Cơn cớ dã quỳ
“Hoa dã quỳ đã nở dứt mưa chưa?
Vàng khắc khoải và đằm sâu khắc khoải”
(Nguyễn Thánh Ngã)
Chẳng phải cao nguyên đẹp nhất, lộng lẫy nhất, mê đắm nhất vào mùa dã quỳ trổ bông. Không chỉ hiện diện ở Đà Lạt, dã quỳ nhuộm vàng khắp Tây Nguyên, những Kon Tum, An Khê, Đắk Nông, Đắk Lắk, rắc vào nỗi nhớ những tâm hồn dễ rung rinh của lữ khách. Ngẫu nhiên gặp hình ảnh những đứa trẻ của núi với nước da đen nhẻm rượt đuổi vô tư lự trên những cánh rừng dã quỳ hay hình ảnh những cô sơn nữ trên lưng gùi cây trái có những cành hoa quỳ phủ lên trên là bài thơ bỏ bùa, đắm say nhất.
Trên những ngọn núi chập chùng mây, khó có loài cây nào dẻo dai và cho hoa nhiều đến thế. Loài hoa chỉ duy nhất có ở vùng cao Tây Nguyên ẩn chứa trong nó bóng dáng truyền thuyết và nhiều câu chuyện thú vị. Dưới con mắt của các văn nghệ sĩ lần đầu đến đây, dã quỳ có lẽ là cái tên thơ nhất, biểu tượng của vẻ đẹp vừa quý phái, lại vừa hoang dã, mạnh mẽ nơi những dãy núi phía Tây...
Những già làng người đồng bào K’Ho dưới chân núi Lang Biang kể rằng: Một ngày cách nay khá xưa, ông trời làm hạn hán gay gắt, vạn vật ở nơi này không sống nổi. Tại một ngôi làng nọ, có một chàng trai hào hiệp, khỏe như voi, cái nghĩ trong như suối, cái bụng thẳng như cây rừng, xót xa trước tình cảnh của dân làng nên quyết định lên đường tìm cho bằng được nguồn nước. Từ biệt người yêu bên dòng suối cạn, chàng cứ nhằm những ngọn núi sương mù bao phủ phía Tây mà đi, với niềm tin nơi có sương mù sẽ có nước. Thế nhưng bao nhiêu mùa trăng đi qua, chàng trai vẫn bặt vô âm tín, cô người yêu mòn mỏi ngóng tin chàng và đáp lại chỉ có tiếng hú man dại của núi rừng. Thế rồi cô gái quyết tâm theo hướng người yêu ra đi, băng rừng vượt suối đi tìm chàng. Ngày tiếp nối ngày, vượt qua bao ghềnh thác hiểm nguy, khi đến được những ngọn núi phía Tây thì nàng kiệt sức. Lạ lùng thay, ngay nơi nàng nằm xuống mọc lên một loài cây lạ, trổ hoa vàng rực. Người đời sau gọi là hoa dã quỳ. Câu chuyện tình có phần ma mị đẹp một cách khắc nghiệt ấy có phải chăng là biểu tượng cho ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh, tình yêu thủy chung son sắt... của con người cao nguyên...
Dã quỳ bắt đầu bung nở từ cuối tháng Mười rồi kéo dài đến tận Giêng Hai. Hoa dã quỳ ấm áp với mười hai cánh đều đặn khoe sắc dưới nắng. Có phải chăng được nuôi dưỡng vào thời điểm đất trời Tây Nguyên dư thừa nắng, gió nên hoa dã quỳ phát tiết hết cái màu vàng nồng nhiệt mãn khai của mình.
Homestay tôi ở là một ngôi nhà nhỏ nằm trên đồi của TP Đà Lạt, chỉ cần mở cửa sổ ra là cả một động hoa vàng. Và có lẽ chỉ trong đêm sâu, ta mới khám phá hết mùi hương hoa dã quỳ lẫn trong mùi cây cỏ đất đai của núi rừng, ẩn chứa một nỗi niềm cổ thi huyễn hoặc.
Những ngày lang thang ở Đà Lạt, tôi đã dành nhiều thời gian cho dã quỳ, lưu giữ những khoảnh khắc rực rỡ nhất của quỳ vàng. Thưởng lãm sắc vàng óng như rút ra từ ruột của dã quỳ, lòng tôi cũng trong suốt và run rẩy như hoa. Hoa choáng ngợp tâm trí làm cho tâm hồn ta thi vị hơn hay bởi trong ta mang sẵn tình yêu không toan tính mà hoa trở nên đẹp thuần khiết. Cái đẹp nạp năng lượng tích cực cho ta dù trong những ngày ủ ê nhất, là bằng chứng sinh động cho một phát hiện mang tầm phổ quát “cái đẹp cứu thế giới”. Không đợi xác quyết bằng niềm tin vạn vật hữu linh, một cách tự nhiên nhất, tôi đã không ích kỷ bứt một nhành hoa dã quỳ cho riêng mình dù có yêu hoa đến mấy. Bởi giản đơn rằng, khi lìa khỏi cành rồi, dã quỳ làm sao khỏi héo úa.