh đó, luật tục có vai trò điều chỉnh hành vi con người qua hoạt động làm ăn bằng những lời phê phán thói lười biếng và làm ăn qua chuyện. Thói xấu này được biểu hiện trước hết là có sức khỏe nhưng không chịu làm ăn. Đó là những người “dài chân mà không biết đi rừng, dài tay mà không biết bắt cá”. Đây cũng chính là hành vi và thái độ của lớp người có thói ỷ lại. Chính vì vậy, luật tục đã cảnh cáo “Phát rừng rậm đừng kêu kẹt thần, phát rừng thưa đừng sợ cỏ tranh”, “Ta cũng khỏe bằng người, sao đi xin đồ người”.
Một số bài luật tục khác lại phê phán thói làm ăn hời hợt, cẩu thả: “Làm rẫy không thành, làm lúa không nên”. Cũng có bài chỉ rõ, lười biếng là căn nguyên của nhiều tật xấu khác như ganh tị với người, say xỉn, trộm cắp... Đó là những kẻ không chịu làm ăn, “Ngày đêm ngoài đường, đi khiêng đồ người, đi ăn trộm đồ người”. Qua luật tục cũng có thể thấy, thói lười biếng luôn bị cả cộng đồng phê phán, nên tâm thức của họ là phải “chăm chỉ làm việc thì không thấy mặt người” - luật tục Mạ, tức là không để người đời coi thường, khinh bỉ.
Như vậy, từ xa xưa, đồng bào các dân tộc gốc Tây Nguyên đã rất có ý thức làm ăn tạo dựng cuộc sống. Phẩm chất này đã được kết tinh trong luật tục của họ. Hầu hết các bài luật tục ở nội dung này chỉ dừng lại ở những lời ca ngợi, răn dạy và khuyến khích làm ăn mà không có các hình phạt. Mặc dù vậy, nó vẫn có tác dụng điều chỉnh hành vi và ý thức của con người.
Trong điều kiện hiện nay, cuộc sống hiện đại len lỏi khắp mọi buôn làng, nóc nhà vùng đồng bào DTTS. Nhưng không vì thế mà trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân thiếu vắng luật tục. Đối với các buôn làng người K'Ho, Churu, Mạ ở Lâm Đồng, luật tục được vận dụng một cách linh hoạt, dung hòa với pháp luật, thông qua hương ước của hội đồng bào dân tộc tự quản, tổ dân phòng, tổ hòa giải... đã phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực trong việc nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Trao đổi thêm về vấn đề luật tục trong hoạt động sản xuất của bà con DTTS, ông K’Điệp ở Thôn 4 (xã Tam Bố, huyện Di Linh) là người có hàng chục năm sưu tầm, nghiên cứu luật tục cho biết: “Những bài ca luật tục trong lao động sản xuất đã tồn tại từ đời này qua đời khác, nhưng nó vẫn phù hợp và mang tính thời sự trong xã hội hiện đại hôm nay. Phần lớn là ngợi ca, động viên, khuyến khích bà con DTTS siêng năng, chăm chỉ làm ăn, xây dựng kinh tế gia đình ngày càng no ấm; đồng thời, phê phán những thói hư tật xấu, sự lười nhác, trông chờ ỷ lại. Riêng đối với người K'Ho ở Di Linh, luật tục nó thể hiện rất rõ trong lao động sản xuất, thông qua sự giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để phát triển kinh tế, các tổ vần đổi công, các phong trào tăng gia sản xuất, chung tay làm các công trình dân sinh,... thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao của cộng đồng. Còn người nào lười biếng, hay rượu chè, bỏ bê gia đình, vợ con... thì các già làng, người có uy tín đến tuyên truyền, vận động, khuyên răn, nhằm giúp họ nhận ra điều hay, lẽ phải, từ bỏ dần những tật xấu, sống có ích cho gia đình và buôn làng”.
Những năm gần đây, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS ở Lâm Đồng đã được cải thiện rất nhiều nhưng tình trạng túng thiếu, nợ nần vẫn còn. Điều đó dẫn đến nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng không tốt đến xã hội. Do đó, cần phải tiếp tục khơi đúng luồng tâm thức luật tục, để phát huy tinh thần khao khát làm ăn, tạo dựng một cuộc sống ấm no của bà con đồng bào các DTTS và hạn chế dần những hệ lụy phát sinh mới.